Thái Lan: Sắp bầu Thủ tướng, một loạt Phó thủ tướng, Bộ trưởng từ chức để vào Thượng viện

TN |

Gần 10 Phó thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng trong nội các Thái Lan đệ đơn từ chức để tham gia vào Thượng viện.

Loạt quan chức cấp cao Thái Lan từ chức

Nguồn tin từ Chính phủ Thái Lan ngày 6/5 khẳng định, chắc chắn sẽ có nhiều Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trong nội các nước này từ chức để tham gia vào Thượng viện với vai trò Thượng nghị sỹ. Thông tin này sẽ chính thức được công bố trong cuộc họp nội các thường kỳ vào ngày mai, 7/5.

Các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ đã đệ đơn từ chức gồm: Đại tướng, Phó Thủ tướng Chadchai Sarikalya; Đại tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Prajin Jantong; Bộ trưởng Bộ Lao động Adul Saengsingkaew; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Teerakiat Jaroensettasin; Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chaichan Changmongkol; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Surasak Kanchanarat.

Ngoài 6 lãnh đạo nói trên chắc chắn sẽ từ chức, hiện còn có một số lãnh đạo khác trong nội các Thái Lan cũng đã đề đạt nguyện vọng với Thủ tướng Prayut Chan-ocha xin từ chức để tham gia Thượng viện gồm: Bộ trưởng Thường trực Văn phòng Thủ tướng Suwapan Tanyuwatana, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Weerasak Futrakul, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Weerasak Kowsurat và Thứ trưởng Bộ Giao dục - Đại tướng Surachet Chaiwong.

Mặc dù từ chức Bộ trưởng Ngoại giao, nhưng ông Don Pramudwinai vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, từ ngày 22-23/6/2019 do Thái Lan làm chủ tịch.

Theo Hiến pháp Thái Lan 2017 do Chính quyền quân sự soạn thảo, Quốc hội lưỡng viện Thái Lan gồm 750 nghị sỹ, trong đó 500 Hạ nghị sỹ phải thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu, 250 Thượng nghị sỹ sẽ do một ủy ban của Hội đồng Gìn giữ Hòa bình và trật tự quốc gia lựa chọn, trong đó có 6 ghế Thượng nghị sỹ mặc định (gồm Tư lệnh Tối cao quân đội, Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Không quân, Tư lệnh hải quân, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng).

Dự kiến, danh sách 250 Thượng nghị sỹ sẽ được Thủ tướng Chính phủ trình lên Nhà vua Thái Lan phê chuẩn trong ngày 11/5/2019, sau ba ngày kể từ ngày Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) công bố kết quả bầu cử chính thức (08/5/2019).

Hiến pháp 2017 cũng quy định, các Thượng nghị sỹ không được giữ hai nhiệm vụ, do đó bắt buộc các thành viên trong nội các Thái Lan phải từ chức nếu muốn tham gia vào Thượng viện. Các Thượng nghị sỹ sẽ được quyền tham gia bầu chọn Thủ tướng mới cùng các Hạ nghị sỹ trong Hạ viện và cho ý kiến về một số đạo luật nhất định trong các cuộc họp Quốc hội.

Thái Lan: Sắp bầu Thủ tướng, một loạt Phó thủ tướng, Bộ trưởng từ chức để vào Thượng viện - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai sẽ từ chức để trở thành Thượng nghị sỹ trong Thượng viện (Ảnh Siamrath)

Nỗ lực bảo đảm Thủ tướng Chan-ocha tiếp tục nắm quyền

Trước đó, để đảm bảo cho Thủ tướng Prayut Chan-ocha tiếp tục duy trì quyền lực, 4 Bộ trưởng trong nội các Thái Lan gồm: Bộ trưởng Công nghiệp Uttama Savanayana, Bộ trưởng Thương mại Sontirat Sontijirawong, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Suvit Maesincee và Chánh Văn phòng Thủ tướng Kobsak Pootrakool đã từ chức (29/1/2019) để tham gia ban lãnh đạo đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP) - đảng đại diện cho phe Thủ tướng Prayut Chan-ocha, tranh cử trong cuộc bầu cử ngày 24/3/2019.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, PPRP giành chiến thắng với hơn 8 triệu phiếu bầu (tương đương với khoảng 118 ghế trong Hạ viện), tuy nhiên theo cách phân chia của Luật Bầu cử Thái Lan, đảng Vì nước Thái (PT) thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mặc dù xếp thứ hai về phiếu bầu (khoảng 7,9 triệu phiếu) lại giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện (khoảng 137 ghế). Hiện, cả PT và PPRP đều không thể giành được số ghế quá bán (251/500 ghế trong Hạ viện) để đứng ra thành lập Chính phủ, nên cả hai đang ra sức lôi kéo các đảng trung lập về phe mình để giành ưu thế trong cuộc đua thành lập Chính phủ liên minh.

Theo kế hoạch, sau khi EC công bố kết quả bầu cử chính thức nghị sỹ khu vực vào ngày 7/5 và nghị sỹ danh sách đảng ngày 8/5, Quốc hội Thái Lan sẽ sớm nhóm họp để bầu Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện và lựa chọn Thủ tướng mới. Chính phủ mới của Thái Lan cũng sẽ ra mắt trong tháng 6/2019.

Giới phân tích dự báo, nhiều khả năng PPRP sẽ lên cầm quyền và Thủ tướng Prayut Chan-ocha tiếp tục giữ vị trí trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, Chính phủ mới sẽ khó tồn tại được hết nhiệm kỳ bởi sự giám sát, phủ quyết trong các chính sách của phe đối lập; mâu thuẫn trong chính trường Thái Lan không những không được hóa giải mà có nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại