Giữa chiến tranh thương mại, người Trung Quốc than khổ vì phải tốn nhiều tiền để no bụng

An An |

Người Trung Quốc cho rằng, việc mua trái cây theo cân đã trở thành quá khứ, mà bây giờ mua trái cây phải tính theo quả.

"Hương vị mùa hè chỉ có ví tiền mới biết". Câu nói của cư dân mạng Trung Quốc đang nói về nỗi lo lắng trên bàn ăn của nhiều người dân nước này: Thứ nhất, giá trái cây tươi tăng cao khiến nhiều người ngần ngại; thứ hai, giá cả các loại rau củ và thịt lợn không ngừng tăng, để no bụng người dân phải tốn rất nhiều tiền.

Thậm chí, có cư dân mạng Trung Quốc than thở rằng, bây giờ đừng có nói là thực hiện "tự do cherry", "tự do vải thiều" mà đến cả việc thực hiện "tự do táo" cũng khó.

Hiện nay tại Trung Quốc, sự tăng giá của các loại hoa quả vốn có giá thành rẻ đã thu hút sự chú ý ngày càng nhiều người Trung Quốc.

Vào 5/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổ chức chủ trì hội nghị ban thường vụ Quốc vụ viện, trong đó có thảo luận một nội dung quan trọng liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp.

Hội nghị chỉ rõ, thực hiện tốt công tác sản xuất nông nghiệp, đảo bảo nguồn cung nông sản dồi dào là cơ sở quan trọng để bình ổn giá, ổn định kỳ vọng và đảo bảo cuộc sống của người dân; điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó tình hình phức tạp, thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và duy trì hoạt động kinh tế ổn định hiện nay.

Quốc vụ viện Trung Quốc yêu cầu việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp tươi như trái cây, rau củ nhằm ổn định mức giá.

Không mua nổi trái cây

Giữa chiến tranh thương mại, người Trung Quốc than khổ vì phải tốn nhiều tiền để no bụng - Ảnh 1.

Sự tăng giá của các loại hoa quả vốn có giá thành rẻ đã thu hút sự chú ý ngày càng nhiều người Trung Quốc. Ảnh: Simon Song

Không chỉ các loại "trái cây quý tộc" như cherry, mà giá thành các loại trái cây bình dân như táo, lê cũng rất đắt. Trong một số siêu thị địa phương, táo Fuji Nhật Bản được bán với giá khoảng 40 NDT/kg, các loại trái cây theo mùa như đào, thanh mai cũng có giá hơn 40 NDT/kg. Điều này khiến cư dân mạng Trung Quốc cảm thấy rằng, việc mua trái cây theo cân đã trở thành quá khứ, mà bây giờ mua trái cây phải tính theo quả.

Số liệu thống kê cũng cho thấy giá trái cây đã tăng vọt. Theo Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, trong tháng 5, giá bán buôn trung bình của 6 loại trái cây gồm lê, táo Fuji, nho Kyoho, chuối, dứa và dưa hấu khoảng 15 NDT/kg, tăng 19,4% so với tháng trước và tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Khương Siêu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Công ty chứng khoán Haitong, yếu tố mùa vụ là nguyên nhân nhất định dẫn đến việc tăng giá trái cây bởi tháng 5 là thời kỳ giáp vụ, nguồn cung cấp trái cây khan hiếm nhưng do nhiệt độ tăng cao nên nhu cầu về trái cây của người dân cũng bắt đầu tăng lên. Nguồn cung giảm kết hợp với nhu cầu tăng đã dẫn đến việc tăng giá trái cây trong tháng 5.

Tuy nhiên, giá trái cây trong năm nay tăng quá cao, chủ yếu là do nguồn cung giảm. Ông này chỉ ra, ví dụ như táo, do thời tiết năm ngoái xấu nên sản lượng táo giảm mạnh, dẫn đến sự sụt giảm quy mô dự trữ để tung ra thị trường trong năm nay. Trong trường hợp cung ít hơn cầu, việc giá táo tăng cũng không quá khó hiểu. Ngoài táo, sản lượng các loại trái cây khác cũng bị ảnh hưởng bởi đợt rét mùa xuân - hiện tượng lạnh bất thường trong mùa xuân.

Giá thịt lợn cũng không thấp

Ngoài việc trái cây tăng giá thì giá thịt lợn cũng tăng đáng kể do ảnh hưởng từ các yếu tố như dịch lợn tả châu Phi và "chu kỳ lợn" - là một hiện tượng kinh tế theo vòng tuần hoàn: Giá thịt tăng - Tăng đàn lợn nái - Tăng nguồn cung cấp lợn hơi - Giá thịt lợn giảm - Giảm nguồn lợn nái - Giảm nguồn cung cấp lợn hơi - Tăng giá thịt.

Nhà phân tích Vương Điềm Điềm thuộc Công ty chứng khoán Tebon cho rằng, trong tuần cuối tháng 5, giá thịt lợn ở các khu vực trên toàn Trung Quốc sẽ lần lượt tăng giá, bắt đầu từ khu vực Đông Bắc đến khu vực miền Trung và sau đó lan sang khu vực phía Đông và Quảng Đông.

Giữa chiến tranh thương mại, người Trung Quốc than khổ vì phải tốn nhiều tiền để no bụng - Ảnh 2.

Giá lợn hơi, thịt lợn tăng đáng kể do ảnh hưởng từ các yếu tố như dịch lợn tả châu Phi và "chu kỳ lợn". Ảnh: AP

Bà này dự đoán, do ảnh hưởng của dịch bệnh, "chu kỳ lợn" này sẽ sớm bắt đầu trong bối cảnh giá thành cao, cân bằng thị trường.

Người phát ngôn của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Mạnh Vĩ từng cho biết, do ảnh hưởng chồng chéo của dịch bệnh châu Phí và chu kỳ lợn nên giá lợn hơi và giá thịt lợn có khả năng tăng lên ở mức độ nhất định. Ông này cam kết, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp liên quan để ổn định nguồn cung và giá cả khi cần thiết.

Để đối phó với sự biến động của giá lợn hơi, cuộc họp hôm 5/6 của Quốc vụ viện Trung Quốc cũng chỉ ra, cần phải thực hiện tốt công tác phòng chống, kiểm soát tình hình dịch lợn tả châu Phi và phục hồi chăn nuôi đàn lợn. Đồng thời, Quốc vụ viện yêu cầu tăng cường sản xuất thịt gia cầm, thịt bò, dê nhằm tăng nguồn cung cấp thịt.

Ngoài thịt lợn và trái cây, chỉ số tiêu dùng CPI tháng 4 cũng cho thấy sự tăng giá của các loại rau củ. Trong tháng 4, giá thực phẩm tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó giá rau xanh và thịt lợn đều tăng, đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của CPI so với tháng trước.

Đổng Nhã Tú - Trưởng phòng giá tiêu dùng lưu thông thành phố, thuộc Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết, mức giá của rau củ tươi vẫn ở mức cao, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến CPI tăng 0,43%

Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu thương mại quốc tế, Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc Triệu Bình trả lời phỏng vấn cho biết, Quốc vụ viện từng nhiều lần đề cập và tiến hành nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề biến động giá thành nông sản.

Theo bà này, giá cả và nguồn cung của các loại lương thực, thịt lợn, hoa quả, rau củ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh nên chính phủ đã tăng cường nỗ lực đảm bảo cuộc sống người dân.

Bà Triệu cho hay, giá trái cây hiện nay đã có dấu hiệu giảm. Tháng 6 là mùa cao điểm để đưa ra thị trường nhiều loại trái cây. Ở mức độ nhất định, điều này sẽ làm giảm bớt tình trạng thiếu nguồn cung trái cây rau củ do hiện nhiều nguyên nhân, trong đó có hiện tượng rét mùa xuân gây ra trước đó.

Trong bối cảnh số lượng nguồn cung và các chủng loại gia tăng, trái cây các loại và từ các vùng sản xuất khác nhau có thể thay thế, bổ sung lẫn nhau, điều này có thể giải quyết hiệu quả vấn đề trái cây tăng giá.

Cùng ngày, người đứng đứng đầu Cục xúc tiến tiếp thị và tiêu thụ Bộ thương mại Trung Quốc cũng đã đưa ra "viên thuốc an thần" cho người dân.

Ông này chỉ ra, gần đây, anh đào Sơn Đông, dưa lê Hà Bắc, vải thiều Quảng Đông đều đang có mặt trên thị trường với số lượng lớn, giá trái cây ở nhiều nơi cũng giảm đáng kể.

Ví dụ tại chợ đầu mối Tân Địa Phát Bắc Kinh, ngày 4/6, giá bán buôn của các mặt hàng cherry, dưa hấu Kinh Hân, phi tử tiếu - loại vải ngon nhất của Trung Quốc - có giá lần lượt là 46 NDT, 5,2 NDT, 32 NDT/kg, thấp hơn 48,9%, 46,9%, 42,4% so với đầu tháng 5.

Liên quan đến vấn đề "tự do trái cây" mà người dân Trung Quốc đang thảo luận, bà Triệu Bình cho rằng, ngoài thực tế giá trái cây bình dân thực sự đã tăng giá trong năm nay, một phần lớn lý do xuất phát từ việc người dân nhạy cảm hơn đối với giá trái cây cao cấp và nhập khẩu.

Điều này xuất phát từ sự cải thiện mức sống và mức thu nhập của người dân do đó nhu cầu tiêu thụ trái cây cao cấp tăng cao.

Đáng chú ý, hiện tượng tăng giá thực phẩm tại Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh nước này đang nỗ lực đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ và suy thoái kinh tế. Theo New York Times, các quan chức Trung Quốc tin rằng nguyên nhân thời tiết dẫn đến hiện tượng tăng giá nhưng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc lại cho rằng, hiện tượng này xuất phát từ nguyên nhân lạm phát kinh tế.

"Tự do trái cây" là cụm từ nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc, ý chỉ người tiêu dùng có thu nhập khá có thể thoải mái mua loại trái cây mà bản thân mong muốn.

Cụm từ này xuất phát từ một bài viết "26 tuổi, lương hàng tháng 10.000 NDT, không mua nổi cherry". Với sức lan tỏa của bài viết, "tự do cherry" bắt đầu trở thành cụm từ trào lưu trên mạng xã hội Trung Quốc. Sau đó "tự do vải thiều" cũng nằm trong top tìm kiếm và khi táo, lê, chuối tăng giá, thì "tự do trái cây" ra đời, thể hiện sự tự do tài chính của người tiêu dùng Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại