Biển Đông: Philippines càng nhân nhượng, TQ càng lấn tới

ĐỖ THIỆN |

Manila đang từng bước bị Bắc Kinh lấn lướt khi Philippines đã hành xử quá nhẹ nhàng, thậm chí có phần yếu đuối trước Trung Quốc ở biển Đông.

Hôm 9-10, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ, Philippines bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ mang tên Kamandag tại vịnh Subic. Cuộc tập trận này theo kế hoạch sẽ kéo dài 10 ngày. Có tất cả 2.000 binh sĩ thuộc các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines sẽ tham gia các nội dung đổ bộ tấn công, bắn đạn thật trên đảo Luzon và Palawan của Philippines. Đáng chú ý là Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản cũng cử một đơn vị tham gia cuộc diễn tập lần này trong các nội dung tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thảm họa.

Tập trận với Mỹ, Manila vẫn “né” Trung Quốc

Cuộc tập trận Kamandag được tổ chức thường niên từ năm 2017. Tuy nhiên, năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên cuộc tập trận quy mô này có nội dung huấn luyện phản ứng mối đe dọa và phòng không tầm thấp.

Hôm 6-10, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo: Nhóm tàu sân bay Ronald Reagan và nhóm tàu chiến Boxer sẽ tham gia cuộc tập trận tác chiến cấp cao ở biển Đông. Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương dẫn lời Chỉ huy trưởng Đơn vị tác chiến số 70, Chuẩn đô đốc George Wikoff, khẳng định: “Hoạt động của chúng tôi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì ổn định và an ninh trong khu vực”.

Không chỉ Philippines, Mỹ còn phối hợp với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, ASEAN... trong nhiều chương trình hợp tác quân sự khác nhau tại các vùng biển Thái Bình Dương. Washington nhiều lần khẳng định tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đảm bảo đây sẽ là khu vực “mở” và “tự do”. Giới quan sát nhận định Kamandag nói riêng và các hoạt động tăng cường hiện diện của Lầu Năm Góc tại khu vực, trong bối cảnh TrungQuốc (TQ) ngày càng hung hăng trong hành xử ở biển Đông, Hoa Đông nằm trong mục tiêu trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.

Trong khi giới quan sát nhận thấy sự hiện diện của Mỹ, đặc biệt về quân sự, tại khu vực ngày càng mạnh thì Philippines tỏ ra dè dặt trong việc kết hợp với đồng minh. Philippines hôm 7-10 lên tiếng loại bỏ sự liên quan giữa tập trận Kamandag với vấn đề biển Đông.

“Trước hết, cuộc tập trận (Kamandag) này không liên quan đến vấn đề biển Đông. Chúng ta phải làm rõ điều này trước tiên” - tướng Ariel Caculitan, chỉ huy cuộc diễn tập Kamandag, phát biểu trên tờ Inquirer. Trong khi đó, Philippines cùng Mỹ tổ chức Kamandag tại một số khu vực thuộc đảo Luzon và đảo Palawan, hướng ra biển Đông, vốn được kỳ vọng sẽ chuyển tải một thông điệp có ý nghĩa đến hành xử nguy hiểm của TQ thời gian gần đây. Trong đó, Malaysia, Việt Nam và cả Philippines đều bị TQ quấy phá vô lý.

Trước đó Philippines tuyên bố theo đuổi chủ trương hợp tác ăn chia 60/40 đầy rủi ro với TQ. Dù đã bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Duterte vẫn thiếu mạch lạc trong việc đưa ra các giải pháp khai thác chung ở vùng biển được cho là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Thậm chí chính quyền Duterte tuyên bố sẽ không nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Manila thắng kiện Bắc Kinh năm 2016 sau chuyến thăm TQ của ông Duterte hồi tháng 8-2019. Ngoài ra, với vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017 và điều phối chính quan hệ TQ - ASEAN nhiệm kỳ 2018-2021, chính quyền Duterte chưa thể hiện được vai trò đáng kể trong việc đưa hành vi sai trái của TQ ra diễn đàn quốc tế.

Trung Quốc lấn tới

Bắc Kinh hoàn toàn không vui về hành xử của Washington. TQ nhiều lần chỉ trích Mỹ làm phức tạp tình hình khu vực bằng các chương trình tuần tra tự do hàng hải, tập trận quy mô lớn với nhiều nước tại vùng biển Bắc Kinh có ý đồ biến thành “ao nhà”.

Đây cũng là lý do TQ sau khi hoàn thiện cơ bản hạ tầng ở các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông, nước này bước lên một nấc thang nguy hiểm hơn: Gây rối, đe dọa, bắt nạt các nước trong khu vực nhằm đảm bảo: (i) Cô lập các nước ở biển Đông khỏi sự hỗ trợ, hợp tác từ bên ngoài (mà chủ yếu là Mỹ và đồng minh); (ii) Ngăn cản các nước thứ ba, như Mỹ, tiếp cận khu vực.

Mặt khác, dường như TQ hiểu được Philippines mắc “bẫy tâm lý” sau hàng loạt sự kiện đe dọa, va đâm… trên biển mà chính ông Duterte phải thốt lên “không thể ngăn cản” TQ, Bắc Kinh ngày càng lấn sâu ảnh hưởng Manila. Ông Tập Cận Bình và các nhà ngoại giao TQ tại Philippines không ngại bác bỏ phán quyết của tòa năm 2016.

Cạnh đó, tàu chiến và tàu dân quân biển của TQ thường xuyên quấy rối các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Thậm chí giới quan sát nhận định TQ đang nỗ lực tìm cách xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough bị TQ chiếm từ Philippines năm 2012.

Tất nhiên, Bắc Kinh cũng thừa hiểu nguyên tắc “có qua thì có lại”. TQ tỏ ra hào phóng trong việc ký kết hàng chục văn bản hợp tác, đầu tư, viện trợ vào Philippines; đề nghị giúp Manila tăng cường phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch…

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng lờ đi cuộc chiến chống ma túy của chính quyền Duterte bị phương Tây đánh giá là khắc nghiệt khi khiến rất nhiều người dân Philippines thương vong. Tuy nhiên, các đánh giá mới đây cho thấy tất cả lời hứa của TQ với Manila dường như chỉ là bánh vẽ khi hầu hết các cam kết của TQ đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Ý định ăn chia 60/40 tại biển Đông giữa Philippines với TQ nói riêng và mối quan hệ Manila - Bắc Kinh trên bình diện tổng thể đang có sự lệch pha lớn. Dưới thời Tổng thống Duterte, có thể thấy Manila từng bước lùi lại trước Bắc Kinh để đổi lấy lợi ích kinh tế. Tiếc thay, ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ quá rõ ràng nên Philippines càng nhân nhượng, TQ càng tận dụng thời cơ để lấn tới.

2.000 binh sĩ đến từ Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ cùng tham gia các hoạt động diễn tập đổ bộ, diễn tập bắn đạn thật, tác chiến trên biển, tác chiến trong các vùng đô thị và tác chiến chống khủng bố trong cuộc tập trận Kamandag. Ngoài ra, các hoạt động dân sự và nhân đạo cũng là một phần của cuộc diễn tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại