Rũ bỏ mọi chèn ép, Iran trỗi dậy nắm giữ thế thượng phong: Ông Trump rất cần một điều từ Tehran?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

"Chiến lược gây sức ép tối đa" của Mỹ đã thất bại trong mục tiêu đưa xuất khẩu dầu Iran về 0. Hiện tại, ông Trump đã chuyển hướng trong mối quan hệ ngoại giao với Iran.

Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ D. Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố không che giấu nổi mong muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống H. Rouhani. Dường như ông sẵn sàng rũ bỏ mọi cản trở để có được cuộc gặp này.

Từ chỗ dùng sức ép quân sự, đưa ra 12 điều kiện Iran phải tuân thủ trước khi ngồi vào bàn đàm phán, trong đó có việc Iran phải chấm dứt hỗ trợ các đồng minh ở khu vực gồm Houthi, Hezbollah, Hamas, rút quân khỏi Syria và cắt giảm chương trình tên lửa của mình... ông D. Trump đã tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Iran H. Rohani vô điều kiện.

Nói là vô điều kiện, nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Ông D. Trump đang "xem xét tích cực" các đòi hỏi của Iran cho cuộc gặp này.

Trang mạng Daily Beast mới đây đưa tin, Tổng thống D. Trump đang "xem xét nghiêm túc" sáng kiến của Tổng thống Pháp E. Macron về việc cấp cho Iran một khoản tín dụng 15 tỷ USD và cho phép Iran xuất khẩu 700 ngàn thùng dầu/ngày nhằm khắc phục hậu quả của các biện pháp trừng phạt, giảm căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran, tạo bầu không khí thuận lợi cho việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Rohani.

Thậm chí, ông còn cách chức cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một nhân vật "diều hâu" có quan điểm hết sức cứng rắn, đòi tấn công Iran và lật đổ chính quyền Tehran.

Như vậy, các cản trở chính cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Iran đã được loại bỏ. Ngày 10/9/2019, hãng Bloomberg đưa tin Nhà Trắng đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc gặp có khả năng được tổ chức giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Iran H. Rohan bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.

Nguyên nhân nào thúc đẩy mong muốn gặp Tổng thống Iran Rohani của ông Trump?

Thứ nhất, tháng 5/2019 Mỹ đã đưa một lực lượng quân sự lớn đến vùng Vịnh đe dọa tấn công Iran, nhưng đã không ép được Iran ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện của Mỹ. 

Ngược lại, thái độ của Tehran ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn, sẵn sàng đối đầu quân sự với Mỹ, từng bước tuyên bố hủy bỏ các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA, trở lại làm giàu Uranium.

Kế hoạch của Mỹ thành lập một liên minh quốc tế nhằm bảo đảm an ninh hàng hải ở vùng Vịnh, mục đích thực sự là nhằm chống Iran cũng thất bại.

Thứ hai, "Chiến lược gây sức ép tối đa" gồm các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất của Mỹ, đưa xuất khẩu dầu Iran về 0 đã không đem lại kết quả.

Trung Quốc tiếp tục mua dầu Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nguồn tin dầu mỏ cho biết, theo các số liệu khác nhau trong tháng 7/2019, Trung Quốc đã mua khoảng 4,4-11 triệu thùng dầu của Iran, nghĩa là khoảng 142-360 ngàn thùng/ngày. Như vậy, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran trong tháng 7 vẫn bằng gần một nửa so với năm trước.

Cuối tháng 8/2019, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này hai bên đã đưa ra lộ trình thực hiện Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai nước ký năm 2016. Nội dung chính của thỏa thuận này là Trung Quốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 5 năm tới, trong đó 280 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng và 120 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp của Iran.

Ông M. J. Zarif cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng tham gia cùng với các công ty của Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối khu vực phía Tây Trung Quốc với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á.

Về phần mình, Tehran dành ưu tiên cho các công ty Trung Quốc ký hợp đồng hợp tác xây dựng các dự án tại Iran. Iran cũng đồng ý để Trung Quốc triển khai 5 ngàn người ở Iran để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển dầu, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu sang Trung Quốc.

Cũng theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ được giảm giá 12% khi nhập khẩu các nguyên liệu thô của Iran và một khoản bồi thường lên tới 6-8% cho các rủi ro. Ngoài ra, Trung Quốc chấp nhận phương thức thanh toán trả chậm tối đa hai năm và không phải trả bằng USD mà là các đồng tiền khác như họ đang giao dịch với các nước Châu Phi và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Iran cũng cam kết sẽ nhận một số lượng lao động lớn của Trung Quốc tham gia vào xây dựng các dự án tại Iran. Liên bang Nga cũng bất chấp các biện pháp trừng phạt của Washington, tiếp tục vận chuyển dầu từ Iran qua biển Caspi do Iran không được sử dụng kênh đào Suez.

Theo báo The New York Times, Iran vẫn không ngừng cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia châu Á và Địa Trung Hải.

Bộ trưởng Năng lượng Iran Reza Ardakanian nói với hãng thông tấn Iran (IRNA) sau cuộc họp Uỷ ban hợp tác Liên chính phủ Nga-Iran được tổ chức tại Moskva ngày 2/9/2019 vừa qua, Nga thỏa thuận sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu khí Iran.

Theo ước tính của chính quyền Tổng thống Donald Trump, 50-70% xuất khẩu dầu của Iran hiện nay là sang Trung Quốc và khoảng 30% sang Syria. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Về chính trị, Tehran chắc chắn có hai đồng minh trong Hội đồng Bảo an là Trung Quốc và Nga để ngăn chặn bất cứ một lệnh trừng phạt nào chống Iran nếu được đưa ra tại Liên hợp quốc. Pháp có thể trở thành nước thứ ba trong Hội đồng Bảo an ủng hộ Iran.

Thứ ba, ông D. Trump rất cần có một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Iran H. Rohani trước khi bước vào chiến dịch tranh cử vào năm tới.

Một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy sẽ đem lại cho ông D. Trump sự ủng hộ rộng rãi của người dân Mỹ, bởi vì nó thể hiện ông thực hiện lời hứa cuối cùng của ông được đưa ra trong cuộc tranh cử năm 2016 trong bối cảnh bầu cử Tổng thống đang đến gần. Các chuyên gia về Mỹ nhận định rằng, nếu cuộc gặp diễn ra, Tổng thống D. Trump sẽ nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong các nỗ lực nối lại đàm phán lại với Iran.

Đảng Cộng hòa hoàn toàn ủng hộ D.Trump. Trong khi đó đảng Dân chủ cũng đang yêu cầu ông phải giải quyết các bất đồng với Iran, trong đó có thỏa thuận hạt nhân JCPOA bằng các biện pháp ngoại giao.

Ông D. Trump hiểu rằng, Tehran không lùi bước trước các biện pháp cấm vận của Mỹ, nhưng khi Pháp và châu Âu đưa ra đề nghị cung cấp khoản tín dụng 15 tỷ USD cho Iran và Washington giảm các lệnh trừng phạt Iran, vừa khích lệ được Iran, vừa giữ được thể diện cho Tổng thống D. Trump, mở ra khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp Trump - Rohani.

Khi mùa bầu cử Tổng thống đang đến gần, ông D. Trump hiểu rằng, một hội nghị thượng đỉnh với H. Rouhani sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán rộng rãi hơn trong tương lai giữa Washington và Tehran và sẽ đem lại lợi thế lớn cho ông và đảng Cộng hòa trước ngưỡng cửa của cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Khả năng thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Rohani

Ngày 12/9/2019, trong một thông cáo báo chí của Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump đã nhấn mạnh đến khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran và khẳng định lại Washington không tìm kiếm sự thay đổi chế độ Tehran. Sự thay đổi thái độ này của ông D. Trump đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản của Iran, tạo không khí thuận lợi cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Iran.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Iran M. J. Zarif mô tả sáng kiến ​​của Pháp là mang tính xây dựng và các nhà đàm phán Iran dự kiến ​​sẽ đến Pháp trong vài ngày tới để tiếp tục thực hiện kế hoạch này.

Trợ lý Ngoại trưởng Iran Abbas Agarhchi nói, Tổng thống D. Trump đã thể hiện lập trường mềm dẻo của mình về việc cho phép Tehran bán dầu của mình cho các nước khác.

Như vậy, có nhiều khả năng cuộc gặp Trump - Rohani sẽ diễn ra. Thời gian và địa điểm thuận lợi nhất cho cuộc gặp này là cuối tháng 9 tới bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khi cả hai nhà lãnh đạo đều có mặt tại New York.

Trong phiên họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến ​​sẽ có hơn 100 nguyên thủ quốc gia và khoảng 80 Thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao tham dự. Các bài phát biểu của các trưởng đoàn sẽ được tổ chức từ ngày 24-30/9/2019 trước khi bước vào thảo luận chung.

Ban thư ký của Liên hợp quốc đã lên chương trình Tổng thống Mỹ D. Trump phát biểu ngày 24/9 và Tổng thống Iran H. Rohani phát biểu ngày 25/9 là có ý tạo điều kiện cho cuộc gặp này.

Rũ bỏ mọi chèn ép, Iran trỗi dậy nắm giữ thế thượng phong: Ông Trump rất cần một điều từ Tehran? - Ảnh 3.

Không ai có thể dự đoán chính xác được cuộc gặp sẽ diễn ra. Các lực lượng theo đường lối cứng rắn ở Iran, đứng đầu là cựu Tổng thống Ahmadinejad, giới giáo sĩ Hồi giáo và lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang phản đối cuộc họp giữa Rouhani và Trump, đặc biệt là trong khi Washington vẫn coi IRGC là tổ chức khủng bố và thi hành chính sách thù địch chống Tehran.

Tổng thống H. Rohani nói rõ, các cuộc đàm phán với Mỹ trong khi các lệnh trừng phạt vẫn đang nhằm vào Iran là vô nghĩa và cuộc gặp gỡ với Tổng thống D. Trump phải có nội dung thực chất nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA, chứ không phải chỉ để "chụp chung một kiểu ảnh" phục vụ cho mục đích tuyên truyền và chiến dịch tranh cử của ông D. Trump.

Ông H. Rouhani cũng nêu rõ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA và thiết lập an ninh trên các tuyến đường thủy quốc tế, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh và Biển Oman là mục tiêu chính của Iran, đồng thời là mối quan tâm của các nước trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ.

Các bất đồng giữa Mỹ và Iran chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Có thể nói kể từ khi D. Trump trở thành Tổng thống Mỹ năm 2017 đến nay, đây là cơ hội tốt nhất cả Mỹ và Iran không nên bỏ qua để gặp nhau bàn giải quyết các bất đồng giữa hai nước. Cuộc gặp Trump - Rohani chưa thể giải quyết được các vấn đề, nhưng sẽ là bước mở đầu cho tiến trình đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Iran.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại