“Già néo đứt đây”, Mỹ sẽ phải trả giá đắt?

Kiệt Linh |

Nếu Washington tiếp tục loại Ankara ra khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm đến một loại chiến đấu cơ tương tự. Nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo đồng minh Mỹ rằng, nước ông sẽ không từ bỏ các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 vừa mua được của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chia sẻ một số thông tin về nội dụng cuộc thảo luận giữa ông này với người đồng cấp Mỹ Donald Trump hồi tuần trước. Theo đó, hai bên đã cố gắng tìm cách tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước sau khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 vì lý do Ankara mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Trong bài phát biểu trước Đảng AK cầm quyền, Tổng thống Erdogan cho hay, ông đã nói với người đồng cấp Trump rằng, nếu Washington vẫn tiếp tục duy trì “lập trường không khoan nhượng” trong vấn đề F-35 thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tìm các sự lựa chọn thay thế khác. Trong khi đó, sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào trong vấn đề liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Một số hệ thống này đã được bàn giao cho Ankara bất chấp việc chính quyền của Tổng thống Trump dùng mọi cách để thuyết phục ông Erdogan từ bỏ thỏa thuận mua S-400 đã ký với Moscow.

Tuần trước, Nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với các phóng viên rằng, đề nghị của ông Trump về việc phá hủy các hệ thống S-400 là “một sự xâm phạm các quyền chủ quyền của chúng tôi”. Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ và các đồng minh phương Tây không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá hợp đồng này. Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, nếu hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công thì đây sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị chiến tranh của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35.

Việc Ankara theo đuổi S-400 của Nga đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra mối quan hệ chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Giới chức Mỹ liên tục đe dọa và cảnh cáo Ankara về hậu quả nếu cứ nhất quyết mua S-400 của Nga. Mỹ đe dọa trừng phạt Ankara và không bán những chiếc chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này có trong tay những hệ thống tên lửa S-400.

Tuy nhiên, Mỹ đã phải thất vọng trước sự quyết tâm và cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc theo đuổi hợp đồng S-400 với Nga.

Liên quan đến lời đe dọa của phía Mỹ về việc không bán các chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara mới đây đã tiếp tục ám chỉ rằng nước này có thể mua các chiến đáu cơ của Nga nếu Mỹ quyết phá hợp đồng F-35 với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã đề nghị bán cho Thổ Nhĩ Kỳ những chiếc chiến đấu cơ Su-35. "Đã có lời đề nghị được đưa ra và chúng tôi đang đánh giá tình hình. Chắc chắn chưa thể có chuyện ‘chúng tôi sẽ mua nó vào ngày mai’. Các khía cạnh tài chính và chiến lược sẽ được xem xét và chúng tôi chưa thể đưa ra quyết định ngay được về vấn đề này”, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từng tiết lộ như vậy.

"Sẽ không đúng khi nói ‘thời kỳ F-35 đóng lại và thời kỳ Su-35 mở ra’ nhưng chúng tôi đang xem xét lời đề nghị của phía Nga”, vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.

Có vẻ như nếu Mỹ tiếp tục làm căng với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề S-400 và F-35 thì rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay sang mua chiến đấu cơ của Nga. Đây sẽ một đòn giáng thêm nữa và Washington sau khi nước này phải chứng kiến đồng minh mua S-400 từ Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại