Trung Quốc không điều tra ông Biden, đánh đổi kỳ vọng đàm phán

Đâng Khoa |

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại sang Mỹ đàm phán trong hai ngày 11 và 12-10.

Trung Quốc ngày 8-10 lên tiếng cho biết từ chối đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Trung Quốc lâu nay vẫn theo đuổi nguyên tắc không can thiệp chuyện nội bộ của nước khác. Chúng tôi không hề có ý định can thiệp chuyện nội bộ của Mỹ. Quan điểm của chúng tôi là kiên định và rõ ràng” – báo SCMP dẫn lời ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.

Tuần trước, ông Trump nói rằng không những Ukraine mà cả Trung Quốc cũng nên điều tra cha con ông Biden.

Trung Quốc không điều tra ông Biden, đánh đổi kỳ vọng đàm phán - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) đề nghị Trung Quốc điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng Trung Quốc từ chối. Ảnh: AFP

Phản ứng của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà quan sát, dù họ thừa nhận chuyện này sẽ phủ bóng tiến trình đàm phán thương mại. Lý do theo các nhà quan sát là ngoài nguyên tắc không can thiệp nội bộ nước khác, nếu Trung Quốc điều tra cha con ông Biden sẽ xúc phạm đến cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, chưa kể tăng thêm lo ngại rằng Trung Quốc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.

Diễn biến này xảy ra không lâu trước khi hai nước bắt đầu vòng đàm phán thương mại thứ 13 trong hai ngày 11 và 12-10 tại Mỹ. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán gồm nhiều quan chức từ Bộ Thương mại, Ngân hàng trung ương, Bộ Công nghệ thông tin, Bộ Nông nghiệp đến Mỹ. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Trung Quốc không điều tra ông Biden, đánh đổi kỳ vọng đàm phán - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại sang Mỹ đối thoại với phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (phải) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (giữa) dẫn đầu. Ảnh: REUTERS

Lần gần nhất ông Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn đàm phán sang Mỹ là vào tháng 5. Đợt đàm phán hồi tháng 5 đã thất bại. Mỹ chỉ trích Trung Quốc từ bỏ các cam kết vào phút cuối, trong khi đó Trung Quốc cáo buộc Mỹ cố gắng xâm phạm chủ quyền kinh tế của mình.

Chưa biết cuộc đàm phán tới sẽ thế nào khi không khí trước thềm đàm phán đang rất căng thẳng. Khi đưa ra lời đề nghị Trung Quốc điều tra cha con ông Biden tuần trước, ông Trump còn nói thêm rằng ông có “quyền năng to lớn” và “rất nhiều phương án” liên quan đối thoại thương mại Trung-Mỹ.

Tuy nhiên ông Cảnh Sảng nói rõ quan điểm của Trung Quốc: “Bản chất quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ là đôi bên cùng có lợi. Chuyện có bất đồng tồn tại là bình thường. Nhưng chúng ta phải kiên định với nền tảng tôn trọng lẫn nhau, công bằng và đôi bên cùng có lợi trong tiến trình giải quyết bất đồng. Tôi cho rằng sẽ không phải là một thái độ đúng nếu có người luôn muốn chiếm ưu thế”.

Chưa hết, ngày 7-10 ông Trump tuyên bố bất cứ điều gì “xấu” trong việc Trung Quốc xử lý biểu tình ở Hong Kong có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán. Phần mình, Trung Quốc vẫn luôn yêu cầu Mỹ không can thiệp chuyện nội bộ của mình cũng như cách mình đối phó biểu tình ở Hong Kong. Thêm nữa, ngày 7-10 Mỹ liệt 28 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

SCMP dẫn một nguồn tin biết về tiến trình đàm phán cho biết phía Trung Quốc đã giảm bớt kỳ vọng vào kết quả đợt đàm phán này. Biểu hiện là phái đoàn Trung Quốc đã sẵn sàng cho khả năng cắt ngắn đàm phán ở Mỹ.

“Kế hoạch ban đầu là (phái đoàn Trung Quốc) sẽ rời thủ đô Washington vào ngày 12-10, nhưng việc xuất phát có thể diễn ra sớm hơn vào ngày 11-10. Không có nhiều lạc quan” – nguồn tin này nói với SCMP.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện là ứng viên tổng thống Dân chủ cạnh tranh với đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020.

Báo The Wall Street Journal và nhiều cơ quan truyền thông khác ngày 20-9 đưa tin trong một cuộc điện đàm ngày 25-7, ông Trump đã tám lần yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra ông Biden và con trai ông là Hunter Biden. Nội dung điều tra là thời còn làm phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã đe dọa ngưng hỗ trợ Ukraine chừng nào Ukraine điều tra chuyện ông Hunter Biden làm việc cho một công ty khí đốt ở Ukraine.

Năm 2013 ông Biden, lúc còn là phó tổng thống Mỹ, từng cho con trai tháp tùng lên chiếc máy bay Không lực Hai chuyên dành cho phó tổng thống sang Trung Quốc, nơi ông Hunter Biden có một số hoạt động kinh doanh. Ông Biden hứng chỉ trích vì chuyện này.

Trong cuốn sách Secret Empires viết năm 2018, nhà báo điều tra, tác gia, nhà tham vấn chính trị Peter Schweizer viết rằng 10 ngày sau khi cha con Biden đến Trung Quốc, "công ty của Hunter đã ký được hợp đồng trị giá 1,5 tỉ USD với một công ty con của ngân hàng chính phủ Trung Quốc". Ông Hunter Biden luôn khẳng định mình không làm gì sai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại