Vụ án bồi thường nhà nước cao kỷ lục: Tòa trả hồ sơ, bị hại bật khóc

Đình Thức |

Chủ tọa phiên tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại để bổ sung chứng cứ khi đang tiến hành phần xét hỏi doanh nghiệp bị hại về giấy phép đăng ký kinh doanh.

Bị hại tố Chấp hành viên sử dụng giang hồ kê biên kho hàng

Ngày 19/7, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Nguyễn Văn Chánh (SN 1978, trú phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Đây là vụ án thu hút sự chú ý dư luận khi mức bồi thường nhà nước được cáo trạng xác định là hơn 55 tỉ đồng, cao nhất trong lịch sử tố tụng. Ngoài ra, phiên tòa xét xử bị cáo Chánh, nguyên là Chấp hành viên trung cấp làm việc tại Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, diễn ra trong ngày truyền thống ngành Thi hành án.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh được Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định phân công trực tiếp thi hành án vụ việc giữa doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (trụ sở ở tỉnh Gia Lai) và công ty Thanh Phát. 

Trong quá trình thi hành án, bị cáo Chánh đã kê biên nhầm hàng hóa của doanh nghiệp Huy Phương (trụ sở tại tỉnh Gia Lai) đang lưu tại kho mà công ty Phú Lợi thuê tại phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) trong thời gian lên đến 30 tháng. 

Việc làm này khiến hàng hóa bị hư hỏng, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, dẫn tới nhiều thiệt hại nặng nề cho gia đình chủ doanh nghiệp Huy Phương.

Vụ án bồi thường nhà nước cao kỷ lục: Tòa trả hồ sơ, bị hại bật khóc - Ảnh 1.

Bị cáo Chánh không thừa nhận bất cứ sai phạm nào tại tòa

Ngoài ra, Chánh đã niêm phong, thu giữ trái luật hàng hóa của DNTN Phú Lợi tại khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn), không mở nhà kho, xưởng sản xuất theo đúng kế hoạch kê biên tài sản. 

Việc làm này của Chánh khiến hàng hóa bên trong là 26.000 tấn sắn lát khô không thể tiêu thụ được đúng thời vụ, 33 tấn hạt ươi hư hỏng, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho DNTN Phú Lợi.

Trong phần xét hỏi bởi đại diện VKS, bị cáo Chánh liên tục chối tội và cho rằng thực hiện việc thi hành án theo đúng nhiệm vụ của 1 chấp hành viên, khẳng định mình làm đúng quy trình, thủ tục. 

Thái độ thản nhiên, thách thức của bị cáo khiến đại diện VKSND Tối cao phải liên tục nhắc nhở, thậm chí yêu cầu HĐXX chấn chỉnh cách trả lời xét hỏi của bị cáo.

Phía các bị hại cho rằng việc làm của Chánh là cố ý gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Bà Giáp Thị Huy Phương, chủ doanh nghiệp Huy Phương, cho biết đã nhiều lần cung cấp giấy tờ chứng minh hàng hóa tại kho gồm có 1.600 tấn mỳ (sắn) khô.

Bà Phương đề nghị được mang hàng hóa của mình ra khỏi kho thì nhận được sự đồng ý của đại diện Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định qua điện thoại.

"Chiều 5/11/2014, tôi thuê xe đến chở hàng ra khỏi kho và đưa được khoảng 60 tấn xuống cảng Quy Nhơn để bán cho đối tác Trung Quốc.

Khoảng 18h45 thì ông Chánh đến kho hàng trên xe taxi, người có hơi men, không mặc đồng phục. Ông Chánh ngăn cản đoàn xe và gọi thêm 30 người nhìn như giang hồ đến ngăn chặn chúng tôi chuyển hàng.

Đến hơn 19h, đại diện Viện kiểm sát, công an phường, tổ trưởng dân phố mới đến chứng kiến.

Hàng hóa này của tôi, tôi đã đưa nguồn gốc chứng từ rõ ràng nhưng vẫn bị niêm phong suốt 30 tháng nên hư hỏng, thiệt hại hoàn toàn", bà Phương bức xúc.

Trong khi đó, ông Lê Viết Chín, chủ doanh nghiệp Phú Lợi, tố cáo bị cáo tiến hành niêm phong kho hàng hóa tại khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn) mà không tiến hành kiểm tra bên trong.

"Hàng hóa bên trong không thuộc diện phải bị kê biên, phong tỏa. Chúng tôi đã có kháng nghị nhưng ông Chánh không chấp nhận và tiến hành niêm phong trong suốt 2 tháng khiến doanh nghiệp tôi thiệt hại trên 70 tỉ đồng", ông Chín nói.

Chủ tọa liên tục đặt nghi vấn về nguồn gốc hàng hóa, trả hồ sơ điều tra lại

Tại phiên tòa xét xử, Thẩm phán Trương Văn Nghĩa, Chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm, nhận định hành vi của Chánh gây thiệt hại cho doanh nghiệp Huy Phương và Phú Lợi.

Vị chủ tọa cũng liên tục đặt câu hỏi về nguồn gốc số hàng của doanh nghiệp Huy Phương trong kho của DNTN Phú Lợi. Ông Nghĩa cũng đề nghị Huy Phương cung cấp thêm giấy tờ chứng minh số hàng trên.

Trước các yêu cầu của chủ tọa phiên tòa, vị luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Duy Phương đã bác bỏ. Theo luật sư, quyền sở hữu của DN Huy Phương với số hàng trên đã được TAND TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) phán quyết công nhận, đã có hiệu lực pháp luật. 

TAND Tối cao đã không chấp nhận yêu cầu xem xét lại phán quyết trên theo trình tự giám đốc thẩm. Việc HĐXX liên tục đặt câu hỏi về nguồn gốc của lô hàng sắn lát của DN Huy Phương, theo luật sư, là không cần thiết.

Ngoài ra trong phần xét hỏi, ông Nghĩa còn yêu cầu doanh nghiệp Phú Lợi xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh bản gốc. Theo nhận định của ông Nghĩa, việc thiếu giấy phép này gây khó khăn cho phiên tòa.

Vị thẩm phán chủ tọa yêu cầu công ty Phú Lợi đưa ra các giấy tờ về hành vi của bị cáo Chánh gây ra trong 2 tháng bị niêm phong hàng hóa.

Vụ án bồi thường nhà nước cao kỷ lục: Tòa trả hồ sơ, bị hại bật khóc - Ảnh 3.

Bà Giáp Thị Huy Phương trình bày thiệt hại tại phiên tòa

"Chúng tôi bị niêm phong hàng hóa trái phép vì đó không thuộc danh mục bị kê biên mà Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định yêu cầu. Trong 2 tháng bị niêm phong, hàng hóa không thể bán được. Giá nông sản rớt giá thảm hại trong suốt 2 tháng đó.

Sau thời gian bị niêm phong, chúng tôi phải rất cố gắng để tìm kiếm khách hàng mua, chi phí bảo quản hàng hóa gây thiệt hại lớn", ông Chín nói.

Trước trình bày của bị hại, thẩm phán Nghĩa yêu cầu phải có giấy tờ gốc. Đại diện doanh nghiệp Phú Lợi cho hay chưa thể cung cấp ngay. Do vậy, vị chủ tọa đã đề nghị HĐXX thảo luận.

"HĐXX nhận định còn nhiều vấn đề cần bổ sung tài liệu, chứng cứ. Do vậy, HĐXX tuyên bố trả hồ sơ bổ sung", ông Nghĩa tuyên bố.

Sau khi tòa tuyên bố như vậy, các bị hại đã có phản ứng gay gắt. Bà Giáp Thị Huy Phương đã bật khóc tại tòa. Bà Phương cho hay sự việc đã xảy ra từ năm 2014, kéo dài 5 năm và qua 2 lần hoãn xử.

"Tôi vỡ nợ, bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Tôi chờ phiên tòa này để được bồi thường thỏa đáng. Tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ mà không hiểu sao vẫn bị coi là chưa đầy đủ. Vì sai phạm của ông Chánh mà tôi có nhà không về được, cha mẹ, con cái ly tán", bà Phương nức nở.

Luật sư Lê Văn Hà, người bảo vệ quyền lợi của công ty Phú Lợi, cho hay rất bất ngờ với quyết định trả hồ sơ của HĐXX. Theo ông Hà, việc chủ tọa phiên tòa không tập trung chỉ ra các sai phạm của bị cáo Chánh khiến 2 bị hại thiệt hại nặng nề mà tập trung xét hỏi nguồn gốc hàng hóa, hồ sơ pháp lý của công ty là chưa hợp lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại