Đám trẻ reo hò nơi tòa xử Khá "Bảnh": Một thứ bất bình thường trong xã hội

Hoàng Đan |

Theo tướng Nguyễn Hữu Cầu, trào lưu nhiều người trẻ tôn sùng thần tượng như kiểu như Khá "Bảnh" là một nhận thức lệch lạc và sẽ không tồn tại lâu.

Dùng luật pháp xử lý "thần tượng" có hành vi vi phạm là rất nên làm

Ngày 13/11, bị cáo Khá "Bảnh" (tên thật: Ngô Bá Khá, 26 tuổi, trú tại Bắc Ninh) đã bị TAND thị xã Từ Sơn tuyên 10 năm 6 tháng tù về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.

Đáng chú ý, khi Khá "Bảnh" được dẫn giải vào và ra khỏi phiên tòa, người thân, bạn bè và nhiều thanh niên, học sinh đứng bên ngoài hàng rào lớn tiếng gọi, chụp ảnh, livestream, reo hò khi trông thấy bị cáo.

Cảnh tượng này khiến nhiều người liên tưởng tới những người hâm mộ chào đón "nghệ sĩ, thần tượng".

Trao đổi với PV, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cho rằng, ông là người thuộc lớp già và dù có suy nghĩ trẻ trung, ngôn ngữ đời thường, tiếp xúc được với nhiều giới nhưng khi nhìn vào cảnh nhiều bạn trẻ reo hò, livestream khi thấy Khá "Bảnh" không thể chấp nhận được.

"Nhìn việc reo hò, chụp ảnh khi thấy thấy bị cáo Khá "Bảnh", cá nhân tôi thấy đó như là một thứ bất bình thường, nếu không muốn nói là thứ "bệnh, rác" đi kèm với một xã hội lành mạnh chúng ta đang hướng tới.

Tôi cho rằng, việc xóa bỏ những cảnh tượng tương tự sẽ không phải đơn giản, dễ dàng nhưng nếu chúng ta không có biện pháp giải quyết triệt để thì có thể rác rưởi sẽ nhiều hơn. Khi rác rưởi nhiều sẽ đe dọa đến tính trật tự, văn minh của xã hội", PGS Bình nói.

Lý giải về việc tại sao Khá "Bảnh" lại được giới trẻ tung hô như vậy, PGS Bình cho hay, điều này xuất phát từ chính những hành vi không giống ai và "xét cho đến cùng, còn dưới mức tầm thường, nhếch nhác, nhem nhuốc" của Khá "Bảnh" cũng như một số người khác.

Đám trẻ reo hò nơi tòa xử Khá Bảnh: Một thứ bất bình thường trong xã hội - Ảnh 1.

PGS Trịnh Hòa Bình.

"Nhưng hiện tượng lệch chuẩn như Khá "Bảnh" lại gãi trúng vào xu hướng, tâm lý "nổi loạn" của giới trẻ và dường như ngay lập tức nó trở thành một đại diện tiêu biểu của giới trẻ.

Việc giới trẻ reo hò khi thấy bị cáo Khá "Bảnh" tại phiên tòa cũng cho thấy rõ điều đó.

Tuy nhiên, phải thấy rõ, đây là một người có hành vi phạm tội, siêu lệch chuẩn và việc tung hô là không nên, không đáng, không được làm trong một xã hội chuẩn mực đạo đức", PGS Bình nêu rõ.

Ông phân tích thêm, với hiện tượng như ở Khá "Bảnh" không chỉ ở xã hội của chúng ta mà nhiều xã hội khác, thậm chí các nước tiên tiến, phát triển vẫn xuất hiện. Tuy nhiên, với một xã hội còn đang "chấp chới, đan xen" của chúng ta thì hiện tượng này trở nên rầm rộ hơn.

"Việc dùng luật pháp để xử lý những "thần tượng" có hành vi vi phạm pháp luật là rất nên làm để cho giới trẻ thấy rõ, thực sự người đó có đáng để hâm mộ không.

Nhưng sâu xa hơn, theo tôi, cần phải xây dựng các chuẩn mực về đạo đức, lý lẽ cho xã hội và biện pháp giáo dục để nâng tầm nhận thức của giới trẻ, nhất là khi tham gia mạng xã hội", PGS Bình nhìn nhận.

Cần cuộc chấn hưng về đạo đức từ vụ đám trẻ hò reo ở tòa xử Khá "Bảnh"

Còn trao đổi với báo chí bên hành Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay thần tượng của giới trẻ rất nhiều, trường hợp Khá "Bảnh" cũng là một thần tượng của giới trẻ, nhưng đó là một thần tượng không chuẩn.

"Trong suy nghĩ của giới trẻ những thang giá trị có sự thay đổi, chính vì thế cần có cuộc chấn hưng về đạo đức", tướng Cầu nói.

Theo tướng Cầu, trào lưu nhiều người trẻ tôn sùng kiểu như Khá "Bảnh" là một nhận thức lệch lạc và sẽ không tồn tại lâu.

Đám trẻ reo hò nơi tòa xử Khá Bảnh: Một thứ bất bình thường trong xã hội - Ảnh 2.

Ông nói, đến khi những người trẻ đó lớn hơn một chút thì nhận thức của họ cũng thay đổi, họ sẽ thấy kiểu như Khá "Bảnh" không phải là "thần tượng" hâm mộ nữa, cần phải tránh xa.

"Để hạn chế tình trạng suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ cần phải có truyền thông mạnh, phân tích cho họ kiểu như Khá "Bảnh" là không đúng, từ đó định hướng cho giới trẻ một thang giá trị đúng với chuẩn mực xã hội, đúng với truyền thống.

Những người trẻ hôm nay có thể thấy Khá "Bảnh" là thần tượng nhưng khi được truyền thông đầy đủ, nhận thức sẽ thay đổi, nhiều người trẻ sẽ thấy kiểu như Khá "Bảnh" không phải là thần tượng và họ sẽ loại dần", Giám đốc Công an Nghệ An nêu rõ,

Lý giải về việc tại sao nhiều người trẻ lại có kiểu hâm mộ đối tượng như Khá "Bảnh", tướng Cầu cho rằng, hiện lớp trẻ được tiếp xúc với mạng xã hội, tiếp xúc với công nghệ quá sớm.

Trong quá trình lên mạng xã hội, với tất cả các loại thông tin trên đó, những người trẻ chưa đủ tri thức, nhận thức để chắt lọc.

"Họ thấy kiểu người như Khá "Bảnh" được nhiều người hâm mộ nên cũng hâm mộ theo, chưa biệt phân biệt đâu là đúng, đâu là sai.

Cần có khoảng thời gian, thứ nhất là giáo dục, thứ hai là theo thời gian họ lớn lên, về mặt trí tuệ sẽ thay đổi và nhận thức cũng thay đổi, họ sẽ biết kiểu như Khá "Bảnh" là không đúng, cần phải loại bỏ trong suy nghĩ", tướng Cầu nói thêm.

Ngô Bá Khá được biết tới với biệt danh Khá "Bảnh", đăng nhiều video có lời lẽ tục tĩu, giang hồ, cổ xuý lối sống không lành mạnh trên YouTube.

Bắt đầu làm "video vui vẻ" trên YouTube từ năm 2017, thời gian đầu, Khá được trả 7.000-8.000 USD/tháng. Khi video có lượng người xem cao, thu hút gần hai triệu người theo dõi, có tháng Khá kiếm được đến gần 20.000 USD (gần 400 triệu đồng).

Cũng kể từ sau khi "giang hồ mạng" này bị bắt ngày 1/4, từ khóa "Khá Bảnh" được người dùng internet trong nước quan tâm đặc biệt. Khá "Bảnh" từng đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên Google Việt Nam với trên 500.000 lượt tra cứu thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại