Ông Trump đăng Tweet đầu tuần, "khoét sâu" thành tích tệ nhất gần 30 năm của Trung Quốc

Minh Khôi |

Tổng thống Mỹ đã đăng Tweet đầu tiên trong ngày thứ Hai, cho rằng, các khoản thuế bổ sung chính là nguyên nhân khiến tốc độ tăng GDP của Trung Quốc chậm nhất trong gần 30 năm.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm xuống 6,2% trong quý II năm 2019, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1992, thậm chí dưới cả tỷ lệ tăng trưởng trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) xác nhận vào hôm nay. Tuy nhiên, con số này đã nằm trong mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng của Bắc Kinh trong năm từ 6,0 đến 6,5%, và đã được dự đoán.

Ông Trump đăng Tweet đầu tuần, khoét sâu thành tích tệ nhất gần 30 năm của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Trump đề cập đến tỷ lệ tăng trưởng GDP thấp nhất 30 năm qua của Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Vào sáng thứ Hai, giờ Mỹ, trên tài khoản Twiiter cá nhân, Tổng thống Mỹ đã đề cập đến việc tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế thứ 2 chính là nguyên nhân.

"Tăng trưởng quý II của Trung Quốc là mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn 27 năm qua. Thuế quan của Mỹ đang có ảnh hưởng lớn, khiến các công ty muốn rời Trung Quốc sang các nước không bị áp thuế thuế. Hàng ngàn công ty đang rời đi.

Đây là lý do tại sao Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với Mỹ và ước gì đã không phá vỡ thỏa thuận ban đầu. Trong khi đó, chúng tôi đang nhận được hàng tỷ USD thuế quan từ Trung Quốc, và khả năng là nhiều tiền thuế hơn nữa Những mức thuế này là do Trung Quốc chi trả cho các hành vi phá giá, chứ không phải người nộp thuế Mỹ!", ông Trump viết.

Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng tất cả các mức thuế bổ sung Mỹ áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc phải được loại bỏ nếu như muốn đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột thương mại kéo dài một năm.

Trong khi đó, thỏa thuận đình chiến giữa 2 nhà lãnh đạo tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản chỉ ngừng áp mức thuế 25% thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là Bắc Kinh yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ lập trường rằng một số khoản thuế vẫn được giữ nguyên ngay cả sau khi 2 nước đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, các nhà phân tích cũng bày tỏ thái độ hoài nghi với dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến của Trung Quốc trong tháng 6.

Cụ thể, dữ liệu kinh tế hàng tháng cho thấy, nền kinh tế của Trung Quốc trong tháng 6 tốt hơn dự đoán với việc sản xuất công nghiệp cải thiện 6,3% so với một năm trước đó, bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ cũng tăng 9,8% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 3/2018.

"Những người [tích cực] có thể cho rằng đây là kết quả của sự kiên cường của nền kinh tế Trung Quốc và hiệu quả của các biện pháp nới lỏng của Bắc Kinh. Chúng tôi khuyến nghị nên thận trọng, vì chúng tôi không thấy có tín hiệu mạnh mẽ nào cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã "thoát đáy" vào tháng Sáu. Và, giống như một đợt phục hồi hồi tháng 3, sự phục hồi của dữ liệu chính thức vào tháng 6 có thể không bền vững", các nhà kinh tế học của ngân hàng Nhật Bản Nomura cho hay.

Dựa trên tính toán của Capital Economics từ các mức sản lượng cho các sản phẩm riêng lẻ, Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia cao cấp cho biết tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng năm đã chậm lại trong tháng 6, từ 3,2% xuống còn 2,9%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại