Hong Kong nóng rẫy: Trung Quốc vẫn "sôi máu", chấp nhận mất mặt để động binh?

An An |

"Trung Quốc sẽ rất mất mặt", một chuyên gia Hong Kong nói về hành động sử dụng quân đội để can thiệp vào đặc khu này.

Khi Hong Kong - thuộc địa cũ của Anh - trở về Trung Quốc vào năm 1997, một trong những mối quan tâm lớn nhất của dư luận và truyền thông chính là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA sẽ hành động như thế nào.

Theo The New York Times (NYT - Mỹ), thực tế cho thấy, sau 22 năm Hong Kong trở lại Trung Quốc thì vai trò của PLA đối với đặc khu này rất hạn chế.

Nhưng vào mùa hè này, sau nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền trong vài tuần qua, vấn đề quân đội đồn trú ở Hong Kong lại xuất hiện. Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước đã liên tiếp đưa ra những phản ứng nghiêm khắc, đặc biệt sau khi quốc huy ở bên ngoài Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hong Kong bị sơn đen vấy bẩy bên cạnh những dòng chữ mang tính chất nhạo báng vào Chủ nhật tuần trước.

Hôm thứ Tư, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng "hành vi của một số người biểu tình quá khích thách thức thẩm quyền của chính quyền trung ương" và cách làm này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng quân đội khi cần thiết.

Có bao nhiêu binh lính PLA đang đóng quân tại Hong Kong?

Trung Quốc chưa từng chính thức công bố chính xác số lượng binh sĩ đồn trú tại Hong Kong nhưng ước tính số lượng binh sĩ PLA tại Hong Kong là từ 6.000 đến 10.000 người. Trong đó, nhiều binh lính có thời gian đóng quân ở Thâm Quyến, một thành phố của Trung Quốc nằm cạnh Hong Kong, nơi có chi phí đóng quân tiết kiệm và dễ tham gia huấn luyện hơn. Do đó, chỉ có một bộ phận của lực lượng đồn trú thực sự đóng quân ở Hong Kong.

Hong Kong nóng rẫy: Trung Quốc vẫn sôi máu, chấp nhận mất mặt để động binh? - Ảnh 1.

Trụ sở quân đồn trú PLA tại Hong Kong nằm gần văn phòng chính của chính quyền địa phương. Nhiềuđcuộc biểu tình gần đây đã diễn ra cách đó không xa. Ảnh: NYT

NYT cho biết, PLA quản lý 19 khu vực quân sự ở Hong Kong, trong đó có 12 doanh trại quân đội. Nổi bật nhất là căn cứ không quân Shek Kong nơi đặt trung đoàn máy bay trực thăng, căn cứ hải quân trên đảo Stonecutters/Ngong Shuen Chau nơi có thể neo đậu vài tàu chiến nhỏ và Tòa nhà đồn trú PLA nằm cạnh vịnh Victoria.

Tòa nhà đồn trú PLA từng là Trung tâm Chỉ huy Quân sự Anh và bên kia đường là các văn phòng của Hội đồng Lập pháp Hong Kong và chính quyền địa phương. Do đó, các cuộc biểu tình gây ồn ào trong nhiều tuần qua về cơ bản diễn ra không xa trụ sở của quân đội đồn trú PLA.

Vai trò của quân đồn trú là gì?

Mô hình "một quốc gia, hai chế độ" cho phép Hong Kong tồn tại như một lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc. Hong Kong có các cơ quan đơn vị địa phương của riêng mình, nhưng quan hệ ngoại giao và quốc phòng thuộc quyền quản lý của chính quyền trung ương.

Do đó, theo Luật đồn trú và Luật cơ bản của Hiến pháp địa phương Hong Kong, luật pháp và trật tự của Hong Kong do tòa án và cảnh sát địa phương quản lý trong khi quân đội đồn trú PLA tại Hong Kong "không can thiệp vào các vấn đề địa phương." Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể yêu cầu Bắc Kinh chỉ đạo quân đồn trú thực hiện các hành động nhằm "giúp duy trì an ninh xã hội và giải cứu hỗ trợ thiên tai".

Mặc dù quân đồn trú tại Hong Kong chưa bao giờ được yêu cầu giúp duy trì trật tự công cộng nhưng năm ngoái, hàng trăm binh sĩ PLA đã tham gia giúp dọn dẹp đường phố sau khi một cơn bão tấn công Hong Kong. Trong khi đó, các binh sĩ đồn trú ở Hong Kong thường mời công chúng đến trại quân sự để thăm quan trang thiết bị vũ khí, quan sát các buổi huấn luyện nhưng hiếm khi người ta thấy binh lính PLA xuất hiện ở các khu vực khác bên ngoài cơ sở quân sự.

Mặc dù vậy, song song với tần suất các cuộc biểu tình tiếp tục gia tăng, PLA đã công bố thông tin về cuộc tập trận quân sự của lực lượng đồn trú vào tháng trước. Hình ảnh được đăng tải trên tờ báo chính thức của PLA cho thấy những người lính đang đứng trên một con tàu hải quân, phía trước là đường chân trời phía Hong Kong.

Khả năng PLA can thiệp lớn chừng nào?

Hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã đưa ra cảnh báo về khả năng can thiệp quân sự vào Hong Kong.

"Tại Điều 14, Chương 3 của Luật đồn trú có quy định rõ ràng!", ông Ngô nói.

Tuy nhiên, theo NYT, cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Hong Kong muốn quân đội can thiệp. Trong hai báo cáo trước đó, chính quyền Hong Kong phủ nhận rằng họ có ý định sử dụng quân đội PLA tại Hong Kong vào mục đích an ninh.

Luật đồn trú quy định, bất kỳ hành động nào như vậy phải được chính quyền Hong Kong đề xuất. Tuy nhiên, một điều khoản khác của Luật cơ bản cho phép Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tương đương Quốc hội) tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Hong Kong, trong bối cảnh hỗn loạn "nguy cơ đến thống nhất hoặc an ninh quốc gia" - động thái có thể kích hoạt vai trò của quân đồn trú ở Hong Kong.

Ông Lâm Hà Lập - Giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Hong Kong, cho biết, trên thực tế, bất kỳ quyết định nào như vậy cũng sẽ được đưa ra bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với sự tham gia của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan chính trị tối cao của Trung Quốc.

"Tuy nhiên dường như một quyết định như vậy sẽ không được thực hiện ngay lập tức. Tại thời điểm hiện tại, thảo luận về sức mạnh quân sự có thể là một chiến lược, mục đích nhằm buộc người biểu tình rút lui. Một trở ngại lớn trong việc sử dụng quân đội chính là nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của giới lãnh đạo Trung Quốc", ông nói.

"Trung Quốc sẽ rất mất mặt", ông Lâm nói:" Việc sử dụng quân đội đồng nghĩa là sau 22 năm nối lại chủ quyền đối với Hồng Kông, chính quyền trung ương buộc phải dựa vào vũ lực vì đã thất bại trong việc giành được tình cảm và tư tưởng của người dân Hồng Kông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại