Giáo viên nhịn ăn, nhịn tiêu để đi thi chứng chỉ làm đẹp hồ sơ

Đặng Chung |

Muốn thăng hạng hoặc giữ hạng, giáo viên buộc phải có những tấm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… Những tấm chứng chỉ này được người trong cuộc thừa nhận là không thực chất, hoặc được cấp một cách dễ dãi, bằng các “gói chống trượt”, hay nói thẳng chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ.

Thời gian qua, Lao Động đã có nhiều bài viết vạch trần tình trạng bát nháo trong việc tổ chức thi cấp chứng chỉ . Các trung tâm đào tạo liên kết với trường đại học tổ chức các kỳ thi, học viên có nhu cầu đăng ký và đóng tiền.

Có cảnh đi thi nhưng là cảnh hỗn loạn khi người hỏi bài, người chép bài, giám thị chỉ bài, thậm chí làm hộ cho thí sinh. Thi thật, bằng thật, nhưng là gian dối.

Việc này xảy ra ở Đại học Đông Đô, Đại học quốc tế Bắc Hà, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Cao đẳng Thương mại Du lịch Thái Nguyên và nhiều cơ sở giáo dục khác.

Trong bài viết “Gian lận thi chứng chỉ: Đến lúc cần "khai tử" kiểu chứng chỉ làm đẹp hồ sơ ”, chúng tôi đã chỉ ra những bất cập trong việc thi-cấp các loại chứng chỉ này và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần có giải pháp để dẹp nạn chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, khai tử những loại chứng chỉ tiếng Anh A, B, C tồn tại từ năm 1993 đến nay vì quá lạc hậu, tạo kẽ hở cho trường trục lợi.

Cận cảnh những kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học dối trá. Video: Nhóm PV

Sau bài viết, chúng tôi nhận được “tâm thư” của giáo viên ở Hòa Bình, chia sẻ rằng thầy cô “cực chẳng đã” phải đi học và thi, phải chịu mất tiền cho những tấm chứng chỉ không thực chất. Từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Cô chia sẻ rằng: “Khi đi học các lớp cấp chứng chỉ, tôi thấy có những vấn đề gây bức xúc cho giáo viên như nội dung học vô bổ, nhàm chán, kinh phí học 5 ngày để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là 2.500.000 đồng - quá cao so với mức lương của giáo viên.

Chưa kể những loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ lên đến vài triệu đồng. Giáo viên chúng tôi nhịn ăn, nhịn tiêu để đi học, đóng tiền chống trượt để đi thi lấy mấy loại chứng chỉ làm đẹp hồ sơ.

Tại sao sự việc xảy ra ở nhiều nơi, báo chí phản ánh, hàng ngàn giáo viên kêu cứu mà không có ban ngành chức năng nào vào cuộc gỡ bỏ gánh nặng cho giáo viên?”.

Câu hỏi của giáo viên ở Hòa Bình cũng là những lo lắng, băn khoăn của nhiều thầy cô khác. Giáo viên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cần căn cứ vào kết quả và chất lượng giảng dạy để xét thăng hạng chứ không phải kiểu dựa vào mấy cái chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghề nghiệp) để thăng và giữ hạng như hiện nay.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo:

"Quy trình để cấp một chứng chỉ phải tuân thủ một số bước nhằm đảm bảo chất lượng của chứng chỉ từ việc thiết kế chuẩn đầu ra (phù hợp khung năng lực ngoại ngữ đã phê chuẩn), thiết kế chương trình, chất lượng người dạy, thi kiểm tra đánh giá nghiêm túc, các điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất như phòng học, thư viện, qui mô lớp học .. và thường phải chịu thanh tra chất lượng.... Những yêu cầu nghiêm ngặt của từng khâu như vậy cần tuân thủ.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở không làm như vậy, họ thường dạy theo vài giáo trình nào đó, thi kiểm tra cho có, rồi cấp chứng chỉ.

Về bản chất là những chứng chỉ không gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng thì không có mấy giá trị trên thực tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại