"Con cưng" từ cải tổ quân đội của ông Tập đại công cáo thành, áp đảo Mỹ, TQ còn sợ gì mà không dám tung hô?

Hải Võ |

Tờ Thời báo Hoàn Cầu mới đây lên tiếng giải thích về báo cáo của Reuters, cho rằng các tên lửa do Trung Quốc phát triển đã có thể áp đảo vũ khí của Mỹ.

Tên lửa Trung Quốc đang vượt lên so với Mỹ?

Hãng Reuters ngày 25/4 đăng tải phân tích, nói rằng các mẫu tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày nay có nhiều ưu việt, "thể hiện qua tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm và tên lửa siêu thanh".

Một quan chức quân đội Mỹ, đánh giá "sức mạnh của tên lửa Trung Quốc đã áp đảo hệ thống phòng ngự của chúng tôi".

Theo báo cáo, trong khoảng gần 20 năm Mỹ bị sa lầy trong các cuộc chiến tranh chống khủng bố, PLA đã tận dụng thời gian này để duy trì liên tục việc tăng trưởng ngân sách và tăng tốc cải thiện kỹ thuật, xây dựng và triển khai kho vũ khí tên lửa.

Quan chức trên cho hay, trong hầu hết các loại tên lửa - trên bộ, trên máy bay hay tàu chiến, tàu ngầm, sản phẩm của Trung Quốc có thể sánh ngang với các loại hình vũ khí tương ứng của Mỹ và đồng minh, thậm chí có phần vượt trội.

Điều khiến Lầu Năm Góc "nóng mắt" là Bắc Kinh đã có được "sự lũng đoạn thực chất" trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo mặt đất tầm trung và tên lửa hành trình. Do Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) - cấm đôi bên triển khai tên lửa mặt đất có tầm bắn 500-5.500km, Trung Quốc đã tranh thủ bố trí loại tên lửa này trên quy mô lớn, bao gồm "sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D.

Dù tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi INF hồi tháng 2, song ưu thế của quân đội Trung Quốc đối với loại vũ khí này sẽ còn được duy trì trong tương lai gần. Reuters cho hay, chính phủ Mỹ nhận định tên lửa tầm trung của Trung Quốc đang trở thành uy hiếp lớn nhất đối với vị thế bá chủ quân sự của Mỹ tại châu Á.

Vào tháng 3 năm ngoái, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) khi đó là ông Harry Harris cảnh báo: "Đối diện với Trung Quốc, chúng ta đang ở vào tình trạng bất lợi bởi tên lửa đạn đạo mặt đất của Trung Quốc đe dọa tàu và căn cứ của chúng ta tại Tây Thái Bình Dương."

Cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ, đại tá James Fanell nhận xét "Trung Quốc hiện có lực lượng tên lửa đạn đạo hiện đại nhất thế giới và có thể áp đảo các hệ thống phòng thủ mà chúng ta đang triển khai".

Cuộc chạy đua về tầm bắn

Theo Reuters, bên cạnh các loại vũ khí trong khuôn khổ INF, nhiều mẫu tên lửa của PLA cũng có tính năng vượt trội vũ khí Mỹ, bao gồm hai loại tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-12 và YJ-18, có tầm bắn 400km và 540km.

Quân đội Mỹ lo ngại "tên lửa giá rẻ của Trung Quốc có thể 'triệt tiêu' chiến hạm đắt nhất lịch sử của Mỹ", ám chỉ siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Một so sánh được đưa ra, cho thấy tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ có giá bán khoảng 1.2 triệu USD, trong khi chi phí đầu tư cho mẫu hạm Ford là 13 tỉ USD, gấp khoảng 10.000 lần so với Harpoon.

Robert Haddick, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ, nay là chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu vũ trụ Mitchell, Mỹ, đánh giá điều khiến tên lửa Trung Quốc nguy hiểm với Mỹ và đồng minh châu Á là PLA đang chiến thắng trong "cuộc đua tầm bắn".

Haddick mô tả, trong lúc Mỹ có "kỳ nghỉ dài" về phát triển tên lửa trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, thì Trung Quốc đã dồn sức lực để phát triển tầm bắn, nghiên cứu các mẫu tên lửa có thể bay xa hơn các vũ khí đối ứng trong lá chắn của Mỹ-đồng minh.

Theo cựu quân nhân này, Mỹ đã nâng cấp tên lửa Harpoon với tầm bắn đạt 240km nhằm ứng phó với tên lửa diệt hạm tiên tiến của PLA, tuy nhiên "cách biệt so với tên lửa Trung Quốc vẫn rất lớn".

"Về các phương diện tầm bắn, tốc độ và tính năng cảm biến, tên lửa diệt hạm của Trung Quốc vượt trội so với Mỹ," Haddick nói.

Con cưng từ cải tổ quân đội của ông Tập đại công cáo thành, áp đảo Mỹ, TQ còn sợ gì mà không dám tung hô? - Ảnh 2.

Các tên lửa DF-31 của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: Huanqiu)

Lực lượng tên lửa chuyển mình nhờ cuộc đại cải tổ của ông Tập

Các đơn vị tên lửa luôn được trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ triệt để. Nhưng phải dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, đơn vị Pháo binh Số 2 bí mật một thời mới được đưa ra ánh sáng như là thành phần nòng cốt để ông xây dựng quân chủng Lực lượng tên lửa.

Reuters chỉ ra, trong nỗ lực tái cơ cấu toàn diện PLA, năm 2015 ông Tập Cận Bình đã phát động một cuộc đại cải tổ quân đội, với mục tiêu cắt giảm 300.000 quân nhân và đưa PLA thành lực lượng "biết đánh, biết thắng".

Trong đó, lực lượng tên lửa được đưa lên ngang tầm với lục quân, hải quân và không quân. Hai cựu tướng lĩnh của lực lượng này, các tướng Ngụy Phượng Hòa và Trương Thăng Dân, hiện là thành viên Quân ủy trung ương Trung Quốc - cơ quan quản lý quân đội tối cao do ông Tập làm chủ tịch.

Một "người cũ" khác của Lực lượng tên lửa PLA, tướng Gao Jin, đang được xem là ngôi sao đang lên của quân đội. Khi quân chủng này được thành lập từ đơn vị Pháo binh Số 2, Gao được bổ nhiệm làm lãnh đạo Lực lượng hậu cần chiến lược - một nhánh mới của PLA phụ trách lĩnh vực chiến trường mạng, điện tử và không gian.

Gao là nhân vật then chốt trong lộ trình chuyển đổi Lực lượng tên lửa từ vai trò ngăn chặn hạt nhân sang vai trò kép hiện nay - bao gồm cả lá chắn hạt nhân và mũi nhọn tấn công của PLA.

Ông Tập Cận Bình - người nắm quyền chỉ huy trực tiếp quân đội chính quy lớn nhất thế giới, được Reuters ghi nhận đóng vai trò cốt lõi trong sự "lên ngôi" của các lực lượng tên lửa Trung Quốc, giúp PLA chuyển mình và thách thức vị thế bá chủ của Mỹ tại châu Á.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi lực lượng tên lửa là "cốt lõi của khả năng răn đe chiến lược, là trụ cột chiến lược đối với vị thế quốc gia như một cường quốc, và là nền tảng để xây dựng an ninh quốc gia".

Con cưng từ cải tổ quân đội của ông Tập đại công cáo thành, áp đảo Mỹ, TQ còn sợ gì mà không dám tung hô? - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao quân kỳ cho tư lệnh Lực lượng tên lửa PLA, tướng Ngụy Phượng Hòa trong lễ thành lập quân chủng này tại Lầu Bát Nhất, Bắc Kinh, ngày 31/12/2015 (Ảnh: PLA Daily)

Báo Hoàn Cầu: So sánh khập khiễng

Trước báo cáo của Reuters thể hiện sự phát triển đáng gờm của lực lượng tên lửa Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) phỏng vấn các chuyên gia nước này hồi tuần qua, nhận định sức mạnh của tên lửa Trung Quốc đã bị thổi phồng quá nhiều.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, báo cáo so sánh các mẫu tên lửa hiện đại của PLA với tên lửa Harpoon được Mỹ phát triển từ hàng chục năm trước là khập khiễng, và khẳng định ngày nay Mỹ đã trang bị tên lửa diệt hạm tầm xa mới với tầm bắn đạt gần 1.000km cùng tính năng tàng hình.

Hoàn Cầu cho rằng, Mỹ đưa ra lựa chọn khác với Trung Quốc trong phát triển tính năng tên lửa, nên khó có thể xác định đơn giản rằng tên lửa Trung Quốc bay nhanh hơn và mạnh hơn tên lửa cận âm tàng hình.

Các chuyên gia Trung Quốc đánh giá, trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo, việc Mỹ ngưng biên chế các tên lửa mặt đất có tầm bắn 500-5.500km không chỉ do INF, mà điều này còn phù hợp với nhu cầu trang bị của quân đội Mỹ. Theo đó, tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ hiện nay có giá thành rẻ hơn tên lửa đạn đạo và độ chính xác khá cao. Chiến hạm Mỹ có khả năng tiếp cận các hải cảng trên toàn thế giới và không cần các loại tên lửa hành trình có tầm bắn quá xa.

Cho đến nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bác bỏ các luận điểm cho rằng sức mạnh quân sự Trung Quốc đã có thể đe dọa vị thế của Mỹ.

Theo báo cáo hồi tháng 3 của Hoàn Cầu, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2019 có kế hoạch tăng 7.5% lên mức 177.49 tỷ USD, có thể dành cho việc tăng lương quân nhân và phát triển các vũ khí, khí tài quân sự mới. Mức tăng này thấp hơn so với 8.1% của năm 2018. Các mức tăng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh trong các năm 2016, 2017 lần lượt là 7.6% và 7%. Trong giai đoạn 2011-2015, mức tăng này luôn là hai con số.

Hoàn Cầu bình luận, tuy ngân sách quốc phòng nước này đứng thứ hai thế giới nhưng sức mạnh thực tế của quân đội không đạt được vị trí tương ứng và còn cần thời gian lâu dài để phát triển. Tờ này "trấn an", Mỹ có 11 tàu sân bay với các nhóm chiến đấu hùng mạnh và ngay cả khi Mỹ dậm chân tại chỗ thì PLA phải mất hàng chục năm nữa mới có thể đạt đến trình độ như vậy.

Báo giới Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn với việc phô trương sức mạnh quân sự của PLA sau khi chiến dịch tuyên truyền sáng kiến "Made in China 2025" - nhằm đưa Trung Quốc thành cường quốc công nghệ hàng đầu - làm dấy lên quan ngại của phương Tây và được cho là tác nhân khiến Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại chống lại Bắc Kinh năm ngoái. Một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ là điều Trung Quốc luôn cố tránh khỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại