HAGL bùng nổ, V.League lại "vui như hội": Đúng sai thành bại có luận nổi anh hùng?

Lam Chi - Ảnh: Đoàn Ca |

Có những câu chuyện mà đúng sai chỉ có thể nói được khi nó đi qua, và đúng sai đôi khi chẳng quá quan trọng. Nhìn sân Thiên Trường, và nhìn HAGL của bầu Đức thì biết...

1. Trên sân Thiên Trường cái ngày mà hơn 3 vạn khán giả thành Nam kéo nhau đến chứng kiến đội nhà đón tiếp HAGL ấy, hành động cho tay vào miệng cháu bé để sơ cứu của đại úy cảnh sát cơ động Trần Đức Giảng - bất chấp đúng sai, bất chấp có đúng cách hay không, chắc chắn là một hành động cực kỳ đẹp, xứng đáng nhận sự tôn vinh, không chỉ của người hâm mộ bóng đá thành Nam, mà còn của toàn xã hội.

Và rất đáng mừng khi câu chuyện này không chỉ dừng ở đấy, dù cho những tranh cãi nổ ra sau đó ít nhiều khiến rất nhiều người không hài lòng với những quan điểm trái ngược. Có một câu hỏi khiến rất nhiều người quan tâm, và cũng là chủ đề của cuộc tranh cãi này: Liệu đại úy Trần Đức Giảng có sơ cứu sai cách?

Câu trả lời là không, dù có thể nói rằng cái cách mà anh sơ cứu cho cháu bé... chưa được đúng lắm. Nó đến từ việc đã từ rất lâu, cái cách mà anh dùng được rất nhiều người, thậm chí là các bác sỹ, những người có chuyên môn về sơ cứu sử dụng. Có điều, đấy không phải là thứ bất biến, và những quan điểm mới về sơ cứu, được phổ biến gần đây lại có vẻ hợp lý, khoa học và an toàn hơn cho người được sơ cứu.

HAGL bùng nổ, V.League lại vui như hội: Đúng sai thành bại có luận nổi anh hùng? - Ảnh 1.

Xin được khẳng định, số người biết và áp dụng việc sơ cứu đúng cách là không nhiều, thậm chí là rất ít. Bản thân người viết, đã từng giám sát hàng chục lớp tập huấn cứu hộ, cứu nạn cũng từng phải chào thua khi các đồng đội dùng phương pháp cũ như của đại úy Trần Đức Giảng dùng, ngay trên sân bóng phủi, và người gặp nạn là bạn mình.

Ở trước, người viết đã dùng từ "đáng mừng" khi nói về việc câu chuyện liên quan đến đại úy Trần Đức Giảng không chỉ dừng lại trên sân Thiên Trường, trên mặt báo, mà còn gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Đáng mừng, là bởi khi cuộc tranh cãi đi qua, sẽ có rất nhiều người biết đến phương pháp sơ cứu mới này, và sẽ dùng nó "đúng cách hơn" khi xử lý người gặp nạn.

Với một người tích cực, nhìn vào hành động hết mình vì cậu bé của đại úy cảnh sát cơ động, nhìn vào cái kết quả sẽ có thêm nhiều người biết về phương pháp sơ cứu mới, thế là đã quá đủ. Vả lại, xét cho cùng, cuộc tranh cãi nào rồi chả có lúc đi vào quên lãng, những điều đẹp đẽ, tích cực ở lại mới là điều khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, mới đáng quan tâm nhất.

HAGL bùng nổ, V.League lại vui như hội: Đúng sai thành bại có luận nổi anh hùng? - Ảnh 2.

2. Vì sao phương pháp sơ cứu mới được ít người biết đến, dù được tuyên truyền không ít? Không thể phủ nhận đấy là chủ đề ít được quan tâm trong xã hội ngồn ngộ thông tin như hiện tại. Nhưng có lẽ nó ít được biết đến, là bởi cái cách mà bản thân nó được áp dụng.

Nếu như cái cách cũ, là cạy răng, nhét đũa cả, que quấn vải hay nhiều thứ khác để nạn nhân đỡ cắn vào lưỡi hay "nuốt lưỡi" là cực kỳ ấn tượng và gây ấn tượng mạnh với người chứng kiến, thì phương pháp mới - nói của đáng tội, cực kỳ nhàm chán.

Ấy là đặt nạn nhân nhẹ nhàng xuống sàn, theo tư thế nằm nghiêng, là thu dọn các vật sắc nhọn xung quanh, là kê đầu lên, là nới lỏng khuy áo, cà vạt và... đứng bấm đồng hồ chờ, song song với gọi cấp cứu.

Nó nhàm chán như cái cách mà HAGL từng đánh bại Thanh Hóa ngay tại xứ Thanh, và suýt nữa đánh bại Nam Định ngay tại sân Thiên Trường. Nhàm chán như cách cách mà HAGL đang khiến cổ động viên phố Núi vui mừng với chuỗi trận bất bại đã kéo dài lên con số 4, với đến 2 chiến thắng gần đây.

HAGL bùng nổ, V.League lại vui như hội: Đúng sai thành bại có luận nổi anh hùng? - Ảnh 3.

Trên sân Thanh Hóa, cũng như trên sân Thiên Trường là một HAGL khác hẳn với lứa U19 HAGL hơn 4 năm về trước. Không còn một HAGL "thêu hoa dệt gấm", đậm chất kỹ thuật và tấn công quyết liệt, thay vào đó là một HAGL biết nén mình, lùi sâu để chủ động phòng ngự, một HAGL biết co về, dụ đối phương tràn lên để rồi tung cú đòn "cắt tiết" kết liễu đối phương.

Trận thắng Thanh Hóa, HAGL thắng bằng hai pha sút phạt "thần sầu" của Xuân Trường. Trận đấu trên sân Thiên Trường, trước khi Nam Định có được bàn gỡ ở đúng phút bù giờ cuối cùng, đội bóng phố Núi có đến ít nhất 3 cơ hội để nâng tỷ số lên 3-1, kết thúc trận đấu bằng những pha phản công đầy toan tính. Nếu Hồng Duy hay Châu Ngọc Quang xử lý chỉnh chu hơn. HAGL đã có được chiến thắng.

Hẳn nhiên, một HAGL như thế nhàm chán hơn bản thân mình ở cái ngày mà họ kéo hàng vạn khán giả đến sân mỗi trận ở mùa đầu lứa U19 được đôn lên V.League, dẫu cho mùa bóng ấy phải chật vật để trụ hạng.

Bởi nó là thứ bóng đá đẹp, đẫm chất cống hiến và mang lại niềm vui cho người hâm mộ, như cái cách mà đại úy Trần Đức Giảng làm được trên sân Thiên Trường vừa qua.

HAGL bùng nổ, V.League lại vui như hội: Đúng sai thành bại có luận nổi anh hùng? - Ảnh 4.

3. Bầu Đức có sai khi chọn lối chơi ấy cho HAGL, để rồi giờ đây phải thay đổi? Không hề. Có thể HAGL vẫn lép vế so với CLB Hà Nội, CLB TP.HCM hay không ít những CLB V.League khác, nhưng hãy nhớ trong kỳ tích Á quân châu Á, Xuân Trường là người đeo trên cánh tay mình tấm băng đội trưởng U23 Việt Nam.

Nên nhớ, trước mùa bóng này, đội bóng của bầu Đức nhận được khoản tài trợ lên đến 50 tỷ đồng cho 2 mùa bóng. Công Phượng sang Hàn, Xuân Trường sang Thái đều đem về khoản tài chính đáng kể cho đội bóng phố Núi, cũng như bản thân họ. Và giờ đây, Công Phượng đang mang trong mình tham vọng mở toang cánh cửa đưa cầu thủ Việt Nam đến châu Âu.

Và trên sân Thiên Trường, hơn 3 vạn khán giả lại chen chúc nhau chứng kiến những cầu thủ từng khiến người hâm mộ mê mẩn hơn 4 năm về trước, giờ đây đang chơi lối chơi khác, nhưng tầm ảnh hưởng với họ vẫn còn nguyên.

Dù gì đi nữa, cái đẹp vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người, và những hành động như của chiến sỹ cảnh sát cơ động Trần Đức Giảng, thứ bóng đá đẹp mà HAGL từng chơi luôn có chỗ đứng, sau rất nhiều tranh cãi...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại