Nghi án điệp viên Nga mua nội gián có cản trở quan hệ Nga-Serbia?

Lê Ngọc |

Dấu hiệu của những thay đổi trên sân khấu chính trị Serbia và quan hệ Serbia-Nga chỉ có thể xuất hiện sớm nhất vào 4/12, tại cuộc gặp Vučić-Putin

Quan hệ hữu hảo Nga-Serbia

Nga và Serbia có mối quan hệ khăng khít về chính trị, văn hóa và kinh tế. Trong cuộc chiến tranh do NATO phát động chống lại Serbia vào năm 1999, Nga gần như là nước duy nhất lên tiếng ủng hộ và có sự hỗ trợ thiết thực nhất đối với Belgrade. Moscow từ chối công nhận độc lập của Kosovo - một tỉnh ly khai khỏi Serbia. Hiện đồng minh số 1 của Moscow tại khu vực Balkan này cần sự trợ giúp của Nga trong việc phát triển kinh tế và nhất là nâng cao năng lực quốc phòng khi tình hình tài chính còn khó khăn.

Các lực lượng vũ trang Serbia đang sử dụng máy bay chiến đấu và xe tăng do Nga chế tạo. Gần đây, Nga đã tặng cho không quân Serbia 4 tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 đã được nâng cấp lên chuẩn MiG-29SMT khá hiện đại.

Đất nước vùng Balkan này được hứa hẹn sẽ có nguồn tín dụng ưu đãi từ Nga nếu mua sắm vũ khí do Nga sản xuất. Serbia phụ thuộc vào các nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga; Naftna Industrija Srbije - công ty dầu mỏ lớn nhất nước này, đã bán phần lớn cổ phần cho tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom.

Rúng động nghi án điệp viên Nga mua nội gián

Cuối tuần trước, theo Christo Grozev - một phóng viên điều tra thường trú tại Bulgaria, đoạn video đăng tải trên Youtube cho thấy "trợ lý tùy viên quân sự Đại sứ quán Nga tại Belgrade" bí mật gặp một gián điệp người Serbia tại một trong những bãi đậu xe ở quận Zemun (Belgrade). Hai người chào nhau vui vẻ, uống bia và trao đổi túi xách. Người đàn ông Serbia có khuôn mặt bị che mờ sau đó ngồi trong xe hơi, lấy ra một chai rượu, một phong bì từ túi xách và kiểm đếm tập tiền giấy bên trong.

Nhờ sử dụng phần mềm nhận diện của Microsoft, Grozev đã xác định được danh tính của người Nga nọ - trung tá tình báo quân đội Georgy Viktorovich Kleban. Viên trung tá từng là trợ lý Tùy viên Quân sự Đại sứ quán Nga tại Cộng hòa Serbia này đã rời khỏi cương vị vào tháng 6/2019. Theo hãng thông tấn quốc gia Tanjug, Cơ quan An ninh và Thông tin Serbia (BIA) đã lên tiếng xác nhận tính chân thực (không phải do lồng ghép) của đoạn video.

Nghi án điệp viên Nga mua nội gián có cản trở quan hệ Nga-Serbia? - Ảnh 2.

Quan hệ Nga-Serbia đang trong giai đoạn tốt đẹp; Nguồn: i0.wp.com

Quyết định mở cuộc điều tra hôm 20/11, tổng thống Serbia Aleksandar Vučić tuyên bố, nước này chưa sẵn sàng hợp tác với Nga nếu Moscow không thể đảm bảo quan hệ trung thực đối với họ: "Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ tốt và đáng tin cậy, Serbia đã sẵn sàng cho điều này và chúng tôi hy vọng rằng Nga cũng sẽ như vậy". Ông yêu cầu Nga phải có lời giải thích thật rõ ràng và không loại trừ khả năng hủy bỏ tất cả thỏa thuận đã được ký kết giữa 2 nước.

Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nebojsa Stefanovic đã tới Moscow ngày 20/11 để thảo luận về "các thách thức an ninh và hợp tác phòng chống tội phạm" với lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Nga Patrushev, tuy nhiên, chuyến công du có liên quan đến đoạn video trên hay không, không được đề cập. Các nhà phân tích cho rằng, vụ bê bối gián điệp trên có thể phá vỡ mọi thỏa thuận hiện có giữa Serbia và Nga, bao gồm cả việc mua sắm trong tương lai cũng như thanh toán cho các thiết bị quân sự đã nhận. Mọi chuyện thậm chí còn có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát nếu các quốc gia mua sắm nhiều vũ khí Nga như Ấn Độ, Syria... điều tra các hợp đồng đã từng được ký kết.

Tại sao lại là lúc này?

Liên minh cầm quyền ở Serbia hiện nay gồm Đảng Tiến bộ của Vučić và Đảng Xã hội (do Bộ trưởng Ngoại giao Ivica Dacic lãnh đạo) - là những lực lượng chính thân châu Âu tại nước này. Họ không che giấu điều này, coi việc gia nhập EU là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Serbia. Vụ bê bối gián điệp diễn ra trước chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Serbia - Tổng thống Vučić, tới Nga vào ngày 4/12; nhà lãnh đạo Serbia cũng có kế hoạch đến Moscow dự kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít Đức - 9/5/2020.

Một số nguồn tin coi việc tung video trên là một "nỗ lực làm suy yếu mối quan hệ Nga-Serbia của phương Tây". Các quan chức Cơ quan An ninh và Thông tin Serbia không loại trừ rằng các cơ quan tình báo Mỹ có thể tham gia vào việc phân phối băng hình. Những người khởi xướng cuộc khiêu khích đang trông chờ sự khởi đầu của một vụ bê bối gián điệp để khuếch đại các nỗ lực của Nga ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị ở các nước Balkan.

Những kẻ đối lập chính quyền Serbia đã tung con bài gián điệp trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Serbia tới Nga để làm hỏng mối quan hệ giữa hai quốc gia, theo Morozov - thành viên của Ủy ban quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga. Theo vị nghị sĩ, đây là một sự trùng hợp rất có chủ ý, là một đòn giáng mạnh vào cả Nga và Tổng thống Serbia. Dễ dàng đoán được ai đứng đằng sau chuyện này, nhưng câu hỏi đặt ra là ai được lợi từ vụ việc - chỉ những người muốn làm hỏng mối quan hệ hai nước và làm mất uy tín Vučić.

Không khó để nhận thấy, việc tung video đã kích động phương Tây, NATO và cả EC vì Serbia gần đây đã ngày càng nghiêng về phía Nga. Các động thái thân Nga ngày càng hiện rõ trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và đặc biệt là quân sự: bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chống lại tất cả các nghị quyết lên án việc sáp nhập Crimea của Nga; ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu; nhập khẩu thiết bị quân sự của Nga; các cuộc tập trận chung thường xuyên, các chuyến thăm con thoi của lực lượng an ninh Serbia tới Nga...

Nghi án điệp viên Nga mua nội gián có cản trở quan hệ Nga-Serbia? - Ảnh 4.

Nga từng tặng Không quân Serbia 4 tiêm kích MiG-29SMT; Nguồn: britmodeller.com

Về lý thuyết, vụ mua thông tin mật của Nga có thể được các thế lực thân châu Âu ở Serbia khai thác. Tuy nhiên, lực lượng thân phương Tây trong nước bây giờ chính là chính phủ đương nhiệm. Và trong khi Vučić đang cân bằng khá tốt giữa Moscow và Brussels, thì làm trầm trọng thêm quan hệ với Nga không phải là lợi ích của ông. Serbia sẽ cố gắng sử dụng tình huống một cách tinh tế hơn, ví dụ, như một bằng chứng cho phương Tây thấy chính quyền nước này hoàn toàn không thực hiện chính sách ủng hộ Nga 100%, như một số đối tác châu Âu tin tưởng.

Điệp vụ có cản trở quan hệ hai nước?

Hứa hẹn tiến hành điều tra, nhưng chính quyền Serbia bắn tin, vụ việc không gây tai tiếng. Người đứng đầu bộ phận phân tích của Cơ quan Thông tin và An ninh Serbia cho biết, các hoạt động tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Serbia không chỉ từ Nga; các nước như Mỹ, Anh và Pháp, hoặc Croatia và Albania, đều rất tích cực thu thập dữ liệu về quân đội, vị trí đóng quân, vũ khí, kế hoạch... của Serbia.

Trong khi đó, tờ báo địa phương “Politika” ngày 22/11 trích dẫn nguồn tin riêng cho biết, băng video nói trên đã tồn tại ít lâu. Đồng thời, chưa xác minh được danh tính đối tượng người Serbia bị cáo buộc, đối tượng không làm việc trong ngành an ninh, nói cách khác, đối tượng là một thường dân, rất có thể, đã bán dữ liệu kinh doanh. Đồng quan điểm với Politika, tờ "Tin tức buổi tối" nhận định, điệp viên mà tình báo Nga gặp có thể là một doanh nhân cung cấp thông tin thương mại để kiếm tiền.

Mấy ngày gần đây, trên báo chí Nga có nhiều bài cung cấp thông tin chi tiết, theo đó, cơ quan an ninh Serbia đã biết về các hoạt động của viên tình báo Nga ở nước này, nhưng cuộc gặp của anh ta với một trung tá đã nghỉ hưu người Serbia được đăng trên Internet không phải do họ ghi lại. Theo tổng thống Serbia, vụ việc trong clip diễn ra ngày 24/12/2018, các cơ quan chức năng của nước này nhận được thông tin tại Zemun vào khoảng 6 giờ chiều, trung tá nghỉ hưu Z. K sẽ gặp trung tá George Kleban - sỹ quan GRU Nga.

An ninh Serbia đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nhưng không thể ghi lại cuộc gặp. Vučić cũng cho biết, Kleban đã bị ghi hình mười lần giao tiếp với ba điệp viên, trong đó ba lần ông này trao tiền cho điệp viên; hiện Kleban không có mặt trên lãnh thổ Serbia. Riêng trung tá Z. K, đã được theo dõi từ năm 2012, khi ông này tiếp xúc với các đặc vụ của Croatia, sau đó, bắt tay với tình báo Nga.

Nhà lãnh đạo Serbia lưu ý rằng, đất nước của ông có mối quan hệ tuyệt vời với nước Nga. Serbia không quên và sẽ không quên Moscow đã hỗ trợ Serbia trong các vấn đề quốc tế và vũ khí. Serbia là quốc gia duy nhất không áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, chưa bao giờ bỏ phiếu chống Liên bang Nga. Vučić tuyên bố, vụ việc với tình báo Nga sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Belgrade và Moscow, và quyết định không tham gia NATO của Serbia. Nếu việc công bố video nhằm mục đích gây bất hòa giữa Serbia và Nga, thì điều này rõ ràng đã không đạt được.

Nhiều người tin rằng, vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ Belgrade-Moscow, vì Serbia cực kỳ cần sự hỗ trợ từ Nga trong giai đoạn hiện nay. Nếu các phương Tây thực sự đứng sau việc tung video, là đánh giá thấp sức mạnh và quy mô của tình huynh đệ hiện tại giữa Belgrade và Moscow. Tuy nhiên, mặc dù độ hướng đông của chính trị Serbia gần đây trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn chưa có sự chuyển hướng nào đạt đến mức Moscow cần. Belgrade từ chối công nhận Crimea thuộc về Nga; tiếp tục hợp tác với NATO; chuẩn bị gia nhập EU; sẽ không trở thành thành viên chính thức của Liên minh kinh tế Á-Âu; không muốn tham gia khối quân sự CSTO, bằng lòng chỉ là quan sát viên trong Hội đồng Nghị viện của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.

Tăng cường ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế và quân sự của Nga bằng cách buộc nhà nước hàng đầu Balkan này vào quỹ đạo Moscow, sẽ tự động có nghĩa là làm suy yếu vị thế của EU, NATO và Mỹ trong tất cả các lĩnh vực này. Nếu phe đối lập thực hiện một cách bài bản, tổng thống đương nhiệm và phe cánh của ông sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng với việc duy trì quyền lực sau cuộc bầu cử tiếp theo, khi lực lượng thân Nga hơn sẽ lãnh đạo Serbia. Hiện nay đơn giản là không có chính trị gia thân phương Tây hơn Vučić trên sân khấu chính trị Serbia. Hoặc chính Vučić phải chọn và quyết định tăng cường hơn nữa tình bằng hữu với Nga, trở nên thân Nga hơn? Dấu hiệu của những thay đổi trên sân khấu chính trị Serbia và quan hệ Serbia-Nga chỉ có thể xuất hiện sớm nhất vào 4/12, tại cuộc gặp Vučić-Putin./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại