"Nóng mặt" vì Lệnh cấm mặt nạ bị tòa Hồng Kông bác bỏ, Quốc hội Trung Quốc sẽ can thiệp bằng quyền lực đặc biệt?

Hải Võ |

Phán quyết dài 106 trang của Tòa án cấp cao Hồng Kông cho rằng Luật tình trạng khẩn cấp - gồm quy định cấm đeo mặt nạ - là đi ngược với Luật cơ bản của đặc khu này.

Trung Quốc phản ứng mạnh với tòa Hồng Kông

Sau khi phán quyết được đưa ra, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc - tức Quốc hội - đã phản bác lý giải của tòa án Hồng Kông.

Zang Tiewei, người phát ngôn Ủy ban sự vụ lập pháp (LAC) thuộc Ban thường vụ Nhân đại Trung Quốc (NPCSC), nói rằng phán quyết trên "không tuân thủ" Luật cơ bản - được ví như hiến pháp của Hồng Kông, cũng như quan điểm của NPCSC.

Zang nói rằng cơ quan lập pháp nhà nước là tổ chức duy nhất được phép quyết định các điều luật của Hồng Kông có tuân theo Luật cơ bản hay không.

"Hiến pháp [Trung Quốc] là Luật cơ bản Hồng Kông cùng nhau tạo dựng nền tảng hiến pháp của đặc khu hành chính này," ông Zang nói. "Việc một điều luật của chính quyền đặc khu Hồng Kông có phù hợp với Luật cơ bản hay không chỉ có thể được phán xử và quyết định bởi Ban thường vụ Nhân đại, và không một tổ chức nào khác có quyền phán xử và quyết định."

Ông Zang cáo buộc phán quyết của Tòa cấp cao Hồng Kông đã làm "suy yếu" quyền điều hành thành phố của trưởng đặc khu Carrie Lam và chính quyền đặc khu.

Phán quyết ngày 18 đã buộc cảnh sát phải ngưng thi hành quy định cấm đeo mặt nạ, còn các chuyên gia pháp lý hé lộ khả năng Quốc hội Trung Quốc can thiệp bằng phương án "shifa" - tức "giải thích luật".

Kennedy Wong, luật sư thuộc Tòa án tối cao Hồng Kông, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng chính quyền Hồng Kông có thể đệ đơn lên Tòa tối cao để yêu cầu phúc thẩm phán quyết của Tòa cấp cao.

Đồng thời, trong khi Tòa cấp cao cho biết khó có thể xác định việc trưởng đặc khu ban hành quy định trong trường hợp khẩn cấp có "vi hiến" hay không, ông Wong gợi ý chính quyền Hồng Kông "gửi yêu cầu giải thích luật lên Nhân đại toàn quốc, đề nghị Nhân đại làm rõ vấn đề này".

Vào tháng 12, Ban thường vụ Nhân đại Trung Quốc sẽ có kỳ họp tại Bắc Kinh.

Nóng mặt vì Lệnh cấm mặt nạ bị tòa Hồng Kông bác bỏ, Quốc hội Trung Quốc sẽ can thiệp bằng quyền lực đặc biệt? - Ảnh 2.

Phiên họp của Ban thường vụ Nhân đại Trung Quốc, do Ủy viên trưởng Lật Chiến Thư chủ trì, tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, tháng 10/2019 (Ảnh: Xinhua)

Những lựa chọn của Bắc Kinh

"Giải thích luật" là thuật ngữ chỉ việc NPCSC đưa ra diễn giải luật pháp để tỏ rõ ý nguyện lập pháp cùng nguyên tắc luật pháp bao hàm đối với một quy định nào đó trong Luật cơ bản của Hồng Kông, Macau. 

Điều 158 trong Luật cơ bản Hồng Kông quy định quyền diễn giải của NPCSC đối với Luật cơ bản của hai đặc khu hành chính. Diễn giải của Nhân đại Trung Quốc có hiệu lực pháp lý tương đương với Luật cơ bản, và các tòa án ở Hồng Kông phải tuân thủ những diễn giải này bất chấp họ có cách lý giải khác với Luật.

Như thế, bằng cách thức này, Bắc Kinh có khả năng diễn giải việc ban hành lệnh cấm mặt nạ của Hồng Kông là hợp hiến, qua đó buộc các tòa án ở đặc khu phải tuân theo diễn giải đó.

Nhân đại có ba phương án để khởi động diễn giải luật: Do Tòa án tối cao Hồng Kông đề xuất, do chính quyền Hồng Kông đề xuất, hoặc do chính Nhân đại chủ động tiến hành.

[VIDEO] Người biểu tình Hồng Kông đối đầu với cảnh sát ở Đại học Trung văn Hồng Kông ngày 12/11 (Nguồn: Huanqiu)

Người Hồng Kông lo ngại bị can thiệp vào tư pháp

Quy định cấm đeo mặt nạ - được chính quyền Hồng Kông luật hóa trong tình trạng khẩn cấp - đã không được áp dụng từ hơn nửa thế kỷ trước, nhằm cấm bất kỳ ai "che giấu nhận diện" tại các cuộc tụ tập quần chúng.

Kể từ khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997, Quốc hội Trung Quốc từng 5 lần thực thi diễn giải luật. Lần gần đây nhất là diễn giải đối với Điều 104 của Luật cơ bản, liên quan đến nguyên tắc, hình thức và nội dung tuyên thệ của các quan chức khi nhậm chức.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), phản ứng mạnh của Bắc Kinh đối với phán quyết của tòa Hồng Kông làm dấy lên lo ngại về sự can thiệp của trung ương đối với sự độc lập tư pháp của đặc khu. 

Nghị sĩ Dennis Kwok Wing-hang gọi thông cáo từ Văn phòng sự vụ Hồng Kông-Macau của chính phủ Trung Quốc là "thông cáo gây sốc nhất" và là lời đe dọa tước đi quyền tự chủ của Hồng Kông trong các thách thức tư pháp. 

Trong khi đó, nghị sĩ thân Bắc Kinh Priscilla Leung Mei-fun, thành viên ủy ban Luật cơ bản Hồng Kông, cho rằng ông Zang Tiewei chỉ đề cập đến những vấn đề nằm bên ngoài khuôn khổ tự trị của thành phố - ví dụ như Luật cơ bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại