Bộ ba Triều Tiên-Trung Quốc-Nga uy lực cùng nhắm vào 1 đích: Bán đảo Triều Tiên rung chuyển?

Ngọc Khánh |

Vấn đề bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên sau vụ việc Hàn Quốc cáo buộc chiến đấu cơ Nga. TQ xâm phạm không phận nước này trong khi Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa.

Vào ngày 23/7 vừa qua, Hàn Quốc cáo buộc chiến đấu cơ Nga và Trung Quốc trong quá trình tham gia cuộc tập trận chung đã xâm phạm không phận nước này ở khu vực biển Nhật Bản, buộc quân đội Hàn Quốc phải nổ súng cảnh cáo.

Sự vụ này chưa lắng xuống thì sáng sớm ngày 25/7, Triều Tiên phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuống vùng biển Nhật Bản, phá vỡ bầu không khí đàm phán song phương Mỹ - Triều chỉ diễn ra cách đó thời gian ngắn ở Bàn Môn Điếm.

Triều – Trung – Nga nhắm vào phía Nam bán đảo Triều Tiên?

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA vào ngày 26/7 đưa tin, Chủ tịch Kim Jong Un đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa dẫn đường loại mới.

Theo giới chuyên gia, vũ khí dẫn đường chiến thuật mới trong những bức ảnh mà truyền thông Triều Tiên đăng tải rất giống với tên lửa tầm ngắn KN-23 do Triều Tiên phóng vào tháng 5 và có nhiều điểm tương đồng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga.

Về vụ phóng tên lửa này, KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim Jong Un cho biết: "Chúng tôi không thể ngừng hẳn việc phát triển các hệ thống vũ khí siêu mạnh để loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp vẫn còn tồn tại ở Hàn Quốc đối với an ninh của đất nước chúng tôi"."

Bộ ba Triều Tiên-Trung Quốc-Nga uy lực cùng nhắm vào 1 đích: Bán đảo Triều Tiên rung chuyển? - Ảnh 1.

Chủ tịch Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa 25/7. Ảnh: KCNA

Trước đó, ông Kim cũng từng cáo buộc: "Chính quyền Hàn Quốc trước mặt giả vờ bắt tay hòa bình, thảo luận về các tuyên bố chung hay thỏa thuận hòa bình, nhưng sau lưng lại làm những việc kì lạ, nhập vũ khí tấn công mới nhất hay tập trận quân sự chung với Mỹ như một kẻ hai mặt".

Nên đây dường như là những lời phản pháo của Triều Tiên trước những sự kiện sắp diễn ra của Hàn Quốc như tập trận chung với Mỹ hay nhập máy bay chiến đấu tàng hình F-35A từ Mỹ.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhận định, hai tên lửa mà Triều Tiên phóng thử sáng 25/7 đều bay xa khoảng hơn 600 km, như vậy toàn bộ phần lãnh thổ Hàn Quốc, ngoại trừ đảo Jeju, đều nằm trong tầm ngắm của quả tên lửa. Các cơ sở quân sự lớn của Mỹ đóng tại Hàn Quốc bao gồm trại Humphreys và căn cứ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Seongju cũng sẽ bị đe dọa.

Theo giới chuyên gia, ngoài THADD, Hàn Quốc còn có các hệ thống phòng thủ tên lửa bao gồm Patriot PAC-3 và M-SAM nhưng để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn có độ cao thấp và có khả năng thoát hiểm đánh chặn mới của Triều Tiên, Seoul buộc phải sở hữu nhiều hệ thống tên lửa đánh chặn hơn nữa.

Hay nói cách khác, Hàn Quốc sẽ phải đổ nhiều tiền hơn vào các vụ mua bán hay nghiên cứu sản xuất tên lửa đánh chặn và thiết bị dò tìm thế hệ mới. Truyền thông Hàn Quốc lo ngại, sau sự cố xâm phạm không phận của chiến đấu cơ Nga thì Nhà Xanh còn chịu áp lực từ Triều Tiên qua các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Giới chuyên gia Hàn Quốc lo ngại

Giới chuyên gia Hàn Quốc cáo buộc, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ Nga-Trung xâm phạm không phận tuy tính chất khác biệt nhưng ý nghĩa là như nhau, "nhằm làm suy yếu khả năng an ninh bằng cách coi các vấn đề liên quan đến an ninh của Hàn Quốc là tiêu cực".

Báo Hàn Quốc cho biết, vào ngày 7/5, một kênh truyền thông Triều Tiên bình luận về cuộc tập trận chung Hàn Mỹ, nói rằng: "Quân đội Hàn Quốc không nên phủ bóng đen lên con đường sau này của mối quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên bằng cuộc đối đầu quân sự bừa bãi. Nếu không muốn mối quan hệ Nam – Bắc sụp đổ thì tốt nhất hãy cư xử một cách rõ ràng, rành mạch".

Về cuộc huấn luyện quân đội vào cuối tháng 5 vừa qua, tờ Uriminzokkiri bình luận: "Ngay cả khi Hàn Quốc cố gắng bào chữa gì chăng nữa cũng không thể che giấu được tính chất đối đầu và khiêu khích của cuộc tập trận này".

Nhận định về vụ phóng tên tên lửa xuống vùng biển Nhật Bản vào ngày 4/5, Bình Nhưỡng tuyên bố: "Nếu có ý định xâm hại đến quyền sinh tồn, chủ quyền và sự uy nghiêm của chúng ta, chúng ta sẵn sàng cho thấy ý chí vững vàng phản công không thương tiếc bất cứ lúc nào".

Truyền thông Hàn Quốc cáo buộc máy bay ném bom và máy bay trinh sát của Nga và Trung Quốc thỉnh thoảng đã bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc trong những năm gần đây, trong khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa.

Giới chuyên gia Seoul cho rằng, Triều Tiên - Trung Quốc - Nga đang có ý định làm "rung chuyển an ninh Hàn Quốc" và thúc giục chính phủ "phải làm vững chắc "liên minh Hàn-Mỹ" hoặc "Nếu cần phải thông qua hợp tác an ninh Hàn Mỹ Nhật để giải quyết".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại