Nếu Mỹ "sợ", hãy nhớ TQ thảm bại như thế nào trong lần gần nhất dùng "át chủ bài" đất hiếm

Gia Hân |

Trung Quốc đã không giấu giếm khả năng sử dụng quân bài đất hiếm. Tuy nhiên, đây không phải là quân bài dễ chơi và có thể đặt Trung Quốc trước những thách thức không hề nhỏ.

Tối hậu thư của Trung Quốc

Gần đây, các chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc liên tục đăng tải thông tin các biện pháp trả đũa Mỹ trong chiến tranh thương mại. Đáng chú ý nhất là vào ngày 29/5, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng xã luận chỉ rõ Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

Bài báo thậm chí sử dụng một câu cảnh báo rất gay gắt và hiếm gặp rằng "đừng có nói là chúng tôi không cảnh báo trước". Câu này đã từng được Nhân dân Nhật báo sử dụng 2 lần, đó là vào ngày 22/9/1962, khoảng 1 tháng trước khi xảy ra chiến tranh biên giới Trung-Ấn và vào ngày 25/12/1978, khoảng 2 tháng trước khi xảy ra chiến tranh biên giới Trung-Việt.

Tối hậu thư của Bắc Kinh dường như trở nên rõ ràng hơn khi vào ngày 30/5, phát ngôn viên Bộ thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết nước này sẵn sàng cung cấp đất hiếm để phục vụ nhu cầu của các quốc gia khác, nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ nước nào lợi dụng sản phẩm đất hiếm do Trung Quốc sản xuất để quay lại kìm hãm Trung Quốc.

Nếu Mỹ sợ, hãy nhớ TQ thảm bại như thế nào trong lần gần nhất dùng át chủ bài đất hiếm - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình tới thăm cơ sở sản xuất đất hiếm. Ảnh: Xinhua

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã hoàn thành việc đề ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ, một khi có quyết định sẽ lập tức triển khai. Nhiều cơ quan truyền thông sau đó đã gọi đây là "vũ khí tối thượng" của Trung Quốc để trả đũa Mỹ trong chiến tranh thương mại.

Điều này hoàn toàn có lý khi đất hiếm được coi là "vitamin của công nghiệp, còn con số thống kê cho thấy Trung Quốc hiện giữ vị trí thống lĩnh trên trên thị trường đất hiếm khi cung cấp khoảng 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu hằng năm. Trong giai đoạn 2004-2017, Mỹ nhập 80% đất hiếm từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, những gì Nhật Bản trải qua có thể đã giúp Mỹ sớm cảnh tỉnh.

Bài học từ Nhật Bản

Ngày 7/9/2010, tàu Mân Tấn Ngư 5179 của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp. Vụ việc sau đó đã khiến quan hệ Nhật-Trung nguội lạnh nhanh chóng và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc quyết định hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản.

Sau khi bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Nhật Bản một mặt tạm thời sử dụng kho dự trữ dồi dào. Mặt khác, Nhật Bản tích cực tìm kiếm nguồn cung từ Australia, Mỹ,… để phân tán rủi ro.

Tới năm 2015, lượng đất hiếm Nhật Bản nhập khẩu ngoài Trung Quốc đã chiếm hơn 50% tổng lượng nhập khẩu đất hiếm của nước này. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc từ chỗ chiếm 90% tổng lượng nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn 48%.

Bên cạnh đó, sau khi Trung Quốc thực hiện lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm, giá đất hiếm tăng mạnh đã kích thích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng tốc đầu tư nghiên cứu công nghệ tiết kiệm năng lượng, bao gồm nghiên cứu chế tạo sản phẩm thay thế kim loại hiếm, nghiên cứu biện pháp giảm sử dụng cũng như tái sử dụng nguyên tố đất hiếm…

Nhờ những công nghệ mới này, năm 2011, Nhật Bản chỉ nhập khoảng 23.000 tấn đất hiếm, giảm 5.000 tấn so với năm 2010 và năm 2012 lượng đất hiếm mà Nhật Bản nhập khẩu còn thấp hơn, chưa tới 14.000 tấn.

Ngoài ra, nhằm tránh lệ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, Nhật Bản còn tích cực thăm dò tìm kiếm các mỏ đất hiếm mới với hi vọng có thể tự cung tự cấp. Năm 2011, Nhật Bản phát hiện 1 mỏ đất hiếm dưới mặt biển Thái Bình Dương ở 78 vị trí khác nhau, có trữ lượng lên tới 100 tỉ tấn. Mỏ này tập trung trữ lượng đất hiếm rất lớn, chỉ một kilômét vuông cũng có thể cung cấp cho 20% lượng tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm.

Nếu Mỹ sợ, hãy nhớ TQ thảm bại như thế nào trong lần gần nhất dùng át chủ bài đất hiếm - Ảnh 2.

Giáo sư Nhật Bản tại Đại học Tokyo cầm mẫu vật đất hiếm lấy từ độ sâu 4km dưới đáy biển. Ảnh: REUTERS/Yuriko Nakao

Phát hiện nêu trên được cho là đã mang đến cho Nhật Bản một công cụ thay đổi cuộc chơi trong tương lai, thách thức vị thế thống trị hiện giờ của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Trên thực tế từ năm 2012, truyền thông Nhật Bản cơ bản chuyển sang nhận định Trung Quốc đã sai lầm trong việc sử dụng "át chủ bài" đất hiếm để trả đũa nước này.

Đối với Mỹ, Phó Giáo sư chính trị Eugene Gholz thuộc Đại học Notre Dame, nguyên chuyên gia quân nhu của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết năm 2010, ngay sau khi Trung Quốc sử dụng vũ khí đất hiếm đối với Nhật Bản, các nước phương Tây trong đó có Mỹ đã bắt đầu tích trữ chiến lược đất hiếm cũng như các linh kiện sử dụng đất hiếm.

Không chỉ có vậy, năm 2017, Mỹ còn khởi động trở lại mỏ Mountain Pass, mỏ đất hiếm lớn nhất Mỹ. Mỏ này hằng năm xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 50.000 tấn đất hiếm để tinh luyện.

Nhưng sau khi được đầu tư dây chuyền sản xuất mới, theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty khai thác mỏ Mountain Pass, ông James Litinsky, dự kiến từ năm 2020, sẽ không còn phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc tinh luyện đất hiếm nữa.

Để tạo điều kiện cho ngành đất hiếm phát triển, Thượng viện Mỹ cũng thông qua luật ủng hộ và khích lệ về kinh tế đối với hoạt động sản xuất đất hiếm. Nhiều doanh nghiệp xử lý phế liệu của Mỹ cũng tích cực nghiên cứu phát triển công nghệ mới để có thể thu hồi đất hiếm từ các sản phẩm phế liệu với tỉ lệ cao.

Quân bài đất hiếm càng không có cửa để đóng vai trò "con tạo xoay vần" trong chiến tranh thương mại khi mới đất tập đoàn Lynas của Australia - nhà sản xuất đất hiếm lớn duy nhất ngoài Trung Quốc - đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Blue Line ở bang Texas về việc xây dựng nhà máy phân tách đất hiếm ở Mỹ. Liên doanh giữa Lynas và Blue Lines sẽ đảm bảo các công ty Mỹ tiếp tục tiếp cận với những sản phẩm đất hiếm.

Bổn cũ soạn lại và mâu thuẫn nội tại

Năm 2012, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) khởi kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh.

Mỹ, EU và Nhật Bản cho rằng những hạn chế của Trung Quốc đã giúp các công ty trong nước có lợi thế cạnh tranh về những sản phẩm như pin cho xe chạy bằng xăng và điện, tua-bin gió, công nghệ chiếu sáng tiết kiệm năng lượng...

Năm 2013, WTO kết luận lệnh hạn chế đó đã vi phạm các quy định của tổ chức này và khuyến cáo Trung Quốc dỡ bỏ nó. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết kháng cáo.

Theo phán quyết ngày 7/8/2014 của cơ quan phúc thẩm WTO, Trung Quốc đã thua kiện trong đơn kháng cáo về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc không chứng minh được hạn ngạch xuất khẩu mà nước này áp đặt lên đất hiếm là hợp lý. Trung Quốc buộc phải hủy bỏ hạn ngạch xuất khẩu và tuân thủ phán quyết của WTO.

Giờ đây, Trung Quốc dự định hạn chế xuất khẩu đất hiếm để trả đũa Mỹ. Bổn cũ soạn lại không chỉ đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện một lần nữa, mà lần này xem ra còn khó khăn hơn nhiều.

Bởi hiện nay Trung Quốc chủ trương khởi kiện Mỹ lên WTO với lý do các biện pháp trừng phạt thuế quan vi phạm quy định của WTO.

Nếu thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc có thể bị nhìn nhận là "nói một đằng làm một nẻo", rất khó thuyết WTO và dư luận. Đây cũng là nhân tố hết sức bất lợi trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và mong muốn tăng cường quyền lực mềm.

Một vấn đề khác là vào năm 2010, sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm với Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp ngành đất hiếm của Trung Quốc rơi vào cảnh khốn đốn. Nếu như năm 2010, Trung Quốc có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất đất hiếm thì năm 2012 gần 70 doanh nghiệp hoặc là phải giảm sản lượng hoặc phải ngừng sản xuất.

Câu chuyện tương tự có thể xảy ra khi Trung Quốc ra lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề có thể trở nên khó khăn hơn vì hiện nay Trung Quốc đặt nhiệm vụ ổn định việc làm lên hàng đầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại