Vụ Mỹ ném bom nhầm Đại sứ quán TQ: Bắc Kinh cay đắng "lạc hậu thì chịu ăn đòn" và lời tuyên chiến đáng sợ

An An |

Đúng hôm nay của 20 năm về trước, một sự kiện chấn động đã xảy ra biến ngày 8/5 trở thành ngày đen tối nhất của ngoại giao Trung Quốc.

Vào sáng nay 8/5, Thời báo Hoàn cầu - thuộc chủ quản báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo - đã đăng tải bài xã luận với tiêu đề "Đến hôm nay sau 20 năm, còn ai dám ném bom nhầm Đại sứ quán của chúng ta" nhằm nhắc lại sự kiện năm 1999, đồng thời đưa ra lời cảnh báo từ Bắc Kinh.

Theo đó, vào khoảng đêm ngày 7/5/1999 (theo giờ Belgrade, Nam Tư), tức khoảng 5h45 sáng ngày 8/5/1999 (theo giờ Bắc Kinh), 5 quả bom thông minh dẫn đường GPS JDAM từ máy bay ném bom tàng hình B2 Mỹ đã giội thẳng xuống Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư.

Vụ đánh bom đã khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng cùng hàng chục người khác bị thương, tòa nhà đại sứ cũng bị hư hại một phần.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Wahington cho biết đây là vụ đánh bom nhầm và gửi lời xin lỗi tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không chấp nhận và gọi đây là "hành động man rợ".

Đến hôm nay 8/5/2019, dù đã 20 năm trải qua nhưng truyền thông Trung Quốc cho biết, nguyên nhân thực đằng sau sự kiện này vẫn còn gây tranh cãi ở Trung Quốc.

"Trong các cuộc đối thoại với quan chức ngoại giao Trung Quốc, chính phủ Mỹ, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Bill Clinton đều nói rằng, đây là một sai lầm vô cùng sơ đẳng bởi bản đồ của phía quân đội Mỹ có sai sót dẫn đến vụ ném bom nhầm Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư. Mỹ cũng đưa ra lời xin lỗi công khai.

Nhưng đây có thực sự là vụ ném bom nhầm? Chiến tranh đã nổ ra rất lâu trước đó mà Washington còn nhầm lẫn về vị trí của Đại sứ quan Trung Quốc? Tại sao Mỹ không ném bom nhầm Đại sứ quán Anh, Pháp ở Nam Tư?", Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) tức giận chỉ trích.

Mỹ ném bom Đại sứ quán TQ: Bắc Kinh cay đắng lạc hậu thì chịu ăn đòn và lời tuyên chiến đáng sợ - Ảnh 1.

Nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc may mắn sống sót thoát khỏi tòa nhà bị tấn công bằng đường cửa sổ. Nguồn: BBC

"Ngày đen tối nhất của ngoại giao Trung Quốc"

Hồi tưởng về vụ việc, phóng viên đặc biệt của Thời báo Hoàn cầu tại Nam Tư thời điểm đó, ông Lữ Nham Tùng viết:

"Ngày 7/5 là một ngày đen tối nhất trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc cũng như trong lịch sử các bản tin quốc tế Trung Quốc.

Tối đó, NATO một lần nữa phá hủy hệ thống cung cấp điện của Nam Tư và Belgrade tối om. Các nhân viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư chỉ có thể theo dõi tình hình thông qua hệ thống đài phát thanh. Mọi người ngồi trong sân vừa theo dõi cuộc phản công của pháo phòng không Nam Tư trước cuộc tấn công của NATO vừa bình luận tình hình.

Đến 11h30 đêm, Đại sứ Pham Chiêm Lâm khuyên mọi người nên nghỉ ngơi sớm để sáng hôm sau dậy sớm làm việc. Thế nên mọi người trở về phòng ngủ ở trên tầng. Không ngờ câu nói của Đại sứ đã cứu sống hơn chục mạng người chúng tôi bởi vì một trong số những tên lửa Tomahawk mà NATO phóng sau đó rơi trúng ngay chỗ chúng tôi vừa ngồi. Nếu chúng tôi lên phòng chỉ muộn một chút nữa thôi, mọi người chắc chắn sẽ đều mất mạng".

Hình ảnh tòa nhà Đại sứ quan Trung Quốc bị tấn công. Ảnh: Belgrade Spots

Năm 2004, trong cuốn tự truyện My life (Đời tôi), cựu Tổng thống Bill Clinton đã đề cập đến vụ ném bom nhầm này.

"Vào ngày 7/5, chúng tôi phải chịu thất bại chính trị tồi tệ nhất trong cuộc chiến (Kosovo). NATO ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade và ba công dân Trung Quốc đã thiệt mạng. Tôi ngay lập tức được báo cáo rằng quả bom đã bắn trúng mục tiêu nhưng mục tiêu được dựa trên bản đồ lỗi thời của CIA, Đại sứ quán Trung Quốc bị xác định nhầm thành kiến trúc quân sự của chính phủ Nam Tư. Sai lầm này là điều chúng tôi đã cố gắng né trách trước đây... "

Ông cũng viết rằng, sau khi nhận tin Đại sứ quán Trung Quốc bị đánh bom dẫn đến thương vong, ông đã choáng váng và vô cùng lo lắng: "Tôi đã gọi điện ngay để xin lỗi nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thời điểm đó [Chủ tịch Giang Trạch Dân] nhưng ông ấy đã từ chối trả lời điện thoại. Vì vậy, tôi phải nhiều lần công khai bày tỏ xin lỗi".

Vụ đánh bom cũng khiến nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng trước làn sóng giận dữ của người Trung Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó tại Trung Quốc James Ralph Sasser cho biết: "Đại sứ quán bị người biểu tình bao vây. Trong 3-4 ngày liền, chúng tôi không thể ra ngoài. Những người biểu tình vây quanh biệt thự của chúng tôi. Gạch đá bị ném hàng đêm. Họ còn xông cả vào nơi ở của chúng tôi. Tôi rất sợ. Tối hôm đó, chúng tôi sơ tán đến một tòa nhà khác trong khu tòa đại sứ.. Đây là tòa nhà của cơ quan thông tấn xã Mỹ, có lan can chắn ngoài cửa sổ. Chúng tôi đã ở trong tòa nhà đó và trốn dưới gầm bàn".

Người biểu tình ném đá và chất bẩn vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh vào tháng 5/1999.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, nhiều người tức giận đã xuống đường để tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc. Họ tin rằng máy bay Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc là một hành động có chủ ý, Hoàn cầu cho biết.

Theo Hoàn cầu, việc người Trung Quốc tức giận vì vụ đánh bom là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi đối với họ, thật sự rất khó để chấp nhận rằng đây là vụ đánh bom nhầm trong khi Mỹ có trình độ công nghệ khoa học đứng đầu thế giới.

Trong tự truyện của mình, ông Bill Clinton chia sẻ thêm: "Tôi tiếp tục xin lỗi và nói với ông ấy [Giang Trạch Dân] rằng tôi không nghĩ ông ấy sẽ tin rằng tôi cố tình ra lệnh cho quân đội ném bom Đại sứ quán Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời rằng, ông ấy biết tôi sẽ không làm thế nhưng ông ấy tin rằng, có người của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan tình báo Mỹ CIA vì không muốn bằng lòng với sự thân thiết của quan hệ Trung-Mỹ nên đã cố ý chỉnh sửa bản đồ nhằm gây chia rẽ quan hệ hai nước. Nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể tin được một quốc gia có trình độ công nghệ kỹ thuật tiên tiến như Mỹ lại có thể mắc sai lầm như vậy".

Nhiều giả thuyết gây tranh cãi

Vào thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Clinton đã cử một Thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị tới Trung Quốc. Được biết, ông này phải mất một ngày để giải thích về tấm bản đồ lỗi và các tình hình khác cho phía Bắc Kinh.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao, Thomas Pickering, vụ tấn công được gây ra bởi ba sai lầm cơ bản:

Thứ nhất: Công nghệ định vị được sử dụng để nhắm vào mục tiêu là Tổng cục cung ứng vật tư quân nhu Nam Tư FDSP có những sai sót nghiêm trọng.

Thứ hai: Cơ sở dữ liệu quân sự hoặc tình báo được sử dụng để xác minh thông tin mục tiêu không bao gồm vị trí chính xác của Đại sứ quán Trung Quốc.

Thứ ba: Trong quá trình thăm dò mục tiêu, không có bất cứ quy trình nào phát hiện ra hai lỗi trên.

Theo Hoàn cầu, vẫn còn một lý giải khác thường được đề cập đến.

Thời điểm xảy ra vụ đánh bom là cuối tuần ở Mỹ. Theo truyền thông Mỹ, trước khi tin tức được công bố vào ngày 8/5/1999, các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ và gia đình còn tham dự một bữa tiệc nướng ngoài trời. Nên ngay khi sự việc được công bố, các quan chức đã vội vã trở lại làm việc để tìm hiểu và đối phó với cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ bấy giờ là Bill Clinton phải lên tiếng xin lỗi nhưng không được phía Bắc Kinh chấp nhận.

Từ đó có thể thấy, các quan chức cấp cao này dường như đã không chuẩn bị cho sự việc, mà theo người Mỹ thường nói: Ném bom một đại sứ quán của một quốc gia có thể được coi là tuyên bố chiến tranh trá hình hoặc một cuộc chiến không tuyên bố trước, có thể dẫn đến các cuộc phản công.

Nếu đó là cố ý thì khi cuộc tấn công Đại sứ quán Trung Quốc diễn ra, các quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã phải ngồi ở Lầu Năm Góc thay vì tham gia các bữa tiệc nướng ngoài trời.

Vào thời điểm đó, Thời báo New York cũng đã công bố một báo cáo điều tra tương đối dài với kết luận: Sự cố này được gây ra bởi một loạt các sự nhầm lẫn liên hoàn.

Tuy nhiên, theo Hoàn cầu nhiều năm sau đó, trong cuộc điều tra của truyền thông Mỹ, 50,5% số người bỏ phiếu tin rằng, "NATO cố tình ném bom" và 28,3% số người bỏ phiếu cho rằng đó là "vụ đánh bom nhầm, Mỹ không thể cố ý tấn công Đại sứ quan Trung Quốc". Số người còn lại cho biết, "họ không hiểu rõ tình hình, hy vọng sẽ được cung cấp thêm các thông tin liên quan".

Về lý do tại sao quân đội Mỹ lại gây ra vụ đánh bom nhầm này, Tuần báo châu Á (Hồng Kông) thông qua các cuộc phỏng vấn ở Mỹ và châu Âu đã đi đến kết luận: Tổng cục cung ứng quân nhu Nam Tư nằm cách xa Đại sứ quán Trung Quốc. Cục bản đồ quốc gia Mỹ khi đó phản bác cho biết, thông số trên bản đồ vô cùng chính xác và được cập nhật liên tục nên họ không liên quan đến vụ đánh bom nhầm của không quân NATO.

Trong cuộc phỏng vấn kín với nhân viên tình báo quân sự NATO, Tuần báo châu Á tiết lộ, lý do thực sự là người Mỹ đã nhận được thông tin tình báo sai, cho rằng, nhà lãnh đạo Nam Tư khi đó là Slobodan Milošević hoặc hệ thống thiết bị điện tử thông minh dùng để bắn hạ máy bay tàng hình Mỹ được đặt trong Đại sứ quán Trung Quốc.

Tình báo quân đội Mỹ nghi ngờ rằng đài phát thanh chỉ huy của quân đội Nam Tư đang sử dụng hệ thống liên lạc của Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư để chỉ đạo chiến đấu. Vào thời điểm đó, hệ thống chỉ huy quân sự Nam Tư đã bị phá hủy dưới cuộc tấn công quân sự của NATO.

Đặc biệt, sau khi nơi ở của ông Milošević bị phá hủy vào ngày 23/4, hệ thống liên lạc chuyên dụng của bộ chỉ huy quân sự Nam Tư đã bị gián đoạn trong hơn 24 giờ. Sau khi quân đội Nam Tư phục hồi đường dây liên lạc, bộ phận giám sát thông tin liên lạc của quân đội Mỹ phát hiện ra tín hiệu vô tuyến của quân đội Nam Tư bắt nguồn từ khu vực đặt Đại sứ quán Trung Quốc.

Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan tình báo quân đội Mỹ đã nhận được thông tin từ nguồn tin tình báo tin cậy cho biết, hai viện nghiên cứu thiết bị điện tử của Trung Quốc đã kết hợp phát triển một thiết bị radar tiên tiến có thể do thám được máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ.

Do quân đội Trung Quốc chưa có máy bay chiến đấu tàng hình nên cuộc chiến Kosovo đã mang đến cho nước này một cơ hội hiếm có.

Mỹ ném bom Đại sứ quán TQ: Bắc Kinh cay đắng lạc hậu thì chịu ăn đòn và lời tuyên chiến đáng sợ - Ảnh 5.

Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sau thời điểm xảy ra vụ việc năm 1999.

Hơn nữa, do đơn vị tên lửa phòng không Nam Tư đã từng bắn hạ máy bay ném bom tàng hình F-117 nổi tiếng của Mỹ nên các nhân viên tình báo Mỹ tin rằng các thiết bị radar tiên tiến được giấu trong Đại sứ quán Trung Quốc ở Cộng hòa Liên bang Nam Tư đã hỗ trợ các đơn vị phòng không Nam Tư.

Tuy nhiên, Hoàn cầu cho hay nguồn tin tình báo của Mỹ hoàn toàn sai lầm vì ông Milošević và các hệ thống thiết bị điện tử hiện đại đó không được giấu trong Đại sứ quán Trung Quốc. Đồng thời, tờ này nhấn mạnh thêm, dù thế nào thì người Trung Quốc cũng không thể chấp nhận được những lý giải từ Washington.

Mỹ có gần 50 vệ tinh tại Nam Tư vào thời điểm đó, 24 trong số đó là các vệ tinh dẫn đường và định vị toàn cầu có thể được định vị chính xác vị trí các đại sứ quán. Mỹ còn có các vệ tinh điện tử và trinh sát điện tử, các vệ tinh hình ảnh radar khẩu độ tổng hợp (SAR), có khả năng phát hiện các mục tiêu dưới lòng đất.

Hơn nữa, khi đối mặt với các mục tiêu tấn công mặt đất quan trọng, máy bay trinh sát và máy bay không người lái cũng sẽ liên tục xác minh chéo các mục tiêu. Trong trường hợp đặc biệt, các đặc vụ còn được phái đi để thăm dò mục tiêu để tránh tấn công nhầm.

Do đó, ngay cả khi Mỹ nói rằng đó là "nhầm lẫn", thì cũng cho thấy rằng họ đã vô cùng coi nhẹ vụ việc này bởi vì chỉ cần cử người đi xác minh, họ sẽ thấy cờ và biển hiệu Đại sứ quán Trung Quốc, Hoàn cầu viết.

"Lạc hậu thì phải ăn đòn"

Báo Trung Quốc cho biết, nỗi đau do vụ đánh bom nhầm này gây ra không thể lành trong 20 năm qua nhưng đáng chú ý là, Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn trong 20 năm này.

"Năm 1999, trong bảng xếp hạng GDP toàn cầu, Trung Quốc đứng thứ 7 trên thế giới với 1,0973 tỷ USD, sau Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp và Ý. Hiện nay, Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và đang dần tiến lên vị trí số 1. Sức mạnh toàn diện, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc khác xa so với 20 năm trước.

Theo lời của nhiều cư dân mạng Trung Quốc, "ném bom nhầm" cũng khiến nhiều người dân Trung Quốc tỉnh táo hơn, bởi vì đây là phiên bản hiện đại của cách nói "lạc hậu thì phải ăn đòn"", Hoàn cầu nhấn mạnh.

Tờ này chỉ ra, về sức mạnh quân sự, Trung Quốc đã đạt được sự cải thiện toàn diện trong 20 năm qua, đặc biệt là lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược. Nhiều vũ khí không chỉ là sự gia tăng về số lượng mà còn được cải thiện chất lượng.

Hai mươi năm trước, vào năm 1999, hải quân Trung Quốc không có tàu chiến mặt nước cỡ lớn. Trung Quốc cũng không thể tự sản xuất được tàu khu trục tên lửa 5000 tấn. Hơn nữa, trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, năng lực chế tạo tàu cỡ lớn cũng còn yếu kém.

Trung Quốc tuyên bố họ sở hữu loạt vũ khí tàu chiến hiện đại nhất thế giới với sức răn đe vô cùng lớn.

Về mặt vũ khí chống hạm, mặc dù tên lửa chống hạm đã có sẵn nhưng chúng không đủ khả năng gây ra sát thương cho tàu chiến cỡ lớn hàng chục nghìn tấn, thậm chí cả tàu sân bay Mỹ. Do đó, sự răn đe đối với quân đội Mỹ cũng rất hạn chế.

Vào cuối tháng 12/1999, "sát thủ tàu sân bay" được kỳ vọng từ lâu của Trung Quốc, tàu khu trục lớp hiện đại được mua từ Nga, cuối cùng đã được chạy thử. Nó đã được chuyển cho hải quân Trung Quốc tại buổi lễ lớn ở St. Petersburg với tên gọi Hàng Châu (136).

Đến đầu năm 2000, tàu khu trục thứ hai được phía Nga giao cho Hải quân Trung Quốc với tên gọi Phúc Châu (137).

Vũ khí quan trọng nhất trên tàu khu trục lớp hiện đại là tên lửa chống hạm SS-N-22 Sunburn, một tên lửa chống hạm siêu âm do Liên Xô cũ phát triển vào cuối những năm 1970, được trang bị cho hải quân Trung Quốc vào năm 1984.

Tên lửa này được coi là khắc tinh của tàu sân bay Mỹ với lý thuyết ba tên lửa chống hạm có thể đánh chìm một tàu mặt nước cỡ lớn 50.000 tấn.

Điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc vào thời điểm đó. Một mặt, nó có thể có tác dụng răn đe đối với các tàu chiến Mỹ. Mặt khác, nó cũng cho Trung Quốc cơ hội có được công nghệ chế tạo tên lửa chống hạm của Nga và cải thiện năng lực sản xuất thiết kế tên lửa chống hạm.

Đặc biệt, trong cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc vừa qua, tàu khu trục mang tên lửa lớp hiện đại năm đó trở thành "cựu sao", nhường chỗ cho loạt tàu khu trục tên lửa thế hệ mới 10.000 tấn lớp 055 hay các tàu khu trục tên lửa lớp 052D, 052C được ví là khu trục hạm lớp Aegis.

Ngoài ra, hải quân Trung Quốc đang sở hữu lượng lớn tàu khu trục mới, cũng như tàu ngầm hạt nhân mới. Quan trọng nhất, Trung Quốc cũng có tàu sân bay riêng.

Theo Hoàn cầu, sức mạnh tuần tra viễn dương của Trung Quốc cũng nhảy vọt trong 20 năm qua với hàng chục biên đội tàu ở Somalia và Libya.

Về không quân,Trung Quốc chỉ có máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27 được mua từ Nga năm 1999 nhưng số lượng và kỹ năng vận hành còn hạn chế.

Theo Hoàn cầu, vào thời điểm đó, không quân Trung Quốc vẫn chủ yếu phòng thủ vì hầu hết các máy bay chiến đấu không có khả năng thực hiện nhiệm vụ hành trình dài, máy bay tiếp dầu trên không cũng hạn chế.

Hai mươi năm sau, các máy bay chiến đấu tiên tiến tăng về số lượng và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 sắp đạt khả năng sẵn sàn chiến đấu và hiện đang trong giai đoạn chế tạo hàng loạt.

Các máy bay ném bom lớn và máy bay trinh sát điện tử của quân đội Trung Quốc đã ra khỏi chuỗi đảo đầu tiên, hoặc bay quanh phía đông Đài Loan đã trở thành một điều bình thường. Khả năng bay tới gần đảo Guam dự đoán sẽ được thực hiện trong tương lai gần.

Theo giới phân tích, tuyên bố của Hoàn cầu trong nhiều trường hợp được coi là tiếng nói của đảng Cộng sản Trung Quốc nên bài xã luận này được coi là thông điệp răn đe của Bắc Kinh - đặc biệt gửi tới Mỹ - rằng, với sức mạnh quân sự hiện tại, nước này sẵn sàng ngăn chặn và không nương tay đối với bất kỳ hành vi nào đối đầu với nước này.

Ngày 8/5/1999, cách đây tròn 20 năm, máy bay ném bom tàng hình B2 của Mỹ đã thả 5 siêu bom thông minh JDAM vào Đại sứ quán Mỹ ở Nam Tư.

Chính phủ Mỹ gọi đó là vụ ném bom nhầm do nhầm lẫn tọa trên bản đồ, Tổng thống Bill Clinton cũng phải lên tiếng xin lỗi nhưng phía Bắc Kinh không chấp nhận và gọi đó là "hành động man rợ".

Vụ việc đã khiến quan hệ Trung-Mỹ đóng băng thời gian dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại