Trung Quốc công bố tăng trưởng chạm đáy thấp kỷ lục, tồi tệ hơn dự kiến: "Báo động đỏ" cho nền kinh tế!

Hải Võ |

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc diễn biến xấu trong Quý 3/2019, chạm mức thấp kỷ lục và tồi tệ hơn các dự báo được đưa ra.

Tăng trưởng quý của Trung Quốc lập đáy thấp kỷ lục 27 năm

Số liệu do chính phủ Trung Quốc công bố sáng nay, 18/10, cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng chỉ đạt 6% trong Quý 3 năm nay, là mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ khi các chỉ số được thống kê (tháng 3/1992) đến nay.

Chỉ số vừa công bố cũng thấp hơn mức dự báo tăng trưởng Quý 3 của Trung Quốc do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hôm 10/10.

Mức sụt giảm mới đánh dấu tình trạng kinh tế đi xuống tiếp diễn tại Trung Quốc giữa bối cảnh nước này vướng vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Đối đầu thương mại đã gây tổn thất đáng kể cho lĩnh vực chế tạo, sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế số hai thế giới.

Chỉnh phủ Trung Quốc hồi đầu năm đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là 6.0-6.5%. Số liệu công bố hôm nay thể hiện mức tăng trưởng Quý 3 của Trung Quốc đã chạm đáy của chỉ tiêu năm.

Dữ liệu do Cục thống kê nhà nước Trung Quốc (NSB) công khai hôm nay ghi nhận khu vực công nghiệp có biểu hiện trong tháng tốt hơn kỳ vọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp - thước đo sản lượng trong các lĩnh vực sản xuất và khai thác - tăng 5.8%, lớn hơn so với mức dự báo 4.9% và có cải thiện lớn so với mức 4.4% của tháng 8.

Lĩnh vực bán lẻ - khu vực tiêu thụ then chốt trong đất nước 1.4 tỉ dân, tăng trưởng 7.8% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 7.3% đạt được tháng trước đó. Tuy nhiên, số liệu này không bao gồm chỉ số tiêu thụ ô tô - vốn đã giảm sâu liên tục trong 15 tháng diễn ra thương chiến. Số liệu tháng 9 cũng cho thấy quy mô nhập khẩu cả nước giảm 8.5% so với cùng kỳ, đây là tín hiệu không tốt đối với thị trường sản xuất và tiêu dùng Trung Quốc.

Trung Quốc thừa nhận rủi ro, mong sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

Tăng trưởng kinh tế Quý 3 của Trung Quốc kém khởi sắc là điều đã được đoán trước. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 14/10 triệu tập phiên tọa đàm gồm lãnh đạo kinh tế 5 tỉnh nước này, yêu cầu "phải lấy việc cải thiện đời sống người dân làm phương hướng, gây dựng nhu cầu tiêu dùng và đầu tư có hiệu quả, chống đỡ sức ép kinh tế đi xuống, tiếp tục làm tốt công tác tạo việc làm, bình ổn giá cả, bảo đảm công tác dân sinh, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vận hành kinh tế chủ chốt cả năm".

Ngoài hai lần đề cập "sức ép kinh tế đi xuống" trong bài phát biểu, ông Lý còn chỉ thị các tỉnh trưởng Thiểm Tây, Giang Tô, Hà Nam, Hồ Bắc, và Quảng Đông củng cố "tư duy giới hạn đáy" - cụm từ được nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để mô tả sự cần thiết phải cân nhắc kịch bản xấu nhất và các bước hành động để trách kịch bản đó xảy ra.

Phát biểu ngày 14 của ông Lý là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc "ngụ ý" rằng những mục tiêu của năm 2019 - bao gồm chỉ tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 6% - có rủi ro không thể đạt được.

Trung Quốc công bố tăng trưởng chạm đáy thấp kỷ lục, tồi tệ hơn dự kiến: Báo động đỏ cho nền kinh tế! - Ảnh 2.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp đoàn đại biểu doanh nghiệp Mỹ tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 17/10/2019 (Ảnh: Xinhua/Yin Bogu)

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 17/10 cho biết, nước này hy vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại theo giai đoạn với Mỹ và đạt tiến triển về việc hủy kế hoạch tăng thuế của hai nước đối với hàng hóa của đối phương. Trước đó, vòng đàm phán thương mại ở Washington ngày 10-11/10 đã đi đến thỏa thuận "giai đoạn 1", với việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nông sản Mỹ trị giá 40-50 tỉ USD/năm và Mỹ hoãn lại lịch trình tăng thuế theo dự kiến có hiệu lực hôm 15.

Ngày 17/10, ông Lý Khắc Cường đã tiếp đoàn đại biểu thương mại Mỹ do chủ tịch Hội Đồng Kinh Doanh Mỹ - Trung (USCBC) Evan Greenberg dẫn đầu.

Tại cuộc gặp, ông Lý kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tập trung vào phối hợp, hợp tác và ổn định, duy trì tầm nhìn lâu dài và thực thế, và giải quyết các vấn đề liên quan giữa đôi bên thông qua đối thoại, tham vấn trên nền tảng bình đẳng cùng có lợi, cũng như thúc đẩy các liên hệ kinh tế-thương mại song phương trở lại quỹ đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại