Tàu Apollo 11 lên Mặt Trăng không có toilet, các phi hành gia "giải quyết nỗi buồn" bằng cách nào?

TẤN MINH |

Các phi hành gia NASA phải đi nặng vào túi, sau đó nhào nặn, cuộn chặt và mang về Trái Đất.

Hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin có thể là những người đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng khi tàu Apollo 11 hạ cánh 50 năm trước, cụ thể là ngày 20/7/1969, nhưng họ đã phải từ bỏ một số tiện nghi rất bình thường trên Trái Đất để bước vào hành trình đến Mặt Trăng.

Các kỹ sư NASA có lẽ quá bận bịu nghiên cứu làm sao để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng và quay về, đến nỗi họ chẳng thèm bận tâm thiết kế một cái toilet nào cho các sứ mệnh Mặt Trăng diễn ra trong thập niên 1960 và 1970. 

Trên thực tế, phải đến những năm 1980, toilet đầu tiên mới được lắp đặt trên tàu vũ trụ Mỹ (đã có một cái toilet trên trạm không gian Skylab vào những năm 1970, nhưng nó là một cái ghế vệ sinh trông như một cái lỗ trên tường, và các phi hành gia phải sấy khô chất thải của họ trong một ngăn đặc biệt).

"Đại tiện và tiểu tiện đã luôn là những điều phiền phức trong du hành vũ trụ kể từ những ngày đầu của những chuyến bay có người lái" - một quan chức NASA cho biết.

Trong sứ mệnh Apollo 11, cũng như mọi sứ mệnh Apollo khác, các phi hành gia phải đánh vật với một chiếc túi zip bốc mùi mỗi khi muốn "giải tỏa". Bạn có muốn biết quy trình đó diễn ra như thế nào không?

Chất thải của con người trong không gian được đựng trong một hệ thống túi zip

Để tiểu tiện, các phi hành gia sử dụng một thứ trông như một cái bao cao su vậy (và thay mới mỗi ngày). Thứ này được gắn vào một cái túi với một cái vòi ngắn. Hệ thống này không hề phù hợp với nữ giới, bởi các phi hành gia Apollo lúc này toàn là nam. Vì dùng túi nên việc nước tiểu tràn ra ngoài xảy ra như cơm bữa.

Tàu Apollo 11 lên Mặt Trăng không có toilet, các phi hành gia giải quyết nỗi buồn bằng cách nào? - Ảnh 1.

Thiết bị dùng để giữ nước tiểu, và nó chỉ được thiết kế để nam giới sử dụng

Quy trình xử lý chất thải rắn trong không gian cũng không khá khẩm hơn chút nào.

"Vì không có hệ thống nào cung cấp những giải pháp dễ dàng cho việc loại bỏ chất thải rắn khỏi cơ thể, một hệ thống cực kỳ cơ bản phải được ứng dụng nhằm phục vụ việc thu thập chất thải trong các chuyến bay" - NASA cho biết. "Thiết bị được dùng ở đây là một cái túi nhựa được dán vào mông để... bắt phân".

Tàu Apollo 11 lên Mặt Trăng không có toilet, các phi hành gia giải quyết nỗi buồn bằng cách nào? - Ảnh 2.

Phi hành gia Michael Collins trong chuyến bay Apollo 11

Thiết bị được đặt tên là "túi phân" mà các phi hành gia sử dụng còn đính kèm một khoang chứa giấy vệ sinh, và nó còn có một phần dùng để phủ lên ngón tay, nhờ đó các phi hành gia có thể giữ sạch tay trong khi cố định túi vào mông họ. 

Làm sao để đưa cái túi này vào đúng vị trí bên trong một phần hở nhỏ phía sau bộ trang phục phi hành gia cũng là một điều không hề dễ dàng. Một phi hành gia Apollo từng ước tính rằng toàn bộ quy trình vào trong phòng tắm này khiến họ mất đến khoảng 45 phút.

Và ngay cả khi đã hoàn tất mọi thứ, chiếc túi vệ sinh này cũng không đảm bảo sẽ không bị trào ra ngoài!

Trong sứ mệnh Apollo 10 diễn ra vào tháng 5/1969, phi hành gia Tom Stafford từng gào lên rằng: "Kiếm giúp cái khăn với, lẹ lên. Có cục phân đang trôi trong không trung kìa"...

NASA yêu cầu các phi hành gia phải mang toàn bộ chất thải của họ về Trái Đất để kiểm tra, do đó sau khi các phi hành gia Apollo "giải tỏa nỗi buồn", họ phải niêm kín các túi chứa chất thải và nhào nặn chúng, trộn vào đó một vài chất diệt khuẩn quan trọng để có thể đưa chất thải về Trái Đất an toàn.

Các túi phân nói trên được "cuộn thành các kiện nhỏ nhất có thể" và trữ lại đợi chuyến bay trở về, đúng theo tiêu chí của dân du lịch bụi là "gói đi, gói về". Dù vậy, nhiều báo cho cho thấy "vấn đề mùi hôi vẫn tiếp tục hiện hữu" trong những lần phi hành đoàn Apollo sử dụng phòng tắm.

"Nói chung, hệ thống quản lý chất thải của Apollo hoạt động mỹ mãn xét từ quan điểm của một kỹ sư.  Tuy nhiên, từ quan điểm của phi hành đoàn, hệ thống này xứng đáng nhận điểm kém" - một báo cáo của Apollo kết luận.

Bởi việc "giải tỏa nỗi buồn" trên không gian thực sự rất... tởm, tốn thời gian, và bốc mùi, nên các phi hành gia thường uống thuốc nhuận tràng trước khi khởi hành, và đôi lúc phải dùng các loại thuốc có chức năng làm đường ruột hoạt động chậm lại.

Trên Mặt Trăng, các phi hành gia mang tã không gian

Phi hành gia không thể sử dụng hệ thống túi nói trên để đựng chất thải trong khi đang mang bộ trang phục du hành vũ trụ trên bề mặt Mặt Trăng. Do đó khi các phi hành gia Apollo rời khỏi tàu, họ mang một "hệ thống chứa chất thải" - một cách nói văn vẻ của tã.

Không rõ liệu Aldrin và Armstrong có dùng hết công năng của "hệ thống" đó trong suốt 21 giờ 36 phút làm việc trên Mặt Trăng hay không, nhưng Aldrin khẳng định mình là người đầu tiên từng tè trên một thiên thể ngoài vũ trụ.

"Trên đó cô đơn muốn chết" - ông nói với một đám đông ở Newseum vào dịp kỷ niệm 40 năm lần đầu đặt chân lên Mặt Trăng. "Tôi đã tè trong quần mình đấy".

Tấm bảng mà Aldrin và Armstrong để lại trên Mặt Trăng 50 năm trước ghi rằng: "...nơi đây, những người đến từ Trái Đất đã lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào tháng 7/1969".

Tấm bảng này không nêu rõ rằng cả hai đều đang mang tã khi họ thực hiện bước nhảy đáng nhớ của mình!

Tham khảo: BusinessInsider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại