Mới đầu tuần đã phải nhận "tin dữ" từ Mỹ, TQ buông lời đáp trả không chút nể nang: Đàm phán bên bờ vực trả đũa?

Hồng Anh |

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm nay (8/10) đã đưa ra bình luận về việc Mỹ bổ sung thêm 28 "thực thể" gồm các cơ quan và công ty của nước này vào danh sách đen.

Không lâu sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố danh sách 28 "thực thể" của Trung Quốc mới bị liệt vào danh sách đen vì "cách Bắc Kinh đối xử với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Quốc", phía Bắc Kinh đã đưa ra tín hiệu rằng nước này chắc chắn sẽ trả đũa Mỹ vì quyết định đó, Bloomberg đưa tin.

Cụ thể, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề trên trong cuộc họp thường kì chiều ngày hôm nay (8/10 - ngày làm việc đầu tiên sau kì nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nói rằng các phóng viên "hãy chờ xem", và khẳng định Bắc Kinh sẽ tiến hành những biện pháp nhằm "bảo vệ lợi ích của mình".

Về vấn đề mà Mỹ gọi là "khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương", ông Cảnh Sảng đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng Trung Quốc thực hiện những hành động vi phạm nhân quyền như đàn áp và bắt giữ các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi tại nước này, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ.

Trong số 28 "thực thể" của Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào danh sách đen có 8 công ty công nghệ, bao gồm hai công ty chuyên về thiết bị giám sát là Hikvision (Hàng Châu) và Dahua (Chiết Giang).

Được biết, chỉ riêng hai công ty kể trên đã kiểm soát tới 1/3 thị trường thiết bị giám sát toàn cầu, và các camera giám sát của họ có thể được tìm thấy trên toàn thế giới, theo Bloomberg.

Ngoài Hikvision và Dahua, hai công ty về trí tuệ nhân tạo (AI) lớn được tập đoàn thương mại điện tử Alibaba chống lưng là SenseTime và Megvii - cũng bị Mỹ liệt vào danh sách đen. "Cặp đôi" này đang dẫn đầu tham vọng của Trung Quốc về chiếm lĩnh thị trường AI toàn cầu.

Quyết định liệt 28 cơ quan và công ty của Trung Quốc vào danh sách đen được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra khi chỉ còn 2 ngày nữa là vòng đàm phán thương mại mới giữa hai nước sẽ được tái khởi động.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng điều này có liên quan tới việc Bắc Kinh đột ngột "đổi giọng" về điều kiện đàm phán với Mỹ trước đó, nhưng phía Washington vẫn khẳng định rằng động thái mới của mình chỉ đơn thuần liên quan tới vấn đề khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương.

Tuy vậy, quyết định của Mỹ vẫn được cho là sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới cuộc đàm phán thương mại phải khó khăn lắm mới được nối lại giữa hai nước. Điều này khiến nhiều người thêm lo lắng khi nền kinh tế thế giới đã bắt đầu có những dấu hiệu trì trệ do cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 15 tháng qua của Mỹ và Trung Quốc.

Mới đầu tuần đã phải nhận tin dữ từ Mỹ, TQ buông lời đáp trả không chút nể nang: Đàm phán bên bờ vực trả đũa? - Ảnh 2.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Google

Bị cuốn vào vòng xoáy luận tội ở Washington, Bắc Kinh nói gì?

Về vấn đề Trung Quốc thay đổi lập trường và có một số biểu hiện cứng rắn hơn trước thềm đàm phán, một số ý kiến cho rằng điều này có liên quan tới việc ông Trump bất ngờ có tuyên bố lôi kéo Bắc Kinh vào "vòng xoáy" điều tra luận tội trước đó.

Cụ thể, hôm 3/10, khi trả lời báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump đã công khai kêu gọi Bắc Kinh "cũng nên vào cuộc điều tra" hai cha con ông Biden sau khi cảnh báo rằng Mỹ có khả năng đối phó với Trung Quốc bằng "sức mạnh to lớn". Tuyên bố này không chỉ khiến phe Dân chủ càng thêm giận dữ, mà thậm chí các thành viên đảng Cộng hòa cũng thấy bất mãn với ông Trump.

Trả lời phóng viên về vấn đề điều tra hai cha con ông Biden trong cuộc họp báo ngày hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã một lần nữa khẳng định rằng nước này không hề có ý định can thiệp vào chuyện nội bộ của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại