1 tháng Thổ Nhĩ Kỳ đánh Syria, phía thắng là Nga, ông al-Assad

Tri Túc |

“Người chiến thắng lớn nhất là chính phủ Syria và Tổng thống Bashar al-Assad. Ông ấy đã có thể giành nhiều vùng lãnh thổ ở các khu vực của người Kurd chỉ trong vài tuần, hơn hẳn so với những gì ông đã làm trong năm năm” - ông Kamal Alam - nhà phân tích quân sự chuyên về Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - đánh giá.

Một tháng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nhằm đánh bật lực lượng dân quân người Kurd ở vùng đông bắc Syria, khu vực này chứng kiến một lệnh ngừng bắn không dễ dàng chút nào, theo kênh Al Jazeera.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng 120 km giữa các thị trấn Tal Abyad và Ras al-Ain ở đông bắc Syria.

Binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc tuần tra chung ở khu vực biên giới còn lại vốn thuộc quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ bảo trợ.

1 tháng Thổ Nhĩ Kỳ đánh Syria, phía thắng là Nga, ông al-Assad - Ảnh 1.

Quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất cuộc tuần tra chung thứ ba ở phía đông sông Euphrates hôm 8-11. Ảnh: Anadolu

Quân chính phủ Syria đã tiến vào khu vực nhằm khẳng định vị thế của họ ở những thị trấn và làng mạc mà quân chính phủ đã đánh mất vào tay lực lượng người Kurd trước đó trong cuộc chiến kéo dài tám năm ở Syria.

“Người chiến thắng lớn nhất là chính phủ Syria và Tổng thống Bashar al-Assad. Ông ấy đã có thể giành được nhiều vùng lãnh thổ ở những khu vực của người Kurd chỉ trong vài tuần hơn hẳn so với ông đã làm được trong năm năm” - ông Kamal Alam - nhà phân tích quân sự ở London (Anh) chuyên về Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - đánh giá.

Chiến dịch Mùa xuân Hòa binhf của Thổ Nhĩ Kỳ được phát động từ quyết định Mỹ - đồng minh của SDF trong cuộc chiến chống IS- rút khỏi mặt trận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng nổi dậy Syria ngày 9-10 vượt biên đi vào Syria với cam kết đánh bật các chiến binh SDF khỏi khu vực biên giới nước này và thiết lập vùng an toàn để tái định cư cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh hưởng của Nga

Lực lượng nòng cốt của SDF là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - tổ chức Ankara dán nhãn là khủng bố do có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK đã tiến hành chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ 35 năm qua và dẫn tới hàng trăm ngàn cái chết.

Cảm thấy bị Mỹ từ bỏ, SDF quay sang chính phủ Syria nhờ giúp đỡ. Diễn biến này diễn ra cùng lúc Mỹ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó cho phép các tay súng người Kurd rút lui khỏi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 30 km.

1 tháng Thổ Nhĩ Kỳ đánh Syria, phía thắng là Nga, ông al-Assad - Ảnh 3.

Người dân đi qua Akcakale, tỉnh Sanliurfa, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đạt được một thỏa thuận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin - đồng minh chính của ông Assad về việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát khu vực mà họ đã chiếm được, chính phủ Syria cùng với lực lượng Nga tiếp quản khu vực biên giới rộng 30 km còn lại. Trong khi đó, thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí rằng các cuộc tuần tra chung hai bên sẽ giám sát 10 km từ biên giới.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiến hành cuộc tuần tra chung thứ ba hôm 8-10. Tuy nhiên, ông Erdogan phàn nàn rằng cả Nga lẫn Mỹ không tuân thủ những cam kết của họ về sơ tán SDF khỏi khu vực rộng 30 km trong bối cảnh nổ ra các cuộc ném bom và giao tranh lẻ tẻ.

Ngoài việc cho phép lực lượng ông Al-Assad trở lại khu vực, thỏa thuận cũng củng cố vai trò của Nga là cường quốc quốc tế quan trọng ở Syria, theo chuyên gia Alam.

“Chẳng còn nghi ngờ gì nữa việc Nga là trọng tài cuối cùng không chỉ ở Syria mà còn Trung Đông rộng lớn. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Saudi Arabia, vùng Vịnh và hiển nhiên ở Syria là dễ dàng nhìn thấy” - ông Alam nói.

“Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác hơn ngoài lắng nghe Nga bởi vì cho dù là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ sự ủng hộ nào từ NATO trong chuyện này” - ông Alam nói thêm.

Ali Bakeer, một nhà phân tích chính trị và nhà nghiên cứu ở Ankara, cho rằng tình hình “rất biến động” ở biên giới đồng nghĩa với việc còn quá sớm để đưa ra kết luận về kết quả của chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn toàn hài lòng về việc ngăn YPG hiện diện tại khu vực hoạt động của mình. Vẫn có một số phần tử ở sát khu vực biên giới và có khả năng họ đang chuẩn bị một cuộc giao chiến quân sự lâu dài chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Vẫn có nhiều dấu hỏi về chính xác lực lượng chính phủ Syria đang ở đâu và họ có thể làm gì. Moscow và Ankara đã thống nhất một số điểm chung nhưng họ cần thêm các thỏa thuận về mặt kỹ thuật liên quan tới khu vực này” - ông Bakeer nhận định.

Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ - chiến dịch thứ ba mà nước này phát động ở miền bắc Syria kể từ năm 2016 - diễn ra khi Ankara siết chặt mối quan hệ với Moscow và dần xa rời phương Tây.

“Việc Mỹ rút khỏi đông bắc Syria và dấu chân ngày càng tăng của Damascus, Moscow và Tehran trong khu vực sẽ đe dọa các lợi ích chiến lược lâu dài của Ankara ở Trung Đông”, Aykan Erdemir-cựu nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và hiện làm việc tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở Washington.

Mitat Celikpala, giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Kadir Has (Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga - ba cường quốc khởi động tiến trình hòa bình Astana đầu năm 2017 nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria - đã tăng cường ảnh hưởng của họ ở đất nước chiến sự này.

“Khi họ bắt đầu tiến trình Astana, họ đã muốn tạo ra một tình hình mà họ sẽ kiểm soát và đó là những gì họ đã đạt được. Họ đã tạo ra một tình hình mà họ có nhiều ảnh hưởng hơn so với Liên Hiệp Quốc về những gì diễn ra ở Syria. Đặc biệt, Nga rất vui bởi vì họ đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ đang ngày một tệ” - ông Celikpala nói.

“Ác mộng ngoại giao”

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Assad khai thác cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ để bành trướng ở đông bắc, SDF lại bị đẩy về phía Nam đường cao tốc chiến lược M4 và nhận thấy hy vọng lập ra một khu vực tự trị mà người Kurd chiếm đa số.

“Những giấc mơ về quyền tự trị của người Kurd là phía thua cuộc lớn nhất. Người Kurd ở Syria sẽ không thể sao chép lại một khu vực như Iraq bây giờ”, ông Alam nói, nhắc tới khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq.

1 tháng Thổ Nhĩ Kỳ đánh Syria, phía thắng là Nga, ông al-Assad - Ảnh 5.

Quân chính phủ Syria ở làng Um Shuaifeh, tỉnh Hasakah, đông bắc Syria. Ảnh: SANA

“Tổng thống Al-Assad đã nói với người Kurd cách đây 3-4 năm rằng người Mỹ sẽ đẩy họ vào tình thế oái ăm và ông đã chứng minh điều này đúng” - ông Alam nói tiếp.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch đánh SDF được ủng hộ rộng rãi bởi nó được đóng khung trong bối cảnh chống PKK.

Việc tăng khả năng những người tị nạn Syria trở về đất nước cũng thu hút vào thời điểm căng thẳng gia tăng liên quan tới sự hiện diện của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“Gần 85% dân số Thổ Nhĩ Kỳ rất ủng hộ chiến dịch bởi mục tiêu của nó và các mối quan hệ căng thẳng với Mỹ” - chuyên gia Celikpala nhận xét.

“Không có sự phản đối thật sự đối với chiến dịch. Hơn nữa, chiến dịch giải quyết tình hình tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ với việc Tổng thống Erdogan nói rằng nước này sẽ cho phép họ trở về Syria” - ông nói tiếp.

Theo ông Erdemir, chiến dịch đánh lực lượng dân quân người Kurd “đã gặt hái được những lợi ích đáng kể trong nước” trong thời gian ngắn đối với ông Erdogan.

“Tỉ lệ ủng hộ việc làm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đạt đến con số cao nhất, 48%, kể từ khi ông thất bại trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 3” - ông Erdemir nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo về lâu dài, nó có thể “tạo ra cơn ác mộng ngoại giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm tới”, viện dẫn các cáo buộc tội ác chiến tranh do phe nổi dậy đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bác các cáo buộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại