Một bài phân tích của báo Bloomberg (Mỹ) mới đây đã so sánh việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiếm một phần lãnh thổ lớn tại Syria có điểm tương đồng sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, và cho rằng đây là lời cảnh tỉnh đối với các quốc gia đang có ý định làm điều tương tự: những kế hoạch kiểu đó chỉ có thể thành công nếu nó không châm ngòi một cuộc chiến trên quy mô toàn diện, bài viết này lập luận.
Theo đó, hiện nay Mỹ chỉ tạm thời đóng băng các tài khoản của Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ của mình. Tổng thống Trump cũng đã đăng đàn với lời cảnh báo khủng khiếp đối với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sẽ tạm dừng các cuộc đàm phán liên quan tới hiệp ước thương mại. Ông Trump thậm chí còn nghĩ tới việc tăng thuế đối với thép của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không quá để tâm tới các biện pháp trừng phạt. Bởi vì gần như chắc chắn rằng các bộ trưởng và những cơ quan của họ không hề có tài sản ở Mỹ. Bên cạnh đó, các bộ này có lẽ vẫn còn giữ được cơ hội tận dụng tất cả những gì Mỹ từng mang lại cho họ qua các mối quan hệ khác của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - thậm chí những mối quan hệ này gần như không có giới hạn.
Liên minh châu Âu, về phần mình, đã đạt được thỏa thuận của các thành viên về việc những quốc gia châu Âu sẽ giữ một chính sách nhất quán đối với việc xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể không phải là lệnh cấm bán vũ khí, nhưng cũng là khuyến cáo đối với các nước châu Âu: Hãy dừng ngay việc bán vũ khí cho Ankara.
Và đúng như thế, cả Đức, Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Thụy Điển cũng đã cam kết. Thế nhưng ông Erdogan vẫn "sống sót" bất chấp lệnh cấm bán vũ khí toàn diện từ phía châu Âu: Nga sẽ lấy làm hạnh phúc nếu được yêu cầu bán cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm thật nhiều vũ khí.
Những biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ còn nhẹ hơn cả những gì đã áp dụng đối với Nga sau khi Crimea sáp nhập nước này vào hồi tháng 3 năm 2014, theo Bloomberg. Cũng trong tháng đó, Mỹ và châu Âu áp dụng một vài lệnh cấm nhập cảnh vào đất nước của mình, cũng như phong tỏa tài khoản của một loạt các đối tượng. Những công dân Nga có liên quan đã phải chịu sự trừng phạt. Người châu Âu cũng cấm mọi hoạt động giao thương với Crimea.
Nhưng Nga chỉ nhún vai và phản đối những hạn chế này. Các biện pháp cứng rắn hơn từ phía phương Tây, mà bị Nga đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ chính các nước phương Tây, được áp dụng sau khi căng thẳng leo thang tại khu vực Đông Ukraine và sau khi chiếc máy bay chở khách của Malaysia bị bắn hạ trên lãnh thổ được kiểm soát bởi lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn.
Ảnh minh họa: Reuters
Giống như ông Putin, ông Erdogan có thể tin rằng người ta sẽ không trừng phạt đất nước của ông một cách thực sự, Bloomberg bình luận. Có nghĩa là không trừng phạt bằng các biện pháp giống như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc từng áp dụng đối với Iraq khi nước này chiếm Kuwait vào tháng 8/1990. Những biện pháp này mới đáng lo ngại: Cấm vận toàn bộ đối với hoạt động thương mại và các giao dịch tài chính.
Sự yếu ớt của các biện pháp trừng phạt đối với sự kiện đã xảy ra tại Crimea và bắc Syria phá vỡ chuẩn mực “toàn vẹn lãnh thổ”, mà dường như được áp dụng xuyên suốt trên toàn cầu vào thời kỳ hậu Thế chiến thứ Hai. Chính sự xuất hiện và thừa nhận chuẩn mực này đã làm cho số lượng các cuộc chiến tranh giảm đáng kể.
Ông Erdogan đã sai lầm?
Phương Tây cáo buộc Nga ép buộc Crimea sáp nhập vào nước này dù không dùng đến vũ lực, trong khi Kremlin khẳng định điều ngược lại. Bloomberg lập luận rằng ông Putin đã tính toán chính xác để sự can thiệp của bên thứ ba không thể xảy ra.
Còn sự việc xảy ra tại Đông Ukraine – đơn giản đó là một sai lầm trong tính toán. Bởi nó đã khiến chiến tranh nổ ra, nên mọi thứ diễn ra không đúng theo kế hoạch. Và hiện giờ Nga hy vọng sẽ trả lại những lãnh thổ do quân ly khai chiếm giữ cho phía Ukraine. Đổi lại, Moscow chỉ muốn điều kiện hòa bình với phía Ukraine.
Ông Erdogan rõ ràng đã kỳ vọng vào một thành công mỹ mãn tại Syria theo phong cách Crimea – đẩy tất cả mọi thứ thành sự đã rồi. Nhưng các sự kiện gần đây, như sự can thiệp có lợi cho người Kurd từ phía quân đội Syria, cũng như yêu cầu của Nga đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ không được sáp nhập các vùng đất mà người Thổ đang nắm trong tay hiện nay, cho thấy ông Erdogan đã sai – giống như ông Putin đã sai lầm tại Đông Ukraine.
Phản ứng yếu ớt từ phía phương Tây sẽ không làm cho ông Erdogan chùn bước, dù nước cờ hiện tại của ông Erdogan tại chiến trường ở Syria là một cuộc chơi đầy rủi ro. Nhưng khả năng chiến tranh xảy ra – đó là điều có thể phá hỏng kế hoạch của ông ta về an toàn khu sâu 30km trong lãnh thổ Syria. Ông ta sẽ phải chấp nhận thỏa thuận với hai ông Putin và Assad.