Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (16/7) cho biết, một thỏa thuận với Trung Quốc vẫn còn lâu mới đạt được, đe dọa sẽ đánh thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
"Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc liên quan tới thuế quan với Trung Quốc. Nếu muốn, chúng ta còn có thể áp thêm thuế lên 325 tỉ USD hàng hóa nữa", Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/7.
Trong khi đó, Bắc Kinh bất ngờ bổ sung một thành viên mới vào nhóm đàm phán - Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, người đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng trước và tham dự vào cuộc điện đàm với đại diện từ phía Mỹ hồi tuần qua.
Ông Chung Sơn được các quan chức tại Washington đánh giá là một nhân vật có quan điểm cứng rắn. Các phát biểu gần đây của ông trên truyền thông Trung Quốc cho thấy quan điểm này của ông về cuộc chiến thương mại với Mỹ.
"Phía Mỹ đã châm ngòi cuộc chiến kinh tế và thương mại chống lại chúng ta và vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ điển hình", ông Chung nói với tờ Nhân dân Nhật báo hôm thứ Hai.
"Chúng ta phải giữ vững tinh thần chiến binh trong công cuộc bảo vệ vững chắc lợi ích của quốc gia và người dân, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương", Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.
Đây là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ giữ vững lập trường cứng rắn. Những diễn biến này dập tắt hy vọng tìm kiếm một giải pháp của các nhà phân tích và đầu tư khi một số người cho thấy các tiến triển đang bị đảo ngược.
"Vẫn chưa có cuộc họp mặt đối mặt nào được lên kế hoạch. Các tiến triển thương mại đang bị đảo ngược. Hai bên đang ngày càng cách xa nhau hơn hồi tháng 12/2018", Donald Straszheim, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Quốc của Evercore ISI cho biết.
Một cuộc chiến tranh thương mại đã biến thành cuộc chiến tranh lạnh kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Giorgzheim nói.
Ông Chung Sơn, người trước đây từng là cấp dưới của ông Tập Cận Bình khi ông Tập còn là lãnh đạo tỉnh Chiết Giang, được xem là một "diều hâu".
Dennis Wilder, cựu chuyên viên phân tích Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), được tờ Washington Post dẫn lời cho rằng, sự có mặt của ông Chung cho thấy Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã bị mất lòng tin. "Tôi chắc chắn rằng những chỉ đạo của ông ấy là phải cứng rắn hơn với Mỹ", ông Wilder nói.
Cuộc chiến thương mại kéo dài dường như đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Các số liệu công bố đầu tuần cho thấy tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế thứ 2 thế giới chậm lại ở mức 6,2% trong quý II.
Tổng thống Trump đã nhanh chóng tuyên bố điều này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến thương mại, mức thuế quan của Mỹ đã có "ảnh hưởng lớn" và đó là lý do tại sao Trung Quốc muốn có một thỏa thuận.
Phía Trung Quốc đã nhanh chóng "phản pháo" lại bình luận của Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết tốc độ tăng trưởng nửa đầu của Trung Quốc là "hiệu suất không tồi" và phù hợp với kỳ vọng.
Điều mà phía Mỹ cho rằng, nền kinh tế đang chậm lại nên Trung Quốc khẩn trương hy vọng đạt được thỏa thuận là hoàn toàn sai lệch, ông Cảnh Sảng nói.