Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm XHVN: Giằng co trách nhiệm trả nợ 1.700 tỷ đồng

Hoàng Đan |

Tại phiên tòa xử vụ thất thoát nghìn tỷ hôm nay, cựu lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói Agribank phải chịu trách nhiệm trả lại 1.700 tỷ đồng, còn đại diện ngân hàng này phủ nhận.

Agribank "phủ nhận" trách nhiệm trả nợ BHXH VN gần 1.700 tỷ đồng?

Hôm nay (19/9), phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng, cùng đồng phạm tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ 2 với phần xét hỏi.

Theo cáo buộc, khi đương chức, từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2009, hai cựu Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam là bị cáo Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng, đã ký 14 hợp đồng cho Công ty cho thuê tài chính II - ALC II do ông Vũ Quốc Hảo (Tổng giám đốc) vay hơn 1.000 tỷ đồng để kinh doanh.

Việc này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho là căn cứ hai thư bảo lãnh của Tổng giám đốc Agribank, do ALC II là công ty con thuộc ngân hàng này. Sau khi phá sản, ALC hiện còn nợ cả gốc lẫn lãi 1.700 tỷ đồng.

Bị cáo Hồng và Ban đều khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Agribank có ký thỏa thuận 01 với nội dung: Bằng việc bảo lãnh, ngân hàng sẽ trả toàn bộ khoản nợ khi công ty con là ALC II "phá sản".

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm XHVN: Giằng co trách nhiệm trả nợ 1.700 tỷ đồng - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa.

Ông Ban trình bày, khi cấp dưới đưa các tờ trình việc ALC II đề nghị được vay vốn từ Quỹ bảo hiểm, cùng với các thư bảo lãnh, tin tưởng Agribank là đối tác làm ăn tin cậy, bị cáo đã phê "đồng ý".

Trước lời khai này, luật sư của Agribank nói theo quy định của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không được phép cho các công ty trực thuộc vay, vậy vì sao vẫn ký thỏa thuận 01?

Ông Ban đáp: "Nếu biết điều này, tôi không bao giờ ký".

Theo đại diện Agribank, ngân hàng bảo lãnh thanh toán để nhận vốn nội tệ chứ không phải bảo lãnh cho ALC II vay vốn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Vì thế, "Agribank không có trách nhiệm trả nợ, không liên quan". Thỏa thuận 01 với BHXH Việt Nam phù hợp từng giai đoạn và chỉ có tính chất định hướng, nếu không phù hợp thì không phải tuân thủ theo.

Phó Trưởng ban pháp chế Agribank tiếp tục khẳng định, căn cứ tờ trình của ALC II, ngân hàng đã phát hành bảo lãnh thanh toán, trong đó có nói nội dung về nhận vốn nội tệ, cam kết thanh toán chứ không phải trả tiền.

"Mục đích phát bảo lãnh để ALC II nhận tiền gửi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam", Phó trưởng ban pháp chế Agribank nói.

Trước đó, trong phiên xử buổi sáng, Trưởng ban Pháp chế của Agribank cho rằng, mặc dù ghi là “Thư bảo lãnh” nhưng nội dung lại sử dụng từ “nhận hộ”, “vay hộ”.

Vị này cũng cho hay, Ngân hàng chỉ bảo lãnh thanh toán để nhận vốn nội tệ từ quỹ BHXH VN và đây là hình thức huy động tiền gửi.

Khi luật sư giải thích bảo lãnh thanh toán khác với huy động vốn thì đại diện Ngân hàng nay giải thích, trong ngành ngân hàng việc “nhận vốn” và “vay vốn” là khác nhau.

Đại diện Agribank cũng lập luận, đây là quan hệ giữa hai doanh nghiệp, thực chất thỏa thuận này phù hợp với từng giai đoạn, văn bản này có tính chất định hướng giữa hai đơn vị với nhau, nên khi thực hiện có thể tuân thủ, nhưng điểm nào chưa phù hợp thì không cần thực hiện.

"ALC II là công ty của chúng tôi nhưng thành lập theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thành lập và là đơn vị phê chuẩn về việc thành lập ALC II", đại diện Agribank nói.

Sau khi các luật sư đặt thêm câu hỏi liên quan, vị đại diện Ngân hàng nhấn mạnh: "Tôi đề nghị HĐXX bác yêu cầu của BHXH Việt Nam về việc đòi lại tiền. Đề nghị TAND TP Hà Nội đề nghị TAND Tối cao bác bỏ nghĩa vụ của Agribank"

HĐXX cũng triệu tập bị án Vũ Quốc Hảo, cựu Tổng Giám đốc ALC II, người bị TAND TP.HCM tuyên án Tử hình về tội "Tham ô tài sản" năm 2015 để làm rõ những vấn đề liên quan.

Bị án Vũ Quốc Hảo cho biết, trong tờ trình vay vốn do ALC II gửi Agribank có ghi rõ là nhận tiền vay, bảo hiểm yêu cầu cho vay nên ngân hàng nhận tiền vay chứ không phải tiền gửi.

Ông Hảo nói thêm, ALC II được thành lập từ năm 1998 và là đơn vị thành viên của Agribank, chính Agribank cấp vốn điều lệ cho ALC II hoạt động.

"Việc vay vốn của ALC II tại BHXHVN là có liên quan đến Agribank ở khâu bảo lãnh. Nếu không có bảo lãnh của Agribank thì có thể BHXH không cho vay", ông Hảo nói.

Cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng nói tin tưởng cho vay vì có thư bảo lãnh do TGĐ Agribank ký

Trả lời tại phiên xét xử, bị cáo Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, trước khi ông làm Tổng Giám đốc BHXHVN, đơn vị này đã ký 11 hợp đồng cho vay đối với ALC II và không được báo cáo về việc ALC II làm ăn yếu kém nên không có nghi ngờ gì.

Xử vụ thất thoát nghìn tỷ tại Bảo hiểm XHVN: Giằng co trách nhiệm trả nợ 1.700 tỷ đồng - Ảnh 3.

Bị cáo Lê Bạch Hồng.

Bị cáo này tỏ ra bức xúc trước việc đại diện Agribank chối bỏ trách nhiệm trả nợ sau khi ALC II phá sản và trình bày có phần gắt giọng: 

“Tôi tin tưởng vì có thư bảo lãnh do Tổng Giám đốc Agribank ký, bây giờ ngân hàng lại chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh. Tôi đã làm việc với Tổng giám đốc Agribank và được cam kết sẽ trả nợ”.

Bị cáo này cho hay, khi phát hiện thư bảo lãnh thứ ba và đã hủy 2 thư bảo lãnh trước, bị cáo đã làm việc với Agribank. Agribank khẳng định sẽ có trách nhiệm trả nợ cho BHXH và không chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh của mình.

"Thời điểm đó, Agribank gửi mấy công văn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm. Và thực tế họ đã trả 200 tỷ đồng, họ đồng ý trả tiếp và hứa là sẽ trả, có điều trả ít một, mỗi lần trả khoảng 5 hoặc 3 tỷ đồng", bị cáo Hồng nói thêm.

Chiều 19/9, sau khi các luật sư, đại diện VKS... không có thêm câu hỏi với các bị cáo, người có liên quan, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và chuyển sang phần tranh luận.

Theo chủ tọa phiên tòa, sáng mai (20/9) trước khi vào phần tranh luận, đại diện VKS sẽ trình bày bản luận tội đối với các bị cáo liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại