Nữ "diều hâu" chính quyền Trump sau vụ bắt "cá lớn" Huawei: Luật sư gốc Iran, từng tham gia vụ kiện với VN

Minh Khôi |

Bà Nazak Nikakhtar, luật sư gốc Iran từng tham gia vào vụ kiện các nhà nhập khẩu cá da trơn Việt Nam, đang đứng ở tuyến đầu trong cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh.

Nữ luật sư giám sát vụ "đàn áp" Huawei

Trước khi gia nhập vào đội ngũ chính quyền Tổng thống Trump, một trong những công việc chính của bà Nazak Nikakhtar là đại diện cho các nông dân ngành cá da trơn Mỹ kiện các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Nữ luật sư thương mại và nhà kinh tế trưởng sinh ra tại Iran đã chuyển từ ngành hải sản tương đối nhỏ sang một lĩnh vực rộng hơn trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc. Bà là một trong những "diều hâu" cứng rắn ít được biết đến nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình kinh tế quốc tế của chính quyền.

Bà Nikakhtar là quyền Giám đốc bộ phận công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại và đang chờ được bổ nhiệm trong bối cảnh đơn vị này được chú ý vì những động thái của ông Trump nhằm mở rộng kiểm soát xuất khẩu từ Trung Quốc.

Trong tháng này, ông Trump đã đưa Huawei, "ông lớn" viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen, ngăn các công ty Mỹ giao dịch với Huawei mà không có sự đồng ý của chính phủ và đe dọa sẽ buộc nhiều công ty công nghệ Trung Quốc ​​sẽ phải chịu số phận tương tự.

Mặc dù quyết định được đưa ra bởi Tổng thống Mỹ, bà Nikakhtar là người giám sát việc thực hiện. Những người quen thuộc với quan điểm của bà cho biết, bà không ngần ngại cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ về sự nguy hiểm khi có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc. Và cũng theo nguồn tin của FT, bà ủng hộ việc tách rời hai nền kinh tế hơn là thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, bà ấy là "diều hâu". Bà Nikakhtar cho rằng, khi chuyển các chuỗi cung ứng sang Trung Quốc, các công ty đã ưu tiên lợi ích ngắn hạn hơn lợi ích quốc gia, theo một người quen thuộc với quan điểm của bà.

Đối với một số người, cách tiếp cận này tương đồng với Peter Navarro - giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia và là tác giả của một cuốn sách có tên Death by China (Chết dưới tay Trung Quốc). Những người khác nói rằng chuyên môn trong việc từng làm luật sư của cô gắn kết nhiều hơn với quan điểm của Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, nổi tiếng về sự nghiêm cẩn và chú ý đến chi tiết, bên cạnh một thế giới quan hoài nghi về toàn cầu hóa.

Dù bằng cách nào, bà Nikakhtar, nhanh chóng vươn lên một vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ khiến một số nhà vận động hành lang và các chuyên gia xuất khẩu lo lắng. "Tôi nghĩ rằng sẽ có quan ngại ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của bà Nikakhtar", một cựu quan chức bộ phận thương mại cao cấp nói.

Công ty công nghệ Mỹ cũng e ngại

Một trong những khó khăn khi đánh giá cách tiếp cận của bà Nikakhtar, là bà rất hiếm khi đưa ra các bình luận công khai kể từ khi gia nhập chính quyền Trump. Bà Nikakhtar từ chối yêu cầu phỏng vấn.

Tuy nhiên, một số ý kiến ​​của cô đã được đưa ra khi điều trần trước Quốc hội vào cuối năm 2017. Thời điểm đó, bà phàn nàn rằng các cam kết thương mại tự do của Washington không phải lúc nào cũng công bằng và có lợi, phần nào phản ánh quan điểm của Tổng thống Mỹ.

"Tôi đã chứng kiến ngành công nghiệp Mỹ chật vật để sống sót. . . Các ngành công nghiệp của chúng ta đang bị xói mòn, sản lượng của chúng ta đang suy giảm và những người Mỹ chăm chỉ, ưu tú đã mất việc vì các đối tác thương mại của chúng ta không cạnh tranh công bằng", bà nói.

Nikakhtar cho biết mình di cư từ Iran đến Mỹ năm 1979 khi mới chỉ 6 tuổi và bà biết rằng bà muốn trở thành một phần của sự phát triển công nghiệp Mỹ.

Alan Price, công ty luật Wiley Rein, cho biết bà Nikakhtar là thành viên trong liên minh các luật sư Mỹ và châu Âu năm 2015 - 2016 và đã nỗ lực thuyết phục EU không cấp xác nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.

Vị trí đầu tiên bà Nikakhtar làm việc cho ông Trump - dưới thời Bộ trưởng thương mại và nhà đầu tư ngành thép Wilbur Ross và có vai trò quan trọng trong việc thảo một báo cáo bí mật gửi cho ông Trump vào tháng 2, cho rằng nhập khẩu ô tô là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, tạo cơ sở pháp lý cho Mỹ áp thuế đối với các đồng minh bao gồm EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong thời gian hành nghề luật sư, khách hàng của cô bao gồm, những nông dân Mỹ nuôi cá da trơn, các công ty nước ngoài như Samsung Electronics và Hyundai Steel. Bà cũng từng đại diện cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong một vụ kiện với các công ty thép của Mỹ.

Một quan chức của bộ thương mại cho biết bà Nikakhtar lo lắng về hành vi gây thiệt hại của Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào khác có mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Với bà Nazak Nikakhtar sự đi đầu trong công nghệ đồng nghĩa với an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ Mỹ e ngại, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt có thể khiến họ mất hàng tỷ doanh số cho thị trường Trung Quốc, và những kiểm soát như vậy có thể cản trở sự đổi mới của Mỹ trong thời gian dài bằng cách cắt đứt quyền tiếp cận nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại