Tại sao Triều Tiên đặt 'đồng hồ đếm ngược' cho thoả thuận hạt nhân với Mỹ?

Minh Đức |

Tại sao Triều Tiên liên tục thúc ép Mỹ không được làm ngơ thời hạn cuối năm nhằm phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hoá?

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố, Mỹ có thời hạn tới cuối năm để đưa ra một đề xuất mới nhằm phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mốc thời gian đang đến gần cũng đi kèm theo lời cảnh báo, quốc gia châu Á có thể sẽ chấm dứt việc hạn chế thử hạt nhân và tiếp tục phóng tên lửa có khả năng tấn công các thành phố của Mỹ. Hôm thứ năm (28/11), Triều Tiên cũng vừa có vụ phóng thử tên lửa thứ 13 tính từ tháng 5 tới nay.

"Chúng ta hiện ở trên đỉnh một ngọn núi lửa đang hoạt động", Robert L. Carlin, một cựu nhân viên đàm phán hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Mỹ miêu tả về tình hình đang xấu đi nhanh chóng trên bán đảo. "Chúng ta không còn nhiều thời gian".

Tháng trước, Triều Tiên cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đừng hòng "mơ về" thảo luận phi hạt nhân hóa nếu Mỹ không chấm dứt các chính sách thù địch trước tiên, bao gồm cả cấm vận kinh tế. Theo Bình Nhưỡng, Washington sẽ phải đối mặt với "hình phạt sốc" nếu làm ngơ thời hạn cuối năm.

Tuy nhiên, dường như giới ngoại giao Mỹ lại không tỏ ra quá cấp bách. "Tôi không nhớ về việc đã đặt ra một giới hạn thời gian nào cả", David R. Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu trước phóng viên hồi tháng 10.

Bình Nhưỡng chưa nói cụ thể về điều gì có thể xảy ra sau ngày 31/12, ngoại trừ việc Chủ tịch Kim từng cảnh báo sẽ tìm "một cách mới" nếu Washington vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt và cố gắng ép buộc một thỏa thuận phi hạt nhân hóa không thể chấp nhận được.

Một số nhà phân tích đánh giá, thời hạn cho thấy Chủ tịch Kim muốn có được một thỏa thuận nhiều như thế nào để có thể thực hiện lời hứa với người dân Triều Tiên là thoát khỏi trừng phạt và tái thiết đất nước. Họ nhận xét, thái độ thúc giục của Triều Tiên trong những tuần gần đây là nhằm gây sức ép để Washington quay trở lại bàn đàm phán với một đề xuất linh hoạt hơn.

"Triều Tiên đang nói với Mỹ: 'Chúng tôi sẽ phải điều gì đó rất tệ nếu đến cuối năm nay, anh không làm được gì cho chúng tôi, vì vậy hãy giúp chúng tôi tự ngăn cản bản thân mình", Kim Huyng-ki, cựu Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc phát biểu trong một diễn đàn mới đây tại Seoul.

Theo các nhà phân tích, "cách mới" của ông Kim có thể là nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tổng thống Trump từng rất tự hào về việc Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm và coi đó là một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất mà ông đạt được trong vấn đề Triều Tiên.

Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa tầm xa, họ có thể sẽ phải hứng chịu thêm trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Đất nước châu Á cũng sẽ đối mặt với phản ứng rắn từ Washington, thậm chí là cả những lời đe dọa theo kiểu "lửa và cuồng nộ" mà ông Trump từ sử dụng khi Mỹ và Triều Tiên từng ở tình trạng bên miệng hố chiến tranh.

"Có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự trở lại của một số động thái gây hấn", Stephen E. Biegun, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Triều Tiên cảnh báo tuần trước. "Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm lớn và một cơ hội bị CHDCND Triều Tiên bỏ lỡ".

Các chuyên gia khác cho rằng, đầu tiên ông Kim gần như chắc chắn sẽ thực hiện các hành động không phá vỡ thỏa thuận tạm dừng thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đường dài, nhưng vẫn sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Washington. Đó có thể là việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium ở Yongbyon hay phóng tên lửa tầm ngắn/trung bình.

Một cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc ICBM cũng có thể sẽ kích động Trung Quốc vào thời điểm Chủ tịch Kim cần sự trợ giúp từ Bắc Kinh hơn bao giờ hết nhằm làm giảm gánh nặng trừng phạt quốc tế. Chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Soongsil Lee Jung-chul chỉ ra, nếu Chủ tịch Triều Tiên chấm dứt quan hệ ngoại giao với Tổng thống Trump, ít nhất là trong thời ngắn hạn, Bình Nhưỡng sẽ "tìm đến sự ủng hộ của Trung Quốc". "Sẽ rất khó để Triều Tiên có hành động khiêu khích nếu xét tới tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc".

Triều Tiên cũng không nói cụ thể họ muốn gì khi yêu cầu Washington từ bỏ "chính sách thù địch". Từ lâu Bình Nhưỡng đã tỏ dấu hiệu muốn thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như chấm dứt các quốc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong các tuyên bố gần đây, Triều Tiên tập trung vào viễn cảnh của đối thoại phi hạt nhân hóa.

Bình Nhưỡng khẳng định, họ đã làm đủ các bước xây dựng niềm tin, như dừng phóng thử tên lửa, đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất và trao trả hài cốt lính Mỹ từ Chiến tranh Triều Tiên. Họ cũng tuyên bố, ông Trump đừng hy vọng có thêm bất kỳ món quà nào để "khoe khoang"; thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ nên thực hiện những lời hứa từ hồi thượng đỉnh Mỹ-Triều tai Singapore năm ngoái.

Ngoài ra, giới phân tích còn lo ngại, do quá trình đàm phán bị ngưng trệ, Triều Tiên sẽ tiếp tục sản xuất thêm nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. Và với kho vũ khí hạt nhân được mở rộng, chi phí phi hạt nhân hóa sau này cũng sẽ gia tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại