Câu nói kinh điển của Tư Mã Ý dự báo về cái chết của Gia Cát Lượng: Thời nay vẫn đúng!

Hoàng Hiệp |

"Gia Cát Lượng xem nhẹ chuyện ăn uống, tất sẽ tự chuốc họa về sau".

Tam Quốc một thời kỳ hỗn loạn phân tranh kể từ khi nhà Hán suy yếu cho đến khi nước Tấn được lập ra đã có không biết bao nhiêu người phải ngã xuống nơi chiến trận. Đáng kinh ngạc là tuổi thọ trung bình của nam giới Trung Quốc thời kỳ ấy chỉ là... 26 tuổi. 

Ngay cả những dũng tướng hoặc anh hùng đứng đầu một nước như Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng chỉ thọ đến 50 hoặc gần 60 tuổi. 

Nhưng Tư Mã Ý thì lại khác. Chịu nhẫn nhục ngay cả khi làm tướng dưới quyền ba đời cha con Tào Tháo hay vào sinh ra tử khi đối đầu Gia Cát Lượng trên chiến trường, Tư Mã Ý vẫn có một sức khỏe tốt và thọ đến 72 tuổigấp gần 3 lần tuổi thọ trung bình khi ấy. 

Cần biết rằng trong thời đại y học còn kém phát triển lại chiến tranh liên miên thì việc một người sống đến tuổi ấy là cực hiếm. Cũng nhờ sống thọ mà Tư Mã Ý đã theo sát được những mưu lược do mình vạch ra để tạo tiền đề cho con trai và cháu trai chiếm ngôi nước Ngụy, đánh bại nước Thục, nước Ngô, thống nhất giang sơn. 

Vậy bí quyết sống thọ của ông là gì?

Bí quyết trường thọ của Tư Mã Ý

Thứ nhất, ông không có nhiều vợ: Thời xưa, việc đàn ông, đặc biệt là những người có quyền lực sở hữu nhiều thê thiếp là chuyện bình thường. Tư Mã Ý thì có vẻ như không quan trọng chuyện này. Ở địa vị thuộc hàng quan lại đứng đầu quốc gia nhưng Tư Mã Ý chỉ có 4 người vợ trong đời (được xem là ít khi ấy).

Điều ấy đảm bảo cho ông tránh xa vào nữ sắc, tiết kiệm thời gian, tập trung vào công việc hơn. So sánh với Ngụy Vương Tào Tháo thì số vợ cả, vợ lẽ của Tư Mã Ý chỉ bằng ¼. Tào Tháo có đến 16 vị thê thiếp trong phủ đệ của mình. 

Trong khi ấy, Tào Phi thì có 15 người. Để làm hài lòng Tào Phi, vị vua cuối cùng của nhà Hán là Hán Hiến Đế còn đã dâng hai con gái của mình cho ông ta. Và cuối cùng, Tào Phi thậm chí cũng không thể sống lâu như Tào Tháo (66 tuổi) mà qua đời ở tuổi 39.

Câu nói kinh điển của Tư Mã Ý dự báo về cái chết của Gia Cát Lượng: Thời nay vẫn đúng! - Ảnh 2.

Tư Mã Ý (ngồi dưới đất) là người rất giỏi nhẫn nhịn để làm việc lớn (Ảnh: Internet)

Thứ hai, tính tình điềm tĩnh: Tư Mã Ý nổi tiếng là người giỏi nhẫn nhịn. Cho dù có bị kích động ông cũng ít khi nổi nóng. Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", khi Gia Cát Lượng đem quân đánh nước Ngụy, Tư Mã Ý cố thủ không nghênh chiến, Gia Cát Lượng đã gửi quần áo phụ nữ cho Tư Mã Ý, hòng sỉ nhục ông nhút nhát như đàn bà nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lấy và kiên định với chiến lược của mình.

Trong "Tam Quốc Chí" của Trần Thọ cũng từng viết rằng Lưu Bị coi Tư Mã Ý là người "Hỉ nộ bất hình sắc" – tức vui buồn giận dữ đều không thể hiện qua thần sắc bên ngoài, không ai đoán được.  

Trái ngược hoàn toàn với chính Lưu Bị, người mà khi nghe tin nghĩa đệ Quan Vũ của mình bị giết đã tức tối đem đại quân đi báo thù Đông Ngô, bị cảm xúc làm ảnh hưởng đến lý trí, kết cục là thua trận và qua đời ở Bạch Đế Thành.

Thứ ba, Tư Mã Ý coi trọng việc ăn uống: Ngay từ thời xưa, con người đã nghiệm ra rằng việc ăn uống cần điều độ. Người Trung Quốc xưa có câu thành ngữ "Nhân thị thiết, phạn thị cương, nhất đốn ngật bất đắc hoảng", nghĩa là thức ăn quan trọng với con người, nhưng ăn ít một bữa cũng không đói tới mức phát bệnh.

Tư Mã Ý khá tuân thủ điều này, ông ăn uống có chừng mực, không bao giờ ăn quá nhiều và bỏ thừa đồ ăn. Đặc biệt, Tư Mã Ý rất ít uống rượu. Trái lại, những nhân vật như Tào Tháo, Gia Cát Lượng uống rất nhiều rượu. Tào Tháo hay khao quân sĩ các bữa tiệc rượu. Gia Cát Lượng cũng coi uống rượu ngâm thơ là trò vui. Còn Tư Mã Ý trong các sử liệu thường không được mô tả là người thích rượu.

Trong "Tư Mã Thông Giám" viết rằng vào tháng 2 năm 234. Khi Gia Cát Lượng đã 54 tuổi đem quân bắc phạt, tiến tới gò Ngũ Trượng (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) đối đầu Tư Mã Ý. Trước khi hai bên giao tranh, Gia Cát Lượng có gửi sứ giả qua lại, Tư Mã Ý ngoài mặt tỏ vẻ thân thiện, có hỏi sứ giả về việc Gia Cát Lượng ăn uống nghỉ ngơi thế nào. 

Câu nói kinh điển của Tư Mã Ý dự báo về cái chết của Gia Cát Lượng: Thời nay vẫn đúng! - Ảnh 4.

Chân dung Tư Mã Ý. Ảnh: Wikipedia

Sứ giả thấy đây chỉ là câu hỏi xã giao bình thường chứ không liên quan đến yếu tố quân sự nên trả lời khá thành thật khoe rằng chủ tướng của mình "thường thức rất khuya, tự xem quân tình binh pháp đến độ quên ăn uống".

Rồi Tư Mã Ý sau này cũng nói với các tướng của mình rằng "Gia Cát Lượng xem nhẹ chuyện ăn uống, tất sẽ tự chuốc họa về sau". Cùng tháng 8 năm đó Gia Cát Lượng lâm bệnh qua đời, để lại một nước Thục bộn bề công việc, không người kế thừa xứng đáng.

Tư Mã Ý thọ đến 72 tuổi, ngoài phục vụ cho Tào Tháo, ông còn sống và làm quan dưới thời Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương đều là con và cháu của Tào Tháo. Rồi có những mưu toan sắp đặt để con cháu ông trở thành quyền thần nhà Ngụy, sau này lật đổ vương triều cũ, lập ra nước Tấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại