“Miếng bánh” ở Syria sẽ được chia như thế nào?

Ngọc Lan |

Quan hệ thương mại của Trung Quốc với Syria, quốc gia vừa thoát khỏi bóng ma chiến tranh, đã và đang thu hút sự chú ý của thế giới. Bắc Kinh sẽ là bên tham gia chủ yếu vào tiến trình tái thiết Syria, đồng nghĩa với việc họ sẽ là bên phải chịu phần chi phí lớn nhất.

Nga là cường quốc quân sự đã đóng vai trò chủ đạo trong việc lập lại trật tự chính trị tại quốc gia Trung Đông này nhưng giờ đây, người ta lại nói nhiều đến vai trò của Trung Quốc. Việc đó nói lên điều gì?

Sự tham gia có chủ đích

Điều này thực ra không mới. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường sự tập trung vào Syria về mặt kinh tế. Vị trí ngày càng chi phối của ngành công nghiệp Trung Quốc ở nước này kết hợp với cách tiếp cận khéo léo của Bắc Kinh đối với chế độ của ông Assad trong suốt cuộc chiến tranh đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ là nước dẫn đầu trong việc hiện diện tại “đấu trường” Syria sau chiến tranh, báo hiệu một động lực có lẽ chưa từng có ở khu vực sát vách này.

Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – các nước Arab vào tháng 7-2018, Trung Quốc đã thông báo cung cấp cho khu vực Arab gói cho vay và viện trợ trị giá 23 tỷ USD. Mặc dù chưa có chi tiết cụ thể, nhưng có khả năng một phần đáng kể của gói viện trợ này sẽ dành cho Syria. Nếu so với Iran, Syria vốn nhận được ít đầu tư của Trung Quốc hơn, và thậm chí cả so với một số nước vùng Vịnh khác.

“Miếng bánh” ở Syria sẽ được chia như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhưng đó đã là quá khứ. Sự xuất hiện của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã thay đổi hoàn toàn thực tế. Syria đã nổi lên từ một nước không quan trọng về kinh tế trong con mắt Trung Quốc thành một điểm ngày càng được chú trọng và quan tâm bởi cả vị trí chiến lược cũng như tính hợp lý về thời điểm.

Khu vực Levant sẽ trở thành một điểm nút then chốt trong hành lang kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á thuộc khuôn khổ BRI, vì nó mở ra một tuyến đường dẫn đến khu vực Địa Trung Hải thay thế cho kênh đào Suez. Trong dài hạn, Syria sẽ được xem là chìa khóa để khu vực Levant (vùng đất rộng lớn dùng để bao hàm các quốc gia Tây Á giáp Địa Trung Hải) đạt được mục tiêu này.

Chẳng hạn, thành phố Tripoli ở Lebanon sẽ trở thành một vùng đặc quyền kinh tế trong BRI, với việc cảng Tripoli dự kiến sẽ là trung tâm chung chuyển bằng tàu biển quan trọng nhất đối với khu vực phía ông Địa Trung Hải. Điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc một tuyến đường trực tiếp hơn để vận chuyển hàng hóa sang châu Âu so với việc phụ thuộc vào kênh đào Suez.

“Miếng bánh” ở Syria sẽ được chia như thế nào? - Ảnh 2.

Cảng Lattakia, Syria đang trong giai đoạn phục hồi sau chiến tranh.

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ qua cảng này, Trung Quốc đã có các kế hoạch tái thiết mạng lưới đường sắt Tripoli – Homs bấy lâu nay. Với sự hội nhập ngày càng tăng của Lebanon, Trung Quốc, hiện đang hướng sự chú ý sang việc trực tiếp đảm bảo an toàn cho các cảng ở Syria như một phương án hỗ trợ chéo. Tháng 10-2018, Trung Quốc đã tặng cho Lattakia, cảng lớn nhất của Syria khi ấy còn đang chìm trong bom đạn, 800 máy phát điện.

Vị trí trung tâm rõ ràng ngày càng tăng của Syria trên tuyến đường bộ từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải có nghĩa là quốc gia này sẽ trở thành nước tiếp nhận ngày càng nhiều vốn tài trợ của Trung Quốc trong chuỗi những kế hoạch gối đầu nhau.

Những lợi thế

Trung Quốc, một cường quốc thực sự về kinh tế, với tham vọng của mình, sẽ muốn trở thành bên tham gia chủ yếu trong tiến trình tái thiết Syria sau chiến tranh. Nhìn vào quá khứ, vào giữa năm 2017, Bắc Kinh đã đăng cai tổ chức “Hội chợ thương mại đầu tiên về các dự án tái thiết Syria”. Thời điểm đó Trung Quốc cam kết đóng góp 2 tỷ USD vào việc tái thiết nền công nghiệp Syria, tập trung vào dự án xây dựng một khu công nghiệp có sức chứa 150 công ty.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang chuẩn bị mở các văn phòng đại diện trên khắp Syria, và thường xuyên cử các phái đoàn đến nước này, dẫn tới việc rất nhiều hợp đồng đang được thảo luận hoặc đã được ký kết.

Hơn 200 công ty Trung Quốc đã có mặt tại Hội chợ thương mại quốc tế Damascus hồi tháng 9-2018. Tại đây, Trung Quốc đã cam kết thực hiện thỏa thuận về xây dựng các nhà máy thép và điện, sản xuất ôtô và xây dựng bệnh viện.

Trong số những can dự quan trọng nhất của Trung Quốc có việc Huawei vào năm 2015 cam kết tái thiết hệ thống viễn thông của Syria đến năm 2020 và việc Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc sở hữu phần lớn số vốn của 2 trong số các công ty dầu mỏ lớn nhất Syria – Công ty dầu mỏ Syria và Công ty dầu mỏ Al Furat.

Một khi Syria có được sự ổn định ở mức độ chấp nhận được, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lập tức xây dựng nền tảng rộng lớn của họ và tận dụng kinh nghiệm của ngành công nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh Trung Đông sau chiến tranh, nhờ những hợp đồng quan trọng mà các công ty Trung Quốc đã giành được ở Iraq với cùng hoạt cảnh tương tự trước đó.

“Miếng bánh” ở Syria sẽ được chia như thế nào? - Ảnh 3.

Một cơ sở lọc hóa dầu của Công ty dầu mỏ Al-Furat.

Ngoài sức mạnh công nghiệp vốn có, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chế độ Assad trong suốt cuộc chiến vừa qua hiển nhiên sẽ mang lại cho họ vị trí trung tâm trong tiến trình tái thiết sắp tới.

Bên cạnh việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho quân Chính phủ Syria – trong khi phương Tây lại ủng hộ lực lượng chống đối – Trung Quốc cũng tỏ thái độ rõ ràng bằng việc phủ quyết các đề xuất được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Syria.

Bằng việc ủng hộ cho ông Assad tiếp tục nắm quyền, Bắc Kinh sẽ duy trì được quyền tiếp cận trước tiên nhiều cơ hội đầu tư vốn có vai trò trung tâm đối với tiến trình tái thiết sắp tới.

Thông qua cách tiếp cận này, và thực tế rằng viện trợ của Trung Quốc, dù có thể tạo nên những ràng buộc về kinh tế, nhưng khả năng kèm theo những ràng buộc về chính trị gần như không có - khác hẳn với viện trợ của phương Tây như đã diễn ra từ xưa đến nay - Trung Quốc sẽ trở thành lựa chọn chắc chắn được yêu thích của Damascus.

Tuy nhiên, nói như thế cũng không hẳn là quá trình chiếm lĩnh thị trường của Trung Quốc sẽ hoàn toàn được suôn sẻ.

Trong khi vị trí dẫn dắt đã được đảm bảo, phần lớn nhờ vào chính sách không can thiệp, thì chính việc chế độ của ông Assad hầu như không phải đối mặt với sức ép buộc phải giải quyết những bất bình ngấm ngầm đang tiếp diễn sẽ là một hạn chế. Tình trạng mất an toàn có khả năng vẫn tồn tại, gây ra sự phức tạp thêm những nỗ lực mở rộng và ổn định của các doanh nghiệp Trung Quốc ở đây.

Hiện tại, dường như câu trả lời của Bắc Kinh đối với vấn đề này là tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc nhằm chống lại khủng bố tại Syria. Việc thông qua luật chống khủng bố từ năm 2015 cho phép Trung Quốc tiến hành các chiến dịch chung chống khủng bố ở nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động xung quanh chính sách truyền thống không can thiệp.

Điều này cho phép Trung Quốc triển khai các lực lượng đặc biệt ở đây. Và đây cũng là một câu chuyện gây tranh cãi bởi trước tới nay, quan hệ quân sự với Syria và cả các quốc gia Hồi giáo thân cận khác trong khu vực chủ yếu dưới hình thức bán vũ khí và hợp tác huấn luyện.

“Miếng bánh” ở Syria sẽ được chia như thế nào? - Ảnh 4.

Một đầu máy bỏ hoang tại ga Tripoli, Lebanon, điểm nằm trong chuỗi các dự án tái thiết của Trung Quốc tại Trung Đông.

Tiếp cận hợp lý

Cùng với Nga, Iran hiện vẫn là bên tham gia chủ yếu khác ngoài Trung Quốc đang nỗ lực củng cố phần đóng góp thương mại đáng kể trong tiến trình tái thiết Syria. Cùng với Trung Quốc, Iran là nhà cung cấp then chốt khác cho thị trường ôtô Syria.

Thêm nữa, ngoài việc được cấp đất nông nghiệp ở Syria, các doanh nghiệp Iran đã có được biên bản ghi nhớ để điều hành một mạng di động tại Syria cũng như vai trò then chốt đối với hoạt động khai thác một trong những mỏ phosphate lớn nhất Syria.

Chỉ có điều, việc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang dẫn dắt nỗ lực củng cố sự hiện diện thương mại này khiến phần lớn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp tư nhân Iran ngại tham gia. Và sự thâm hụt vốn đầu tư của IRGC trong nỗ lực thương mại của Iran ở Syria bởi cấm vận của Mỹ và phương Tây sẽ đưa Trung Quốc hiện ra như một ứng cử viên hàng đầu.

Một động lực đáng chú ý đó là cách tiếp cận của Trung Quốc đang tập trung vào quan hệ đối tác công – tư (PPP) có thể xảy ra trong nỗ lực tái thiết. Với việc Mỹ và phương Tây không giữ vai trò gì trong tiến trình tái thiết, chi phí tái thiết Syria ước tính 400 tỷ USD sẽ phải do Nga, Iran và Trung Quốc cùng gánh vác.

Cũng có thể sẽ có một vài quốc gia khác tham gia vào, song thực tế không đáng kể. Tuy nhiên trên thực tế, kinh tế Nga và Iran đều đang chao đảo vì các biện pháp trừng phạt, nên Trung Quốc có vẻ như sẽ là cường quốc duy nhất ở vị trí dẫn đầu nỗ lực tái thiết. Thế nhưng chi phí này là quá lớn mà không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có thể một mình chi trả.

“Miếng bánh” ở Syria sẽ được chia như thế nào? - Ảnh 5.

Lực lượng vệ binh hồi giáo cách mạng Iran.

Do đó, PPP đang hiện ra như một phương tiện để qua đó Trung Quốc can dự vào tiến trình tái thiết này. Hiểu một cách đơn giản, số tiền tái thiết này sẽ do cả các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc tham gia vào và việc chia “miếng bánh” đó thế nào, sẽ do nhà nước điều tiết.

Một thực tế cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng trông cậy vào các đơn vị kinh tế tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp cũng như các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế và tận dụng họ để theo đuổi các mục tiêu phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài.

Việc thành lập cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc mới đây cho thấy cách tiếp cận theo hướng ngày càng có sự phối hợp và sắp xếp hợp lý hóa thúc đẩy mục tiêu phát triển ở nước ngoài của quốc gia này thông qua thương mại, trong đó PPP là phương tiện tiềm năng quan trọng nhất.

Công cuôc tái thiết Syria – và sau này có thể là những địa bàn còn tồn tại bất ổn cần giải quyết khác trên thế giới theo cùng một cách thức – với việc nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thiết lập nền tảng, sẵn sàng được khu vực tư nhân bổ sung thêm, có thể là một bối cảnh then chốt mà qua đó sẽ chứng kiến động lực ngày càng lớn của nỗ lực vươn ra bên ngoài của cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện nay này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại