Giải mật kế hoạch ném bom "biến Liên Xô về thời đồ đá" của Mỹ và Anh

Ngô Trần Nhật Huy |

Có thực sự sau Thế chiến II, những gì liên minh Mỹ-Anh làm chỉ là theo phương châm "phòng thủ" trước sức mạnh của Liên Xô và không hề có ý định ra tay trước?

Từ năm 1945 đến 1949, Mỹ và Anh lên kế hoạch ném bom, biến Liên Xô trở về thời kỳ đồ đá

Văn bản đầu hàng của Đức Quốc xã vừa ráo mực (9/5/1945), Mỹ, Anh đã cùng nhau vội vàng đề ra các phương án mở rộng chiến tranh sang Liên Xô, xóa bỏ các thành phố lớn của người Slav bằng những đợt tấn công bom hạt nhân bất ngờ.

Thủ tướng Anh Winston Churchill là người vội vàng hơn cả, ông ngay lập tức hạ lệnh cho Phòng Kế hoạch Lực lượng vũ trang Anh phải thiết lập được một chiến lược hủy diệt Liên Xô ngay trước khi Thế chiến II kết thúc.

Bản đề xuất đầu tiên đã được hoàn thành vào ngày 22 tháng 05 năm 1945. Theo kế hoạch, cuộc xâm lược các vùng lãnh thổ Đông Âu do Liên Xô kiểm soát sẽ được lực lượng Đồng minh phương Tây tiến hành vào ngày 1 tháng 7 năm 1945.

Chiến dịch "Unthinkable" (Không thể tưởng tượng nổi)

Sau khi phát xít Đức hoàn toàn bị tiêu diệt, châu Âu bị phân chia làm 2 nửa: Đồng minh ở phía Tây và Liên Xô ở phía Đông. Winston Churchill cho rằng nếu Liên Xô xâm lấn được nước Đức thì kết quả cuộc chiến này là thất bại, bởi vậy, ông và các tướng lĩnh Anh đã lập ra chiến dịch Unthinkable, nhằm mục tiêu giúp quân Đồng minh lấn sân sang lãnh thổ Đông Âu.

Chiến dịch Unthinkable nhằm áp đặt thứ gọi là "ý chí của Mỹ và Đế quốc Anh lên Liên bang Xô viết".

Các tướng lĩnh Anh lo ngại rằng với quy mô khổng lồ của lực lượng quân sự Liên Xô được triển khai ở châu Âu lúc bấy giờ, và nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin không có thái độ thân thiện trong quan hệ với các chế độ tư bản, đã làm tăng thêm mối đe dọa của phe Xã hội chủ nghĩa có thể lan rộng sang toàn châu Âu.

Mục đích chính của chiến dịch là khuất phục Liên Xô, bao gồm việc tấn công chiếm đóng những khu vực đô thị lớn khiến nước này mất khả năng kháng cự, cũng như đánh bại quân đội Liên Xô trên chiến trường để bảo đảm ưu thế tuyệt đối.

Nhiều tướng lĩnh Anh cảnh báo Churchill rằng một cuộc chiến tổng lực như vậy sẽ gây ra thiệt hại khủng khiếp cho quân Đồng minh.

Ngày giả định bắt đầu xâm lược của quân Đồng minh vào vùng lãnh thổ do Liên Xô nắm giữ được lên kế hoạch là ngày 1 tháng 7 năm 1945.

Kế hoạch đã giả định 47 sư đoàn Anh và Mỹ ở thành phố Dresden sẽ tấn công bất ngờ vào các vị trí Liên Xô đóng quân gần đó. Hơn 100 đơn vị của Anh, Mỹ, Canada và 100.000 hàng binh của Đức quốc xã tại thời điểm đó cũng sẽ tiếp ứng và cuộc chiến sẽ lan rộng ra toàn Châu Âu lần thứ hai.

Kế hoạch do các tướng lĩnh Anh đưa ra là không khả thi do sự vượt trội quân sự của Liên Xô với các lực lượng Đồng minh ở châu Âu và Trung Đông là 2,5:1. Nếu không thể đạt được thành công trước khi bắt đầu mùa đông, quân Đồng minh sẽ phải kéo dài cuộc chiến - và lúc đó, tình trạng này trong báo cáo được coi là "nguy hiểm".

Bảng: Tỉ lệ đối kháng giữa lực lượng Đồng minh và Xô viết mùa xuân, năm 1945

Đồng minh

Liên Xô

Tỉ lệ

Tây Âu

Italy

Tổng cộng

Lực lượng hiện diện

Lực lượng dự trữ

Tổng cộng

Bộ binh (lính)

5,0777,780

1,333,856

6,411,636

6,750,149

431,838

7,181,987

1 : 1,12

Xe tăng và súng máy (chiếc)

19,100

3,100

22,200

12,333

324

12,657

1,75 : 1

Pháo (chiếc)

63,000

10,200

70,200

114,344

6,838

121,182

1 : 1,73

Máy bay chiến đấu (chiếc)

28,000

4,000

32,000

18,823

624

19,447

1,65 : 1

Xe máy (chiếc)

970,000

chưa rõ

chưa rõ

366,959

20,362

387,321

2,5 : 1

Đáp lại chỉ thị của thủ tướng Churchill, ngày 10 tháng 6 năm 1945 một báo cáo tiếp theo được viết liên quan đến "Những biện pháp được yêu cầu để đảm bảo an ninh cho Quần đảo Anh trong trường hợp chiến tranh với Nga tương lai gần".

Lực lượng hải quân Mỹ đang di chuyển đến Thái Bình Dương để tập hợp cho một cuộc xâm lược Nhật Bản và Churchill lo ngại rằng thiếu đi lực lượng này hỗ trợ sẽ khiến Liên Xô có thế mạnh trên chiến trường Châu Âu. Báo cáo kết luận rằng nếu Mỹ tập trung quân sự cho Mặt trận Thái Bình Dương, số mệnh vương quốc Anh "sẽ trở nên mờ mịt.

Anh quốc chỉ có duy nhất lực lượng hải quân và không quân để chống trả với Liên Xô. Trong trường hợp xấu nhất đó là gặp phải "dàn tên lửa của Liên Xô", Anh chỉ có duy nhất cách dùng máy bay ném bom chiến lược chống lại trên cả vùng lãnh thổ rộng lớn.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945, Churchill và các nghị sĩ cánh hữu của Mỹ đã bắt đầu thuyết phục tổng thống Harry Truman ném bom Liên Xô, diễn lại kịch bản với Nhật Bản.

Giải mật kế hoạch ném bom biến Liên Xô về thời đồ đá của Mỹ và Anh - Ảnh 2.

Đám mây hình nấm mà quả bom Little Boy tạo ra trên bầu trời thành phố Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. Ảnh: AP

Churchill nhấn mạnh một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Liên Xô - vốn kiệt sức vì cuộc chiến với Đức, sẽ dẫn đến sự thất bại của Kremlin đồng thời cho phép Lực lượng Đồng minh tránh được thương vong của quân đội Mỹ và Anh.

Kế hoạch của Churchill chưa bao giờ trở thành hiện thực, bởi quân Mỹ và Đồng minh đều tỏ ra e ngại trước một cuộc chiến mới. Chính Tổng thống Truman đã trực tiếp từ chối lời đề nghị của Churchill. Người Mỹ sẽ không giúp Anh tống cổ người Nga ra khỏi lãnh thổ châu Âu.

Chiến dịch Dropshot (Chiến dịch Nhỏ giọt)

Cho dù "không thể tưởng tượng nổi", chiến dịch Unthinkable vẫn dành trọn được trái tim và khối óc của các nghị sĩ và lãnh đạo quân sự Mỹ.

Theo hai tiến sĩ Mỹ là Michio Kaku và Daniel Axelrod, từ lúc nổ quả bom hạt nhân đầu tiên năm 1945 cho đến vụ thử hạt nhân năm 1949, giới chức Mỹ đã đề ra ít nhất 9 kế hoạch tấn công hạt nhân Liên Xô.

Trong cuốn sách mà hai người là đồng tác giả, "Chiến thắng cuộc chiến hạt nhân: Kế hoạch bí mật của Lầu Năm Góc"- dựa trên các tài liệu tuyệt mật được giải mật thông qua Đạo luật Tự do Thông tin, hai nhà nghiên cứu đã vạch trần các chiến lược của Mỹ trước khi bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga.

Các kế hoạch tấn công do Lầu Năm Góc phát triển nhằm mục đích hủy diệt Liên Xô mà không gây bất kể thiệt hại nào cho Mỹ.

Năm 1949, kế hoạch Dropshot được phát triển. Dropshot vạch ra viễn cảnh không quân Mỹ sẽ thực hiện chiến dịch thả 300 quả bom hạt nhân và 20,000 tấn bom thông thường xuống hơn 200 mục tiêu quan trọng ở trên 100 địa bàn thành phố khác nhau, bao gồm Moscow và Leningrad.

Trong một thời gian dài, trở ngại lớn nhất để triển khai kế hoạch là Mỹ không sở hữu đủ số bom hạt nhân cũng như lượng máy bay thả bom để sử dụng cho chiến dịch. Đến năm 1948, Mỹ mới sở hữu 50 quả bom hạt nhân và 32 máy bay B-29 chuyên dụng để mang bom.

Tháng 9 năm 1948, Tổng thống Truman đã phê chuẩn một dự luật của Hội đồng An Ninh Quốc gia (NSC 30) về Chính sách chiến tranh nguyên tử. Nội dung dự luật cho rằng Mỹ phải sẵn sàng sử dụng kịp thời và hiệu quả tất cả các phương tiện thích hợp- bao gồm cả vũ khí nguyên tử, để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và do đó phải có kế hoạch phù hợp.

Cũng lúc này, giới lãnh đạo Lầu Năm Góc liên tục tung ra hàng nghìn chuyến bay do thám thông tin về vị trí của các khu công nghiệp và quân sự của Liên Xô.

Điều này gây ra mối lo ngại về một cuộc xâm lược của phương Tây đối với Liên Xô trong tương lai. Trong khi Liên Xô vội vã tăng cường khả năng phòng thủ, thì giới lãnh đạo phương Tây cũng viện cớ này để làm lý do chạy đua một cuộc vũ trang mới.

Washington triển khai oanh tạc cơ B-29 đến châu Âu sau cuộc khủng hoảng Berlin năm 1948, trước khi thành lập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 6 năm sau, Liên Xô và các đồng minh Đông Âu mới đáp trả bằng việc lập ra Khối Warsaw – Khối Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ.

Cuộc thử bom hạt nhân của Liên Xô khiến Mỹ choáng váng

Ngay trước cuộc thử bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, lượng bom hạt nhân trong kho của Mỹ đã lên đến 250 quả và Lầu Năm Góc đã cho rằng giờ đây Mỹ có thể thắng lợi nếu chiến tranh Xô - Mỹ xảy ra. Nhưng vụ nổ quả bom hạt nhân đầu tiên đã giáng một đòn chí mạng vào giới lãnh đạo quân sự Mỹ.

"Cuộc thử nghiệm bom hạt nhân của Liên Xô ngày 29 tháng 8 năm 1949 đã làm sốc nặng người Mỹ(đọc chi tiết) - những người tin rằng thế độc quyền về vũ khí nguyên tử của họ sẽ kéo dài lâu hơn - nhưng không ngay lập tức thay đổi kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Vấn đề chính vẫn là mức độ thiệt hại đến đâu sẽ buộc Liên Xô phải đầu hàng." Giáo sư Donald Angus MacKenzie của Đại học Edinburgh đã nhận xét như vậy trong bài luận của mình với nhan đề "Kế hoạch chiến tranh hạt nhân và các chiến lược cưỡng ép bằng hạt nhân".

Giải mật kế hoạch ném bom biến Liên Xô về thời đồ đá của Mỹ và Anh - Ảnh 3.

Quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô có mật danh "First Lightning", do Yulii Borisovich Khariton chế tạo, thử ngày 29 tháng 8 năm 1949. Nguồn: Gizmodo

Mặc dù các nhà quân sự của Washington biết rằng phải mất nhiều năm trước khi Liên Xô có được một kho vũ khí hạt nhân, nhưng họ vẫn thể hiện thái độ dè chừng trước một Liên Xô dù mới chỉ có một quả bom hạt nhân.

Giáo sư Mackenzie còn nhấn mạnh đến chính sách của Mỹ là "tấn công phủ đầu" chứ không chỉ là "răn đe". Giới chức quân sự Mỹ đều nhất trí rằng cần lên kế hoạch để chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân. Học thuyết mà những người này ủng hộ đều là Mỹ nên là bên tấn công trước- và sau này, các chính sách hạt nhân của Mỹ đều thể hiện rất rõ quan điểm này.

Học thuyết hạt nhân đầu tiên của Mỹ được Ngoại trưởng John Foster Dulles công bố năm 1954, trong đó cho phép Mỹ có quyền đáp trả "một cách thích đáng" trước bất kỳ sự tấn công hạt nhân nào từ Liên Xô.

Kế hoạch tích hợp tác chiến của Mỹ (SIOP)

Trong năm 1960, cuối cùng các kế hoạch hạt nhân của Mỹ được chính thức hóa trong Kế hoạch Tích hợp Tác chiến Duy nhất (SIOP).

Lúc đầu, SIOP dự tính một cuộc tấn công hạt nhân lớn đồng thời chống lại các lực lượng được vũ trang hạt nhân bởi Liên Xô, các mục tiêu quân sự, thành phố của đất nước này- cũng như các mục tiêu ở Trung Quốc và Đông Âu.

Theo kế hoạch, các lực lượng chiến lược của Mỹ sẽ sử dụng gần 3.500 đầu đạn hạt nhân để ném bom mục tiêu. Theo ước tính của các tướng lĩnh Mỹ, cuộc tấn công có thể tiêu diệt sự sống của khoảng 285 đến 425 triệu người. Các đồng minh Đông Âu của Liên Xô sẽ rơi vào thế "hoàn toàn bị xóa sổ".

"Chúng ta sẽ xóa sổ Albania.", tướng Mỹ Thomas Power đã nói như vậy trong cuộc họp SIOP năm 1960.

Tuy nhiên, chính quyền Kennedy đã đưa ra những cải tiến đáng kể cho kế hoạch này, nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ nên tránh sự hủy diệt tại các thành phố của Liên Xô - mà phải tập trung sức mạnh vào các lực lượng Liên Xô được vũ trang hạt nhân.

Năm 1962, SIOP đã được sửa đổi nhưng người ta vẫn thừa nhận rằng, nếu được tiến hành cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu thường dân vô tội.

Cuộc cạnh tranh nguy hiểm do Mỹ khởi xướng đã thúc đẩy Liên Xô tăng cường nguồn lực hạt nhân - kéo cả hai nước vào vòng luẩn quẩn của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vô ích thay vì dồn nguồn vốn lớn cho các chương trình phát triển phúc lợi xã hội.

Thật không may, dường như những bài học trong quá khứ đã không được phương Tây tiếp thu. Bài toán để phi hạt nhân hóa lục địa châu Âu lại đang được tiếp tục tìm lời giải, trong bối cảnh căng thẳng Tây - Đông Âu vẫn hiện diện từ năm này qua năm khác.

Đọc các bài hồ sơ khác về Liên Xô, tại đây.

Tham khảo: Canadiandimension

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại