Cựu Ngoại trưởng Kissinger: Mỹ và Trung Quốc đang ở 'chân cuộc chiến tranh lạnh'

VĂN ĐỨC |

Các cựu quan chức hàng đầu của Mỹ đồng loạt đưa ra cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Mỹ và Trung Quốc đang “ở dưới chân của một cuộc chiến tranh lạnh” - cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đưa ra nhận định ngày 21/11 tại một diễn đàn kinh tế toàn cầu ở Bắc Kinh. Đồng thời, ông kêu gọi cả hai bên nên thảo luận chính trị để hạn chế hậu quả từ bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào.

Một cuộc xung đột như vậy, theo lời ông Kissinger, sẽ là thảm khốc, và thậm chí có thể còn tồi tệ hơn Thế chiến I, bởi cả hai nước hiện giờ, xét về quy mô, đều vượt quá Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh , và đang sở hữu những loại vũ khí hiện đại hơn rất nhiều.

Chúng ta hiện giờ chưa có mức độ cạnh tranh như vậy, nhưng chúng ta cũng không có các cuộc đàm phán chính thức để giảm xung đột chính trị... Một cuộc thảo luận về các mục đích chung giữa chúng ta và một nỗ lực nhằm hạn chế tác động của xung đột, theo tôi, dường như là điều hết sức cần thiết” - cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.

Vẫn chưa phải quá muộn để làm điều đó, bởi chúng ta mới chỉ ở chân của một cuộc chiến tranh lạnh” - ông cho biết thêm.

Trong phiên họp đặc biệt về quan hệ Mỹ-Trung tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg, Tiến sĩ Kissinger đưa ra cảnh báo về sự phân cực ngày càng gia tăng trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chỉ ra rằng, quan điểm ở Washington đã thay đổi chóng mặt và trở nên “diều hâu” hơn kể từ 3 năm trước.

Tiến sĩ Kissinger, 96 tuổi, từng là Ngoại trưởng Mỹ, người đã giúp mở đường cho mối quan hệ hợp tác Trung-Mỹ vào đầu những năm 1970, khi ông bay tới Bắc Kinh với những nhiệm vụ ngoại giao bí mật.

Theo quan điểm của tôi, điều đặc biệt quan trọng là làm sao để sau mỗi giai đoạn tương đối căng thẳng phải là những nỗ lực rõ ràng để tìm hiểu nguyên nhân chính trị là gì, và cam kết của cả hai bên để cố gắng vượt qua những điều đó” - ông nói.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ và thương mại. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại chỉ là triệu chứng của một cuộc cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa hai cường quốc.

Tiến sĩ Kissinger lưu ý rằng, các cuộc đàm phán thương mại hiện đang “trở thành phương án thay thế” cho các cuộc thảo luận chính trị đặc biệt cần thiết.

Trong khi cả hai nước, trong những tuần gần đây, có dấu hiệu cho thấy họ có thể tiến gần đến thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/11 lại bất ngờ tuyên bố rằng, một thỏa thuận như vậy sẽ không được ký kết trước cuối năm nay, bởi Bắc Kinh đang có dấu hiệu trì hoãn.

Nhưng tất cả đều biết rằng, những cuộc đàm phán thương mại, mà tôi hy vọng sẽ thành công, có thể chỉ là khởi đầu nhỏ cho một cuộc thảo luận chính trị, mà tôi hy vọng sẽ diễn ra trong những năm tới” - ông Kissinger nói.

Trong khi đó, cựu Đại diện thương mại Mỹ Charlene Barshefsky cho rằng, phản ứng của phương Tây trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu vẫn còn là “yếu ớt”.

Phương Tây đang rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu hay tầm nhìn dài hạn, áp đặt thuế quan bảo hộ cản trở tăng trưởng, không đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước hoặc vào người dân, và sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc” - bà nói.

Đồng Chủ tịch diễn đàn Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhấn mạnh rằng, cả hai nước đều đang đi sai hướng.

Chúng ta đang khiến khác biệt trở nên lớn hơn, chứ không phải nhỏ đi – mặc dù cả Washington và Bắc Kinh đều có những ý định mang tính xây dựng khác nhau” - ông nói.

Ông Paulson cho biết thêm rằng, dù cho một số “sự phân tách chiến lược” trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ truyền thông và quản trị Internet là cần thiết, nhưng sự thiết lập hàng rào bảo vệ “để giữ cho sự cạnh tranh xung quanh các công nghệ nhạy cảm và phức tạp không vượt quá tầm kiểm soát” cũng không kém phần quan trọng.

Những ảo tưởng về sự tách rời tổng thể và toàn diện sẽ khiến hai nước chúng ta và thế giới trở nên tồi tệ hơn” - ông Paulson kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại