Phản ứng bất ngờ và khó hiểu của Tổng thống Trump trước 'đòn' S-400 của Nga

Kiệt Linh |

Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người bất ngờ khi một mặt đưa ra những phát biểu hòa dịu, giải thích cho lý do Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm đến các hệ thống S-400 của Nga nhưng mặt khác lại hé lộ ý định sẵn sàng tung ra đòn trừng phạt nhằm vào đồng minh.

Trong khi giới chức Mỹ liên tiếp có những phát biểu chỉ trích gay gắt và mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga. Cấp độ gay gắt đang gia tăng nhanh chóng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đón nhận các hệ thống S-400 đầu tiên từ Nga.

Khác hẳn với lập trường của các cấp dưới của mình trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Trump có cái nhìn mang tính hòa dịu hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng nước này mua các tên lửa từ Nga do chính quyền của Tổng thống Obama trước đó từ chối bán các hệ thống phòng không Patriot cho họ “dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về một hợp đồng Patriot bị đổ vỡ dưới thời chính quyền Obama do Ankara khăng khăng đòi quyền được chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có thể tự chế tạo các tên lửa của riêng mình. Đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng đến lợi ích về mặt vật chất của nhà sản xuất cũng như gây ra các lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ, phía Mỹ giải thích.

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Trump tỏ ra chia sẻ với lập trường của phía Ankara trong vấn đề S-400. Trước đó, theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng trước ở Osaka, Nhật Bản, ông Trump đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng, ông này thấu hiểu với quyết định mua S-400 của Ankara.

Theo lời ông Erdogan, Tổng thống Trump được cho là còn phát đi tín hiệu về việc sẽ không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì chuyện này bởi điều đó là “bất công” đối với Ankara.

Tuy nhiên, trong một bước ngoặt gây bất ngờ, bất chấp những phát biểu dịu nhẹ nói trên, Tổng thống Trump ngày hôm qua (16/7) đã nói rằng, Washington sẽ không bán cho Thổ Nhĩ Kỳ những chiếc chiến đấu cơ thế hệ mới F-35 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã có trong tay các tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một bên đối tác trong chương trình F-35.

“Tình hình với Thổ Nhĩ Kỳ rất phức tạp và khó khăn. Chúng tôi đã liên lạc với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Trump cho biết. Giới chức Mỹ từ lâu đã đe dọa sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển-35, nói rằng việc vận hành chiếc chiến đấu cơ này bên cạnh tên lửa S-400 sẽ giúp Moscow tìm hiểu được những bí mật công nghệ ẩn giấu trong chiếc chiến đấu cơ thế hệ mới của phương Tây.

Sau khi ông Trump nói đến việc không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – ông Mark Esper cũng có phát biểu củng cố thêm cho lập trường của ông chủ Nhà Trắng. Cụ thể, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Esper đã nói, Thổ Nhĩ Kỳ “hoặc có S-400 hoặc có F-35. Các bạn không thể có cả hai”. Ông Esper là người được ông Trump tín nhiệm đề cử vào chiếc ghế dẫn dắt Lầu Năm Góc Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối quyết liệt từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ.

Mỹ liên tục đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt, thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35, nếu đồng minh của họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua S-400 của Nga. Giới chức Mỹ và NATO không ngừng nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400.

Phương Tây tin rằng, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và S-400 của Nga có thể gây nguy hiểm đối với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của họ.

Sau những lời cảnh báo, đe dọa, Mỹ thậm chí còn xuống nước đề nghị bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế S-400 của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh báo, đe dọa và cả lời đề nghị Patriot hấp dẫn của Mỹ, Ankara vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại