Cuộc phản công bất ngờ của các binh sĩ Nga “tử trận” đẩy lui quân Đức

Trung Hiếu |

Trong một trận chiến của Thế chiến 1, hàng chục binh sĩ Nga bị Đức tấn công bằng khí độc nhưng vẫn cố lấy hết sức lực để bất ngờ phản kích quân địch.

Cuộc phản công bất ngờ đó thậm chí đã khiến cho lực lượng Đức đông hơn phải bỏ chạy tán loạn.

Cụ thể, vào ngày 6/8/1915, quân đội Đức mở một cuộc tấn công bằng khí độc vào pháo đài Osowiec của Nga. Khi ấy, gần như chắc chắn rằng lực lượng Nga đồn trú tại đây sẽ không thể sống sót được.

Cuộc phản công bất ngờ của các binh sĩ Nga “tử trận” đẩy lui quân Đức - Ảnh 1.

Pháo đài Osowiec vào tháng 9/1945. Ảnh do quân Đức chụp.

Mặt nạ phòng độc của các binh sĩ Nga khi đó gần như không có tác dụng và những người lính Nga dường như không thể thoát khỏi lưới hái của tử thần. Thế nhưng lực lượng bộ binh Đức sau đó đã gặp ác mộng khi tiến vào trong pháo đài này.

Thay vì tìm thấy các đống thi thể, lính Đức vấp ngay phải những binh sĩ đối phương vẫn còn sống nhưng giả vờ chết. Những người lính Nga đó mặc quân phục đẫm máu, ho ra cả máu, đã lấy hết sức còn lại để tấn công bất ngờ vào quân Đức khiến đối phương bị sốc nặng. Cuộc phản công này đi vào lịch sử với tên gọi “cuộc tấn công của những người chết”.

Tinh thần kiên cường

Nằm gần thị trấn Bialystok của Ba Lan, pháo đài Osowiec là khúc xương khó nuốt đối với quân Đức. Pháo này trói chân quân Đức ở khúc lồi đông bắc Ba Lan.

Từ khi bị nhắm tới vào tháng 9/1914, pháo đài này đã trụ vững trước tất cả các cuộc tấn công của đối phương sử dụng cả máy bay và pháo binh. Sau khi thất bại trong việc đánh chiếm pháo đài của người Nga theo cách đó, quân Đức chuyển sang sử dụng các biện pháp cực đoan.

Vào ngày 6/8/1915, quân Đức phun khí độc clo vào pháo đài. Sergey Khmelkov, một trong những người bảo vệ pháo đài và sống sót sau vụ tấn công bằng khí độc này nhớ lại: “Bất cứ ai đứng bên ngoài, ở đầu cầu pháo đài đều bị nhiễm độc đến chết… Cỏ biến thành màu đen và cánh hoa rải rác khắp nơi… Thịt, bơ, mỡ lợn, rau củ đều bị nhiễm độc và không còn tiêu dùng được nữa”.

Khmelkov viết: “Pháo đài không hề được chuẩn bị để hứng chịu một cuộc tấn công hóa học như thế. Không có kế hoạch phòng bị, không có thiết bị bảo vệ ở cả góc độ tập thể lẫn cá nhân. Các mặt nạ phòng độc được gửi cho pháo đài đều ít có tác dụng”.

Hầu hết các doanh trại, hầm trú ẩn và công sự đều thiếu hệ thống thông hơi nhân tạo và không được trang bị máy tạo ôxy.

Ba đại đội thuộc sư đoàn 226 (Nga) đã bị xóa sổ . Chỉ khoảng 100 binh sĩ thuộc đại đội 4 là sống sót. Các lực lượng Đức đeo mặt nạ phòng độc đã bí mật mở cuộc tấn công quân sự vào pháo đài, tin tưởng rằng lực lượng đồn trú sẽ bị tiêu diệt hết.

“Người chết phản kích”

Khi đã đè bẹp tuyến phòng ngự thứ nhất của Nga và vượt qua tường thành, quân Đức bắt đầu tiến sâu vào pháo đài.

Chờ đến đúng lúc ấy những người còn sống của đại đội 13, do sĩ quan Vladimir Kotlinsky chỉ huy, mở cuộc tấn công thần thánh, được gọi là “cuộc tấn công của người chết”.

Một binh sĩ Nga không rõ tên viết trong 1 bài báo trên tờ “Đời sống Pskov” vào năm 1915 như sau: “Tôi không thể tả được cơn tức giận của anh em binh sĩ chúng tôi khi họ xung phong về phía những kẻ phun khí độc. Súng trường hạng nặng, súng máy, các mảnh đạn không ngăn được cuộc chém giết của những người lính đã điên tiết lên”.

60 người lính Nga khai hỏa vào kẻ thù. Họ nổ súng trong khi mặt vẫn quấn khăn đẫm máu, người run lên và ho sù sụ, khạc nhổ ra lên trên áo dính máu. Nhân chứng trên lý giải: “Dù kiệt sức và bị đầu độc, họ vẫn tiến lên với mục đích duy nhất là nghiền nát quân Đức”.

Lính Đức đã bị sốc nặng khi chứng kiến cảnh những người lính Nga “tử trận” đứng dậy và thực hiện một cuộc tấn công đầy cuồng nộ. Kết quả là lính Đức bỏ chạy trong hoảng loạn, vứt bỏ cả súng máy và bị vướng vào chính dây thép gai do họ dựng lên để tự vệ.

Tận dụng yếu tố bất ngờ, các đại đội số 8 và 14 đã chiếm lại khu tường thành chính, bít lỗ hổng và đưa bộ phận pháo binh trở lại. Người chỉ huy cuộc phản công này, sĩ quan Kotlinsky, đã bị thương nặng và qua đời vào tối hôm đó.

Cuộc phản công nói trên đã ngăn pháo đài Osowiec rơi vào tay người Đức và cứu nhiều binh sĩ Nga đồn trú ở khu vực này thoát khỏi thảm họa.

Pháo đài làm nhiệm vụ che giấu cuộc rút lui chiến lược của quân Nga cho tới tháng 8/1915, sau đó việc bảo vệ pháo đài không còn có ích nữa và cũng khó có thể thực hiện. Vào ngày 22/8/1915, lực lượng đồn trú Nga rút khỏi pháo đài một cách trật tự và bình tĩnh. Trước khi rút, họ tiền hành phá hủy các bức tường chính và các công sự của pháo đài./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại