Làm việc kiểu ‘996’, nhân viên Trung Quốc kiệt sức, trầm cảm hàng loạt

Hoàng Trang |

Wang Shichang làm việc 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày trong tuần. Anh kỹ sư công nghệ mới kết hôn này bận rộn đến nỗi không có thời gian dành cho vợ.

Mới 28 tuổi nhưng dường như người Wang luôn cạn kiệt năng lượng. Mắt anh mỏi và cay xè. Anh cho biết đã tăng 9kg kể từ ngày làm lập trình viên cách đây 4 năm. “Thậm chí leo 4 tầng nhà cũng khiến tôi thở không ra hơi”, nam thanh niên chia sẻ.

Wang tin rằng tình trạng suy nhược cơ thể của anh là do làm việc theo chế độ “996” – thời gian làm việc mệt nhoài kéo dài từ "9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần" – đã trở thành xu thế phổ biến tại rất nhiều công ty khởi nghiệp và công nghệ ở Trung Quốc.

Làm việc kiểu ‘996’, nhân viên Trung Quốc kiệt sức, trầm cảm hàng loạt - Ảnh 1.

Văn hóa làm việc "996" trang trở thành trào lưu ở Trung Quốc, song vắt kiệt sức lực của giới trẻ. Ảnh: CNN

Theo hãng tin CNN (Mỹ), chủ đề này đã gây ra một cuộc luận chiến sôi nổi trên mạng xã hội, với việc nhiều “ông trùm” công nghệ và doanh nhân cân nhắc về giá trị của lịch làm việc dài và căng thẳng.

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và là một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, đã hứng chịu “gạch đá” vào đầu năm nay sau khi ông tán thành chủ trương làm việc nhiều giờ cũng như ví nó là một “điều hạnh phúc".

Wang Shichang không đồng ý với tỷ phú Jack Ma và anh ta cũng không phải là người duy nhất phản đối khung giờ làm việc căng thẳng. Rất nhiều người đã lên tiếng phàn nàn trên diễn đàn trực tuyến Github nổi tiếng trong giới công nghệ.

Họ cũng chia sẻ những hình ảnh “chế” để phản đối công thức làm việc “996”. Ngoài sự hài hước, Wang và các nhân viên hay chuyên gia công nghệ đều khẳng định làm việc quá nhiều dẫn đến sự sụt giảm về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Không thời gian giải trí

Hàng thập kỷ nay, tình trạng làm ngoài giờ kéo dài và quá mức chịu đựng thường xuyên xảy ra trong nền công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc. Hiện tại, văn hóa làm việc thêm giờ đã lan rộng khắp các công sở và doanh nghiệp tại quốc gia dân nhất thế giới này.

Khảo sát do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Thống kê Quốc gia tiến hành năm 2018 cho thấy, trung bình người dân nước này chỉ có 2,27 giờ rảnh rỗi mỗi ngày – chưa bằng một nửa so với người dân ở Mỹ, Đức và Anh.

Làm việc kiểu ‘996’, nhân viên Trung Quốc kiệt sức, trầm cảm hàng loạt - Ảnh 2.

Hình ảnh phản đối chế độ làm việc "996" được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, ngụ ý làm việc nhiều giờ cuối cùng cũng khiến bạn phải nhập viện. Ảnh: CNN

Hay như một cuộc điều tra về sức khỏe tinh thần do chính phủ tiến hành năm ngoái, một nửa trong số 403 nhân viên công nghệ tham gia khảo sát cho biết họ bị mệt mỏi. Một số khác phản ánh vấn đề về thị lực, trí nhớ kém và đau cột sống, đau cổ.

Zhu, một lập trình viên 25 tuổi ở Thượng Hải, nói rằng đa số đồng nghiệp công ty của anh đều bị “chứng lưng phẳng” – một rối loạn khiến cột sống mất đường cong tự nhiên ở phần thắt lưng – do ngồi sai tư thế gây ra. Thanh niên trẻ này cho rằng gần như không thể duy trì tư thế đúng khi phải ngồi làm việc suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Wang tâm sự tinh thần anh cũng bị ảnh hưởng: “Áp lực nơi công sở khiến bệnh trầm cảm của tôi thêm tồi tệ. Tôi đã phải điều trị”. Bác sĩ khuyên nhủ anh chế ngự áp lực công việc tốt hơn và ngủ nhiều hơn. Tuy nhiên, Wang thấy không dễ để đạt được điều này.

“Tôi và vợ thi thoảng cắt ngắn giờ ngủ để làm việc chúng tôi ưa thích. Tôi có thể ngủ bù vào cuối tuần, song tôi lại đặt đồng hồ báo thức và dành thời gian để xem phim hoặc đi nghe nhạc”, nam thanh niên vừa lập gia đình nói.

Twenty Wu - kỹ sư phát triển phần mềm cho một trang thương mại điện tử ở Trung Quốc - cho biết cậu cũng gặp phải thử thách tương tự - vừa muốn thực hiện các hoạt động ưa thích vừa muốn ngủ bù. Chàng trai 23 tuổi bộc bạch: “Tôi về nhà vào khoảng 23 giờ đêm những ngày trong tuần và đi thẳng lên giường, không còn sức lực, thời gian để giải trí hay học thêm”.

Tất nhiên, làm việc quá sức không phải vấn nạn riêng ở Trung Quốc. Hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chịu chung nếp văn hóa làm việc suốt nhiều giờ. Thuật ngữ “karoshi” và “gwarosa” trong tiếng Nhật Bản và Hàn Quốc đều ám chỉ cái chết vì áp lực công việc.

Ở Mỹ cũng tồn tại phong cách làm việc vắt kiệt sức lực như kiểu “996”, đặc biệt tại Thung lũng Silicon. Tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập hãng xe điện Tesla, cho biết ông làm việc từ 80 – 90 giờ mỗi tuần. Ông tuyên bố: “Không ai có thể thay đổi thế giới mà chỉ làm việc 40 giờ/tuần”.

Nhàm chán và lặp đi lặp lại

Theo ông Xiang Yuanzhi, Tổng biên tập tạp chí Internet Economy, một lý do khiến thế hệ nhân viên công nghệ trẻ hiện nay cảm thấy họ bị đối xử không công bằng chính là sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế. Nhiều người học rộng tài cao song nhận thấy công việc và mức lương trong ngành công nghệ không được như họ mong đợi. Ông Xiang cho rằng khác với những nghề chuyên môn cao khác, chẳng hạn như bác sĩ và nhà khoa học, lập trình viên không nhận được vị thế xã hội và sự kính trọng tương xứng, càng làm họ mất đi sự thỏa mãn.

Công việc của họ đa phần nhàm chán và lặp đi lặp lại, chỉ tập trung vào vài phần nhỏ trong thế giới mã code khổng lồ. Thật khó để đạt được cảm giác thỏa mãn hay hài lòng. “Nói thẳng thừng, lập trình viên cơ bản không khác biệt gì so với công nhân dây chuyền lắp ráp”, kỹ sư công nghệ Wang Shichang nói thêm, “Giới viết mã code trẻ tuổi ở Trung Quốc lớn lên với cuộc sống đủ đầy hơn. Họ đòi hỏi nhiều tự do và theo đuổi nhu cầu cá nhân hơn”.

Sức tàn lực kiệt

Trong số 40 nhân viên trong ngành công nghệ ở Trung Quốc mà CNN liên hệ phỏng vấn, vài người cho biết họ đã tìm kiếm tư vấn viên hoặc dịch vụ hỗ trợ nhân viên – điều mà không phải công ty công nghệ Trung Quốc nào cũng cung cấp.

Enoch Li, người điều hành trung tâm tư vấn tâm lý cho các công ty ở Trung Quốc cho biết theo kinh nghiệm của bà, sức khỏe tinh thần của nhân viên ở mức thấp đang nằm trong danh sách những vấn đề mà các công ty công nghệ của Trung Quốc phải lo lắng. “Đôi khi họ chỉ đơn thuần không có ngân sách cho việc này”, bà Li nói.

Thậm chí đối với những tập đoàn Trung Quốc có chương trình hỗ trợ tâm lý cho nhân viên, nhiều khả năng họ chỉ có một đường dây nóng hỗ trợ tâm tư nguyện vọng một chiều, đơn giản lắng nghe chứ không thể giải quyết.

Bà Li đánh giá những doanh nghiệp Trung Quốc luôn cường điệu "khả năng kiên cường cảm xúc" hoặc "tính kiên trì", song lại không thể chỉ dẫn nhân khi nào nên trút bỏ vẻ mặt dũng cảm này hay cho nhân viên biết khi nào nên từ bỏ công việc thể hiện một bộ mặt dũng cảm. Cốt lõi của các bệnh tinh thần trong lực lượng lao động ở Trung Quốc chính là việc nhiều công nhân không bày tỏ cảm xúc thực của họ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Wang không được may mắn như vậy. Không công ty nào trong 5 công ty anh từng làm có hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần. Anh tự chẩn đoán bệnh của mình bằng cách xem trên Youtube và đọc báo mạng. Thanh niên 28 tuổi này vẫn đang phải chiến đấu với chứng trầm cảm. Anh đã đi gặp nhà trị liệu, uống thuốc và nghe nhạc, nhưng khung giờ làm việc dài đằng đẵng của anh thì không thể thay đổi.

Link bài gốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại