Chiến tranh thương mại nóng rẫy nhưng nền kinh tế Mỹ-Trung ổn định đến bất ngờ?

An An |

Chiến tranh thương mại leo thang nhưng từ góc độ dữ liệu kinh tế Trung-Mỹ cho thấy, tình hình chung của hai bên tương đối ổn định. Nền kinh tế Trung Quốc thậm chí còn ổn định hơn.

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ vẫn đang tiếp tục leo thang và quyết định áp mức thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu còn lại của Trung Quốc đồng nghĩa, Mỹ tăng thuế với tất cả 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Đáng chú ý, vào ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp kỷ lục.

Nền kinh tế Trung-Mỹ "thấy sự ổn định trong biến động"

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã diễn ra được hơn một năm, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên cũng xuất hiện nhiều biến động. Tuy nhiên, theo giới phân tích, từ góc độ dữ liệu kinh tế Trung-Mỹ cho thấy, tình hình chung của hai bên tương đối ổn định. Nền kinh tế Trung Quốc thậm chí còn ổn định hơn.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Trung Quốc đã chịu những biến động nhất định. Ví dụ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chững lại. Theo dữ liệu công khai, GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 6,6% của năm 2018.

Chiến tranh thương mại nóng rẫy nhưng nền kinh tế Mỹ-Trung ổn định đến bất ngờ? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump vừa quyết định áp mức thuế mới với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Ảnh: AP

Ngoài ra, kim ngạch thương mại Trung-Mỹ cũng đã giảm đáng kể. Theo dữ liệu xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào tháng 7, trong nửa đầu năm 2019, ASEAN đã vượt qua Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, đẩy Mỹ xuống vị trí thứ ba.

Tuy nhiên, nhập khẩu thương mại của Trung Quốc lại tiếp tục tăng. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 là 14,67 nghìn tỷ NDT, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tăng 6,1%, nhập khẩu tăng 1,4%, thặng dư thương mại tăng mạnh lên mức 41,6%.

Về phía Mỹ, trong quý II năm 2019, GDP thực tế của nước này đã tăng 2,1%, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,1% của quý trước. Cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Kim ngạch thương mại giữa Mexico, Canada với Mỹ lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc kể từ năm 2005.

Hơn nữa, giá trị nhập khẩu của Mỹ trong nửa đầu năm 2019 tăng 1,5% so với cùng năm ngoái, đạt 1,568 nghìn tỷ USD. Nhập khẩu của Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và châu Âu có dấu hiệu gia tăng, cho thấy cơ cấu thương mại xuất nhập khẩu về cơ bản là ổn định.

Báo tiếng Hoa Đa chiều dẫn bình luận giới quan sát cho rằng, chiến thương mại đã có tác động đến thương mại kinh tế Trung-Mỹ nhưng nó không quá tiêu cực như những dự đoán của dư luận vừa qua. Điều này chắc chắn là do sức mạnh kinh tế của cả hai bên và nó cũng liên quan đến chính sách của hai chính phủ về phát triển kinh tế.

Trung Quốc đã sớm "dự phòng"

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, nâng cấp và tối ưu hóa nền công nghiệp Trung Quốc.

Thứ nhất, vì không nền kinh tế nào có thể duy trì tăng trưởng cao vĩnh viễn. Sau khi trải qua giai đoạn tăng trưởng cao, nó sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng trung bình và Trung Quốc sẽ không phải là ngoại lệ. Để ngăn chặn điều này và khiến nền kinh tế của đất nước bền vững và trở thành cường quốc kinh tế, Trung Quốc phải nâng cấp và điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp.

Thứ hai, lý thuyết về mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến đội ngũ lãnh đạo nước này nhận thức được sự cạnh tranh lớn trên trường quốc tế trong tương lai và sớm xây dựng các phương án dự phòng.

Dựa trên điều này, Trung Quốc đã thiết lập năm nhiệm vụ trong báo cáo chính phủ năm 2016 như giảm sát xuất, giảm tồn kho, giảm giá thành v.v... Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã cắt giảm thuế quy mô lớn khoảng 1,3 nghìn tỷ NDT, vượt quá mục tiêu ban đầu. Vào năm 2019, quy mô cắt giảm thuế của chính phủ Trung Quốc tiếp mở rộng.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ ổn định vào năm 2019 để đối phó với các rủi ro từ bên trong của áp lực chuyển đổi kinh tế cũng như những bất ổn mang tính không xác định bên ngoài. Đa chiều cho rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ càng cho việc chuyển đổi kinh tế.

Chiến tranh thương mại nóng rẫy nhưng nền kinh tế Mỹ-Trung ổn định đến bất ngờ? - Ảnh 2.

Cuộc gặp mới nhất của các đại diện thương mại Mỹ-Trung được cho đã không mang lại tín hiệu lạc quan cho hai nền kinh tế. Ảnh: Reuters

Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường sức mạnh

Không giống như Trung Quốc, Mỹ không điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế nhưng Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cơ cấu, sức mạnh kinh tế được cho là niềm tin lớn nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Nhưng cuộc chiến thương mại là con dao hai lưỡi và nó có tác động nhất định đến nền kinh tế Mỹ như việc kinh tế nước này giảm tốc độ tăng trưởng trong quý II vừa qua.

Vào ngày 31/7, Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã tuyên bố cắt giảm 25 điểm cơ bản của lãi suất để đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Theo đánh giá, nền kinh tế Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ. Việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể thúc đẩy lưu thông tiền tệ và tăng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ. Đây cũng là cách làm thông thường để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, lạm phát, sụp đổ thị trường chứng khoán v.v... trong những năm 1980.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump được đánh giá rất khéo léo trong việc sử dụng các lợi thế về công cụ chính sách tiền tệ, GDP. Sự kết hợp của hai yếu tố này thực sự mang lại hiệu quả "khẩn cấp" nhất định đối với nền kinh tế Mỹ, đây cũng là động thái chính để nền kinh tế Mỹ duy trì sự ổn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá, phương pháp này không mang tính hiệu quả lâu dài bởi sau phiên giao dịch ngày 31/7, sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm 1%. Điều này cho thấy mức giảm lãi suất của Fed không đáp ứng được kỳ vọng thực tế của thị trường.

Theo dự đoán, nếu tiếp tục cắt giảm lãi suất, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với những mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn dù nền kinh tế Mỹ hiện tại chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng và các chỉ số tương đối ổn định.

Giới phân tích cho rằng, hiện nay, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và Washington vẫn có thể dựa vào "sức mạnh thể chất" để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự thay đổi liên tục trong cơ cấu kinh tế quốc tế, nếu Mỹ không có những biện pháp đối phó phù hợp thì nền kinh tế nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại