Toàn cảnh bức tranh tái cơ cấu chuỗi cung ứng Đông Nam Á: Những ai cạnh tranh ngang tầm và những ai đang tụt hậu so với Việt Nam?

Hoàng An |

Thái Lan và Malaysia đang hành động rất tích cực để lôi kéo các nhà sản xuất - những người đang rời Trung Quốc vì thương chiến. Hai quốc gia này đều ôm tham vọng trở thành trung tâm sản xuất lớn khi chi phí lao động tăng cao, cạnh tranh với Việt Nam trong việc trở thành điểm đến thay thế.

Hai quốc gia này đang đưa ra các ưu đãi về thuế nhằm thu hút các nhà sản xuất, Indonesia cũng đang xem xét các biện pháp tương tự. Những nỗ lực của họ có khả năng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mạng lưới chuỗi cung ứng ở châu Á.

Thái Lan vào tháng 9 đã phê duyệt gói ưu đãi giảm 50% thuế cho các tập đoàn nước ngoài nếu họ cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ THB (33 triệu USD) vào đất nước này. Để đủ điều kiện hưởng ưu đã, các khoản đầu tư phải được thực hiện vào cuối năm 2021 và phải nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực quan trọng như điện tử công nghệ cao và hóa sinh.

Đó là một phần trong dự án Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), một khu công nghiệp đang được hình thành tại vùng biển phía đông của Thái Lan. EEC là trọng tâm của chương trình nghị sự chính sách nhằm biến Thái Lan từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành một quốc gia phát triển.

Một khu công nghiệp tập trung riêng vào các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được xây dựng ngay vào đầu năm tới. CP Land, công ty bất động sản của tập đoàn lớn nhất Thái Lan - Charoen Pokphand Group, sẽ cùng sở hữu khu công nghiệp này cùng với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Quảng Tây.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang chuyển sang Thái Lan để tránh tác động của cuộc chiến thương mại. Tháng 4, nhà sản xuất tirem Prinx Chengshan đã quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 600 triệu USD tại đây. Đầu tư của các công ty Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng 30% trong năm nay lên 71,5 tỷ THB, dự báo của chính phủ cho thấy.

Không thua kém, Malaysia tháng trước đã ban hành một loạt các chính sách ưu đãi trị giá khoảng 240 triệu USD hàng năm trong vòng 5 năm. Các biện pháp này nhằm vào các tập đoàn và công ty khởi nghiệp lớn của nước ngoài, và bao gồm giảm thuế cũng như trợ cấp tài chính.

Malaysia sẽ sớm chọn khoảng 60 công ty đa quốc gia được nhắm mục tiêu, chính phủ sẽ vận động riêng họ để thiết lập nhà máy tại quốc gia này. Các công ty Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến ​​sẽ là một phần trong nhóm 60 công ty đó.

Các ưu đãi nhằm tăng tốc đầu tư và đưa Malaysia trở thành một quốc gia phát triển. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết vào tháng 10, các biện pháp này sẽ làm phong phú chuỗi cung ứng và tạo ra khoảng 100.000 việc làm chất lượng cao trong vòng 5 năm. Trong nửa đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia tăng gần gấp đôi so với năm ngoái lên 49,5 tỷ MYR, theo dữ liệu của chính phủ.

Toàn cảnh bức tranh tái cơ cấu chuỗi cung ứng Đông Nam Á: Những ai cạnh tranh ngang tầm và những ai đang tụt hậu so với Việt Nam? - Ảnh 2.

Indonesia cũng đang tìm cách tham gia cuộc chiến thu hút FDI. Vào cuối tháng 10, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho một thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế nhằm tối đa hóa vị thế của Indonesia trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, Indonesia đã không đạt được nhiều lợi ích từ cuộc chiến thương mại. Chính phủ đang hướng tới các ưu đãi bao gồm việc bãi bỏ các quy định phức tạp và giảm thuế doanh nghiệp. Trong số 56 công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019, 26 công ty chuyển đến Việt Nam, 11 công ty đến Đài Loan và 8 công ty sang Thái Lan và chỉ có 2 công ty đến Indonesia.

Việt Nam cho đến nay vẫn được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cuộc chiến thương mại. Trong số 33 công ty Trung Quốc từ tháng 6 đến tháng 8 công bố kế hoạch chuyển sản xuất ra nước ngoài, 23 công ty đã chọn Việt Nam, dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.

Dòng đầu tư mạnh mẽ góp phần giúp Việt Nam tăng trưởng hơn 7% trong quý III/2019 so với cùng kỳ. Trong khi xuất khẩu từ cả Đài Loan và Malaysia đã chững lại gần đây, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 7,31% trong quý III.

Một phần lợi thế của Việt Nam là chi phí lao động thấp. Đối với công nhân trong ngành sản xuất, chi phí lao động ở Bangkok cao gấp 2,4 lần so với tại Hà Nội vào tháng 1/2014, theo Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản. Kuala Lumpur cao gấp 2,8 lần. Tuy nhiên, đến tháng 1 vừa qua, khoảng cách về chi phí lao động giữa hai thành phố đó đã giảm xuống chỉ còn 1,9 lần so với Hà Nội.

Về phần Myanmar, Aung Naing Oo, thư ký thường trực của Bộ Đầu tư và Kinh tế đối ngoại nước này cho biết: "Nếu nói đến việc tái định cư hoạt động sản xuất, Việt Nam có thể thích hợp hơn, nhưng đã bắt đầu chật chỗ rồi. Vì vậy, các nhà đầu tư đang chú ý đến Indonesia và Myanmar. Một lợi thế cho Myanmar - nơi có khoảng một phần ba dân số vẫn còn sống trong nghèo đói - là châu Âu và Hoa Kỳ đang đưa ra các điều khoản xuất khẩu ưu đãi để thúc đẩy tăng trưởng".

Trong năm tài chính vừa qua, một lượng lớn FDI của Myanmar đã được rót vào lĩnh vực vận tải và viễn thông, tiếp theo đó là lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Cũng trong năm vừa qua, Singapore đã đầu tư 2,4 tỷ USD vào 25 dự án tại Myanmar, chiếm đến 60% tổng vốn FDI. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 600 triệu USD đã rót vào 140 dự án tại nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại