Mỹ "bỏ của chạy lấy người", Nga "đãi cát tìm vàng": Thổ Nhĩ Kỳ "quy phục" ai ở Syria đã rõ?

Quốc Vinh |

Trên thực tế, cả Washington và Trung Đông đều hiểu rằng thỏa thuận ngừng bắn tạm thời của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ không giải quyết được vấn đề thực sự ở Syria. Rốt cuộc, Nga vẫn phải bước vào cuộc chơi.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria là "một ngày tuyệt vời cho nền văn minh", người Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức hất gáo nước lạnh vào sự hưng phấn của Nhà Trắng, thậm chí từ chối coi đây là lệnh ngừng bắn, theo CNN.

Chỉ vài giờ sau, các cuộc không kích và hỏa lực pháo binh tiếp tục được nghe thấy ở miền Bắc Syria khi Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo cáo buộc Ankara vi phạm lệnh ngừng bắn nói trên.

Trên thực tế, cả Washington và Trung Đông đều hiểu rằng thỏa thuận ngừng bắn tạm thời của Mỹ-Thổ không giải quyết được vấn đề thực sự. Nó sẽ hết hạn nhanh chóng vào ngày 22/10, cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recip Tayyip Erdogan sẽ gặp nhau tại Sochi để thảo luận về tương lai Syria.

Có vẻ như mọi thứ khá rõ ràng: Những gì mà Moscow và Ankara đạt được trong cuộc gặp tới đây mới thực sự là thỏa thuận dành cho tương lai của khu vực đầy biến động này mà cả thế giới sẽ được chứng kiến.

Mỹ bỏ của chạy lấy người, Nga đãi cát tìm vàng: Thổ Nhĩ Kỳ quy phục ai ở Syria đã rõ? - Ảnh 1.

Ông Trump để lại "mớ lộn xộn" Syria cho Nga.

Vai trò lãnh đạo của ông Putin

Tương tự như vậy, bức tranh tổng thể của khu vực trong tương lai sẽ được quyết định bởi Tổng thống Nga. Với việc chính quyền Trump từ bỏ người Kurd và gần như bật đèn xanh cho cuộc tiến công vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ, Nhà Trắng đã tự đưa mình ra khỏi cuộc chơi ở Syria.

Dù tốt hay xấu, Tổng thống Putin hiện đang thừa hưởng mớ hỗn độn quân sự và chính trị đang diễn ra ở quốc gia Trung Đông.

Nhưng không giống như những nỗ lực bận rộn của chính quyền Trump trong ngoại giao vào phút cuối để cố gắng chấm dứt sự liên quan của mình tại đây, ông Putin ít nhất đã chứng tỏ mình như một nhà lãnh đạo có kế hoạch.

Nga ngay lập tức bắt đầu đàm phán với người Kurd và Chính phủ Tổng thống Assad đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận cho phép quân đội Syria bước vào các khu vực do người Kurd nắm giữ - nơi Damascus không có sự hiện diện trong nhiều năm qua - để ngăn chặn cuộc tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ phát động.

Moscow cũng nhanh chóng triển khai quân đội của riêng mình như một phần đệm để giữ cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không va chạm với lực lượng Kurd và quân đội Syria.

Rủi ro

Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo không thể tranh cãi của Nga cũng gặp rủi ro nghiêm trọng. Tình hình ở phía đông bắc Syria còn nhiều biến động. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định họ sẽ không cho phép sự hiện diện của quân đội người Kurd ở gần biên giới.

Không những vậy, một cuộc xung đột mới rất dễ nổ ra khi lực lượng chính phủ Syria và phiến quân liên minh với Ankara cũng sẵn sàng nghiền nát nhau sau khi đã liên tục đối đầu trong cuộc chiến kéo dài 8 năm.

Moscow dường như hiểu được tình huống nguy hiểm mà họ đang phải đối mặt với vai trò lãnh đạo mới.

Không những vậy, Điện Kremlin cũng rất quan tâm đến việc các chiến binh khủng bố IS và các chiến binh cực đoan khác có thể thừa cơ hội hỗn loạn để gây ra những bất ổn đối với Nga.

Ngay từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc tấn công ở miền Bắc Syria, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn được hàng ngàn tù nhân IS bỏ trốn từ các khu vực do người Kurd kiểm soát.

Mọi con đường ở Syria đều đi qua Nga

Nhưng bất chấp mọi nguy hiểm phải đối mặt ở Syria, nhà lãnh đạo Nga dường như vẫn đặt mọi thứ trong tầm tay của mình, thậm chí có thể ngăn chặn tình hình bùng nổ theo chiều hướng nghiêm trọng hơn, tờ CNN nhận định.

Mặc dù các quan chức Mỹ và châu Âu thường xuyên cáo buộc những điều tồi tệ và chỉ trích hành động của Moscow - hầu hết các quốc gia và các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria vẫn đồng ý rằng Moscow đáng tin cậy hơn Washington.

Đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với người Nga trong nhiều năm dù thực tế cả hai đứng đối lập nhau trong cuộc chiến ở Syria. Ngay cả những đối thủ truyền kiếp như Israel và Iran dường như đồng ý rằng con đường đảm bảo lợi ích cho họ chỉ được đáp ứng khi chạy qua Moscow.

Và khi Lực lượng Dân chủ Syria với nòng cốt là người Kurd – đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - phát hiện ra họ đã bị chính quyền Trump bỏ rơi, cũng như phải đối mặt với cuộc tiến công vũ bão của Thổ Nhĩ Kỳ - họ cũng chỉ biết tìm đường đến với Nga

Hơn tất cả, chỉ có Moscow là người chơi duy nhất ở khu vực – ngoài Mỹ - có liên hệ với người Kurd trong nhiều năm mà không phải ai khác.

Vì vậy, Nga sẽ không giống với Nhà Trắng của Tổng thống Trump khi cố gắng tìm cách rời đi mà sẽ nỗ lực môi giới một giải pháp cho tình hình lộn xộn ở phía đông bắc Syria.

Thỏa thuận này, rất có thể sẽ đạt được vào cuộc gặp tại Sochi giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại