Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm "lột xác" của TQ

Tất Đạt |

Trong 7 thập kỷ từ khi thành lập, "nước Trung Quốc mới" đã thay đổi chóng mặt, tới mức mỗi thế hệ ở quốc gia này dường như sống trong một đất nước hoàn toàn khác biệt.

Năm 2019 đánh dấu kỉ niệm 70 năm từ khi lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đứng trên Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949).

Đối với thế giới bên ngoài, sự lột xác của Trung Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới thật sự là một điều kì tích.

"Nếu nghĩ về vị thế của Trung Quốc 70 năm trước đây - một quốc gia trải qua 2 cuộc chiến tranh đau thương và chịu nhiều thiệt hại nặng nề - thì ý tưởng rằng trong 70 năm Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và một trong những cường quốc có ảnh hưởng trên toàn cầu là điều tưởng chừng rất viển vông," Rana Mitter, giáo sư về lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, nhận định.

Nhưng đối với những người đã sống trong những năm tháng ấy, sự thay đổi đã diễn ra với một tốc độ chóng mặt. Gần như không có quốc gia nào trên thế giới trải qua những biến động đột ngột như Trung Quốc - tới mức độ mà mỗi thế hệ tại đây dường như sống trong một quốc gia hoàn toàn khác biệt.

Những người Trung Quốc lớn lên trong những ngày đầu thành lập đất nước vẫn nhớ về tem phiếu, nạn đói hoành hành, những biến động chính trị như Cách mạng Văn hóa đã khiến đất nước trở nên bất ổn trong giai đoạn những năm 1966 tới 1976, để lại hậu quả không nhỏ cho tới tận ngày nay.

Trong khi đó, những người sinh ra từ thập niên 1980 lại nhớ về một thời kì lạc quan và mở cửa, với niềm tin ngày càng vững chắc rằng cải cách kinh tế có thể song hành với cải cách chính trị, đồng thời cởi mở cả hệ thống kinh tế và chính trị.

Một thập kỉ sau, các lãnh đạo Trung Quốc quyết định theo đuổi mở cửa kinh tế quyết liệt hơn, mở cửa thị trường chứng khoán, cải cách công ty nhà nước, khuyến khích xuất nhập khẩu và tất cả những gì có thể để tạo nên "nền kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa".

Kết quả là, thế hệ Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000 - ở Trung Quốc đã trưởng thành trong giàu có khi quốc gia này trở thành công xưởng của thế giới.

"Đây không chỉ là cách biệt về thế hệ, đây là 'thung lũng giữa các thế hệ'," Maura Cunningham, sử gia chuyên nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại, tiết lộ.

Năm 1949 tới giữa những năm 1960: "Không thể có hỗn loạn"

Zhang Xizhen mới chỉ 4 tuổi khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến vào Bắc Kinh vào ngày 31/4/1949. Sau 40 ngày, quân đội của Quốc Dân đảng đầu hàng, và những diễn biến sau đó đã mau chóng đem tới sự kết thúc cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 thập kỉ.

Cha của Zhang, một trung úy trong quân đội Quốc Dân đảng, là một trong những người đã chấp nhận đầu hàng tại Bắc Kinh.

Sau nội chiến, mọi thứ đều thay đổi đột ngột. Cả gia đình, bao gồm Zhang và 5 anh chị em ruột, rời khỏi căn nhà rộng rãi - với phòng khách và nhà vệ sinh hiện đại - và chuyển vào một căn nhà chỉ có 2 phòng ở những con hẻm hutong của Bắc Kinh (Hutong là những con hẻm nhỏ được xây theo cấu trúc dọc ngang như bàn cờ, là nét độc đáo trong văn hóa, lịch sử của Trung Quốc - ND)

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 2.

Bà Zhang Xizhen tại nhà riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: Emmanuel Wong

Nhờ có công giúp đỡ những cán bộ của đảng Cộng sản, cha của bà Zhang được cấp một giấy chứng nhận thành tích có chữ kí của Mao Trạch Đông. Mẹ của Zhang gói tài liệu này trong giấy dầu và cất giấu kĩ trong nhà vệ sinh, phòng trường hợp những người thuộc Quốc Dân đảng tới lục soát nhà.

Cha của Zhang sau đó cũng kiếm được việc làm. Mặc dù chưa bao giờ được chính thức kết nạp vào đảng, nhưng ông cũng nuôi được cả nhà với tiền lương 80 NDT mỗi tháng.

Đối với Zhang, lúc này vẫn còn học tiểu học, thập niên 1950 là thời kì khá đơn giản. Cải cách kinh tế và bình đẳng hóa các tầng lớp xã hội đồng nghĩa với việc không ai có nhiều của cải hơn người khác.

"Chúng tôi hạnh phúc khi có quần áo mới vào dịp tết. Các bạn học và tôi đều vui miễn là có đồ ăn và được đi học".

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 3.

Bà Zhang (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng gia đình vào năm 1949. Ảnh: Guardian

Nhưng tới đầu những năm 1960, khi Zhang lớn hơn một chút, gia đình bà là một trong hàng triệu những hộ gia đình khác trên khắp đất nước thiếu thốn và không có đủ lương thực.

Điều này xảy ra bởi chương trình "Đại Nhảy Vọt" - một kế hoạch công nghiệp hóa phi thực tế để thúc đẩy Trung Quốc vượt qua nước Anh về mặt sản xuất hàng hóa trong vòng 15 năm.

Chương trình này đã làm hỗn loạn trật tự kinh tế quốc dân của Trung Quốc, lãng phí lượng lớn nhân lực vật lực, gây ra mất cân bằng nghiêm trọng trong cơ cấu kinh tế, khiến xã hội Trung Quốc gánh chịu tổn thất nghiêm trọng.

Là một ca sĩ, Zhang đã tham gia đội múa kịch của nhà nước và nhận được nhiều phần thực phẩm hơn những người dân thường một chút. Cứ tới cuối tuần, bà lại đem tất cả về nhà đưa mẹ.

"Mẹ tôi cân thức ăn trước mỗi bữa. Bà ấy lên kế hoạch để đảm bảo thức ăn sẽ đủ cho cả nhà ăn tới cuối tháng," bà Zhang nhớ lại. Thỉnh thoảng gia đình bà Zhang còn xay lõi bắp ngô, thêm một ít đậu phụ và làm thành bánh. "Chúng tôi ăn mọi thứ có thể ăn được," bà Zhang nói.

Mẹ của bà Zhang ăn ít hơn để các con có thêm nhiều đồ ăn. Chân của bà bị phù vì suy dinh dưỡng.

Tình cảnh này khá phổ biến ở khắp Bắc Kinh và tồi tệ hơn ở những vùng nông thôn.

Sau "ba năm khó khăn" là thời kì Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đầy biến động. Cha của Zhang bị bắt giữ và buộc phải lao động khổ cực mặc dù ông có bằng khen với chữ kí của Mao. Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc với việc "Bè lũ 4 tên" bị thanh trừng, tình hình mới bắt đầu ổn định và Zhang đi công diễn khắp thế giới với đội ca múa kịch của chính phủ, biểu diễn ở Jamaica, Mexico và nhiều vùng ở Trung Quốc.

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 4.

Ảnh chụp bà Zhang vào năm 1968. Ảnh: Guardian

Ngày nay, bà Zhang sống trong một căn hộ ở phía đông thành phố cùng chồng, dành các buổi chiều chơi bida. Ngày cuối tuần, bà chăm sóc cháu trai của mình.

"Tôi thực sự không biết có thể có gì tốt hơn không, nhưng hiện tại mọi thứ đã ổn định. Không thể nào có hỗn loạn nữa. Chúng tôi đã trải qua những thời kì biến động và đủ mọi loại phong trào. Chúng tôi chỉ muốn ổn định."

Cách mạng Văn hóa - Năm 1966-1976: "Nhiều điều rất nực cười, thậm chí vô lí, phi lí"

Mùa hè năm 1966, khi Zhu Xindi chuẩn bị thi đại học ở Côn Minh, cuộc Cách mạng Văn hóa bỗng nhiên "từ trên trời rơi xuống". Các cuộc thi cử bị hủy bỏ, đại học và trường học đồng loạt đóng cửa. Zhu - vốn là học sinh giỏi của lớp và có nguyện vọng lấy một tấm bằng kĩ sư - buộc phải tới vùng nông thôn để xây dựng "một thế giới mới tươi sáng". Rất nhiều các bạn học của cô cũng phải tham gia.

Cách mạng Văn hóa, một thập kỉ rối ren về chính trị và xã hội, là một trong những sự kiện khó hiểu nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc.

Thậm chí 2 thập kỉ sau đó, Zhu vẫn không hiểu được. Còn vào thời điểm đó, cô Zhu đã dành một năm sinh sống và làm nông cùng người dân tộc thiểu số ở một ngôi làng thuộc tỉnh Vân Nam, gần biên giới Trung Quốc - Myanmar.

Cô thức dậy trước khi mặt trời mọc, làm nông cả ngày. Hầu hết những người bạn cùng trang lứa mà cô gặp chưa bao giờ làm nông. Tinh thần cải cách đất nước cũng dần tiêu tan.

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 5.

Zhu Xindi được cử tới vùng nông thôn trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Ảnh: Guardian

"Mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang cống hiến đặc biệt cho đất nước, rằng chúng tôi đang đi tới nơi đất nước cần chúng tôi nhất và xây dựng vùng nông thôn Xã hội chủ nghĩa mới. Nhưng khi thực sự tới đây, mọi chuyện lại không như vậy. Chúng tôi muốn rời đi, nhưng chúng tôi không được lựa chọn," cô Zhu kể lại.

Cuối cùng cô Zhu cũng rời khỏi vùng này, đi bộ tới Myanmar với hi vọng có tương lai mới. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như cô mong đợi. Trong ba năm tiếp theo, cô đi khắp Vân Nam, không đủ ăn, bị ốm nặng và gần như bị mù một mắt.

Gia đình của Zhu chịu không ít thiệt thòi. Lực lượng Hồng Vệ binh đánh em gái của cô và buộc cô bé phải cạo đầu. Zhu và gia đình còn phải tìm cách chụp ảnh cả nhà để đề phòng trường hợp bị chia ly.

Hôm đó, mỗi người trong nhà lần lượt rời khỏi nhà trong im lặng để hàng xóm không nghi ngờ. Họ hẹn gặp nhau ở cửa hàng chụp ảnh. Mẹ của Zhu đưa mỗi người một tấm ảnh chụp chung và dặn: "Trong trường hợp cả nhà lạc mất nhau, có thể tìm những người còn lại dễ dàng hơn bằng bức ảnh này".

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 6.

Zhu Xindi cùng các bạn học. Ảnh: Guardian

Sau Cách mạng Văn hóa, các trường học được mở lại, Zhu cuối cùng cũng có thể thi đại học.

Cô thi đỗ và học đại học vào năm 30 tuổi, theo đuổi ngành y và trở thành bác sĩ nha khoa. Trong 10 năm trở lại đây, bà Zhu nghỉ hưu và sống tại Hàng Châu.

Bà không tức giận về những năm tháng tuổi trẻ đã bị tước mất.

"Thời kì đó rất khó khăn và mỗi ngày tôi đều không biết liệu có sống được tới ngày mai không. Khi nhìn lại, có thể nói rằng nhiều thứ rất nực cười, thậm chí vô lí và phi lí."

"Với thế hệ bây giờ, họ có nhiều lựa chọn, và khi có quá nhiều lựa chọn đặt ra trước mắt, các bạn trẻ cảm thấy choáng ngợp và không biết phải chọn gì. Nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi chẳng có lựa chọn nào cả. Cả cuộc đời tôi không có lựa chọn. Tôi chỉ có thể làm điều tốt nhất có thể," bà Zhu nói.

Cải cách và mở cửa năm 1977 - thập niên 1980: "Từng bước một"

Chong Li, sinh ra và lớn lên ở Bắc Kinh, là một người thức thời trong thời kì kinh tế thị trường. Ở tuổi 19, cậu thanh niên mượn dụng cụ từ bạn học, mở một tiệm nhỏ và bắt đầu sửa xe đạp để kiếm tiền. Đây là thời điểm 1 năm trước khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cuộc cải cách vào năm 1978 và thay đổi hoàn toàn nền kinh tế.

Những người hàng xóm của Chong bị sốc trước hành động của cậu. Cuộc Cách mạng Văn hóa - thời những người có ý định kinh doanh tư nhân bị trừng phạt nặng nề - mới chỉ kết thúc được vài năm trước. Chong vẫn nhớ một người thân bị bắt giữ chỉ vì mua một túi lạc ở trạm ga.

"Tất cả các doanh nghiệp và cửa hàng tư nhân bị buộc dừng hoạt động, vậy nên mọi người lo ngại chuyện đó sẽ lặp lại," Chong kể về thời kì trước những năm 1980.

"Tôi cũng đấu tranh tư tưởng dữ dội. Nhưng kể cả mọi chuyện có thật hay không, tôi cũng chẳng nghĩ nhiều được. Tôi đi từng bước một để xem đi được tới đâu. Ông Đặng còn từng nói: 'Đi qua dòng sông bằng cách cảm nhận những viên đá dưới chân'".

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 7.

Lễ khai trương cửa hiệu sửa xe của Chong Li. Ảnh: Guardian

Chong không có nhiều lựa chọn. Là anh cả trong gia đình 4 anh em, Chong phải làm điều gì đó để hỗ trợ gia đình. Bị chứng bệnh bẩm sinh, Chong không thể đi lại bình thường và không thể làm được những việc nặng.

Trong khi đó, cả thành phố bắt đầu thay đổi. Những người trẻ đi công tác ở vùng nông thôn trong Cách mạng Văn hóa bắt đầu trở lại thành phố và tìm việc làm, đặt nặng áp lực đối với các quan chức chính phủ trong việc tạo công ăn việc làm cho thế hệ này. Nhiều người nghỉ việc và tự kinh doanh riêng. Năm 1985, một người có thể tự kiếm được 400 NDT mỗi tháng nhờ kinh doanh trong khi nhân viên chính phủ chỉ kiếm được 50 NDT.

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 8.

Ông Chongli tại cửa hàng nhỏ ở Bắc Kinh. Ảnh: Emmanuel Wong

Mọi người bắt đầu mở nhà hàng và những người khởi nghiệp như Chong sửa nhiều thứ khác ngoài xe đạp. Các hộ gia đình cần người sửa máy đánh chữ, radio, tivi và tủ lạnh.

Mặc dù sự thay đổi diễn ra mạnh mẽ, khu hẻm hutong của Chong vẫn yên tĩnh và có ít cửa hiệu. Mọi người sáng đi làm, tối về nhà như thường ngày. "Mọi người đều rất nồng hậu, chan hòa, chân thành và không ích kỉ. Đây là điều khiến tôi ấn tượng nhất và trở thành tiêu chuẩn của riêng tôi".

Chong vẫn cố gắng thực hiện đúng như lời mình nói. Khoảng 10 năm trước đây, ông đã ngừng sửa xe vì vết thương ở tay. Hiện tại, ông mở một cửa hàng nhỏ bán cá vàng và chim cảnh. Ông không kiếm được nhiều tiền và dành hầu hết thời gian hút thuốc, vẽ và nói chuyện cùng bạn bè và hàng xóm.

"Ngày nay có quá nhiều cách để đi lại - ví dụ như xe đạp công cộng, ứng dụng đặt xe taxi. Trước đó, không có thứ gì như vậy cả. Mọi người đều phải đi bộ. Những ai mà có xe đạp ở nhà được coi là nhà giàu," ông Chong ngậm ngùi.

Năm 1989 - những năm 1990: "Hạt giống nảy mầm"

Đối với Duan Peng, cư dân ở Thành Đô, một trong những điều khiến ông nhớ nhất là những sự kiện vào mùa xuân năm 1989.

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo thuật lại, dưới ảnh hưởng của những tư tưởng tư bản chủ nghĩa, các phần tử tự do hóa đã tuyên truyền tư tưởng dân chủ tự do tư bản, tiến hành các hoạt động chống lại đảng và Xã hội chủ nghĩa. Vào đầu tháng 4/1989, một số học sinh sinh viên ở Bắc Kinh mở ra hàng loạt hoạt động nhằm vào những vấn đề xã hội tồn động. Khi cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời ngày 15/4, một nhóm nhỏ phần tử tự do hóa đã lợi dụng hoạt động tưởng niệm lãnh đạo để diễu hành gây hỗn loạn trên các đường phố, xuất hiện ở cả các thành phố khác như Tây An, Trường Sa,... diễn biến thành động loạn.

Trung ương đảng, Chính phủ, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp cứng rắn để dập tắt bạo loạn. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh giá vụ "sóng gió chính trị" 1989 là sự kiện phá hoại trật tự xã hội nước này, làm đảo loạn tiến trình xây dựng kinh tế, gây tổn thất lớn cho đảng và đất nước.

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 9.

Ông Duan Peng tại căn nhà ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Sau khi các cuộc biểu tình kết thúc, Duan hoàn thành chương trình đào tạo ở trường nghề và trở thành một kiến trúc sư. Vào thời gian này, Trung Quốc trải qua một thời kì bùng nổ về kinh tế. Duan tới Thâm Quyến sinh sống và làm việc.

Ngày nay, ông Duan sinh sống ở một căn hộ ở tầng 14, khác xa so với căn nhà thời thơ ấu ở Thành Đô - nơi xung quanh chỉ là cánh đồng, không có tòa nhà cao tầng nào trong tầm mắt. Sự thay đổi diễn ra quá nhanh đối với ông.

"Thế hệ của tôi, là thế hệ đã sống qua những thời kì nông nghiệp, công nghiệp và bây giờ là thời đại của internet," ông Duan nói.

Khi nghĩ về tương lai của Trung Quốc, ông Duan nhớ lại về những cuộc biểu tình ông đã chứng kiến hồi năm 1989. "Khi nhìn lại, rõ ràng nó có những hiệu ứng lâu dài. Giống như một hạt giống không ngừng nảy mầm vậy".

"Những năm 1980 là thời kì phục hưng của Trung Quốc. Bây giờ, chúng tôi đang ở thời chuyển đổi. Điều người Trung Quốc cần là chờ đợi để hạt giống nảy mầm. Hạt giống tự do cần đất đai và khí hậu phù hợp để có thể sinh trưởng và phát triển," ông nói.

Từ thập niên 2000: "Họ không muốn giải quyết vấn đề"

Xiao Chen, một sinh viên tại Đại học Bắc Kinh, đại diện cho những nền tảng lí tưởng mà Trung Quốc được thành lập 70 năm trước. Là con trai của những người lao động nghèo ở vùng nông thông, mục tiêu chính của Xiao Chen là cống hiến cho đất nước.

Cậu đã chứng kiến sự đói nghèo ở ngôi làng của mình, nơi chẳng có gì nhiều để làm ngoài uống rượu và đánh bạc. Một số người bị lừa đảo bởi những kẻ gian thương. Những người trẻ buộc phải nắm lấy cơ hội hiếm hoi để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn. Chen cố gắng học tập để đỗ một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước.

"Khi tôi chứng kiến sự đau khổ của những người xung quanh và gia đình, tôi mong muốn thay đổi hiện thực đó. Tôi nghĩ muốn hoàn thiện bản thân, đóng góp cho đất nước, phục vụ tổ quốc và người dân".

Đói nghèo, sóng gió chính trị và nỗi sợ kinh tế tư nhân: Ám ảnh u tối trong 70 năm lột xác của TQ - Ảnh 10.

Một trong những tòa nhà của Đại học Bắc Kinh. Ảnh: Sanga Park/Alamy Stock Photo

Tuy nhiên cuộc sống ở thủ đô dường như không có màu hồng như Chen mong đợi. Nhiều người không được đảm bảo điều kiện lao động, mức lương cơ bản, lương ngoài giờ, bảo hiểm và những chi phí tối thiểu khác. 

Trong nỗ lực thể hiện sự phản đối và lên tiếng vì quyền của người lao động, Chen và các bạn học bị cán bộ trong trường và cảnh sát theo dõi. Nhiều sinh viên bị bắt giữa ban ngày. Tất cả những sinh viên trong hội bị quản lí chặt chẽ.

Chen không thể rời khỏi kí túc khi không xin phép. Cậu không liên lạc được với người thân ở quê. Những người giám sát luôn đứng cách Chen ít nhất 10 mét, ghi hình Chen bằng camera, thậm chí khi cậu ăn ở căng tin trường. Nếu Chen sử dụng điện thoại, cậu sẽ ngay lập tức bị hội đồng an ninh gọi điện hoặc nhắn tin để kiểm tra.

"Họ không muốn giải quyết các vấn đề. Họ muốn giải quyết những người phản ánh vấn đề," Chen nói.

Chen nghĩ rằng nhiều người trẻ khác cũng đồng tình với quan điểm của mình.

"Những gì chúng tôi chứng kiến ở thời kì này là một xã hội Trung Quốc phân hóa. Khi chúng tôi còn nhỏ, vùng nông thôn hầu như không phát triển mấy, trong khi các thành phố lớn tăng trưởng với tốc độ chóng mặt".

"Tôi tin rằng tương lai phải thuộc về tầng lớp lao động Trung Quốc và những người trẻ tuổi cấp tiến. Họ sẽ đem lại nhiều điều hơn cho đất nước này," Chen khẳng định.

Trường hợp của Chen chỉ là một phần trong những câu chuyện về sự thay đổi lớn ở Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, chương trình "chấm điểm công dân" của chính quyền Bắc Kinh đã gây ra vô số những tranh cãi tại đất nước và trên thế giới.

Theo Business Insider, chương trình nói trên sẽ áp dụng trên toàn Trung Quốc trong năm 2020, và là bắt buộc với toàn bộ công dân. Cũng như toàn bộ các loại điểm khác, điểm của công dân có thể tăng hoặc giảm. Công thức tính điểm hiện tại vẫn là bí mật, nhưng có một số hành vi nhất định sẽ làm giảm điểm, ví dụ như vi phạm luật giao thông, hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc, mua quá nhiều trò chơi điện tử, trốn vé tàu xe hoặc đăng nội dung giả mạo lên mạng.

Những "hình phạt" cũng bắt đầu được áp dụng, và khiến không ít người phải đau đầu, phiền não. Cụ thể, Channel News Asia dẫn nguồn tin chính phủ Trung Quốc cho biết, 9 triệu người có điểm công dân thấp đã bị cấm mua vé máy bay nội địa, 3 triệu người bị cấm mua vé tàu hạng thương gia.

Ngoài ra, những người có điểm thấp sẽ bị hạn chế lưu lượng sử dụng mạng, không được học ở các trường tốt, không được làm việc công chức nhà nước, không được ở khách sạn hạng sang, thậm chí bị tước quyền nuôi chó, bị nêu đích danh trước công chúng và tên bị liệt vào "danh sách đen" trên trang web công khai của chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại