SCMP: Tiết lộ câu nói chứng minh ông Tập Cận Bình cứng rắn với Mỹ ngoài sức tưởng tượng

Hải Võ |

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có thể khởi hành sang Mỹ vào ngày 9/5 tới, muộn hơn ba ngày so với lịch trình dự kiến.

Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter vào ngày 5/5 (giờ Mỹ) về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, một số thông tin cho rằng Bắc Kinh đang cân nhắc hoãn chuyến công du Mỹ của Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại, để trả đũa.

Tuy nhiên, chiều nay (6/5), phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng xác nhận đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn đang tiến hành công tác chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo tại Mỹ. Vòng đàm phán mới nhất diễn ra hồi tuần trước ở Bắc Kinh được thông báo là đã thu về những kết quả tích cực.

Nguồn tin của SCMP cho hay, ông Lưu Hạc có thể khởi hành từ Bắc Kinh vào thứ Năm (9/5) tới, chậm hơn ba ngày so với lịch trình dự kiến, và trở về sau 1 ngày làm việc tại Mỹ.

Nguồn tin khác của tờ này cho biết cả Mỹ và Trung Quốc vẫn cam kết hướng đến thỏa thuận cuối cùng, nhưng động thái đe dọa tăng thuế của ông Trump đã đặt đoàn đàm phán Trung Quốc vào thế khó, bởi bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong lúc này đều có thể bị dư luận trong nước của Trung Quốc coi là sự đầu hàng trước Nhà Trắng.

Các nguồn tin hé lộ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ quyết những phương án nhượng bộ gia tăng đối với Mỹ mà các nhà đàm phán nước này đề xuất. Những nguồn tin thân cận với quá trình thảo luận nói, một trong số đề xuất được trình lên ông Tập có hứa hẹn thêm những thỏa hiệp [từ phía Bắc Kinh].

"Ông Tập nói với họ rằng 'Tôi sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả'," nguồn tin thứ hai nói với SCMP. Các nhà đàm phán Trung Quốc sau đó giới thiệu với Mỹ phương án đề xuất cứng rắn hơn.

Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nhận xét ông Trump đang thực hiện chiến thuật gây sức ép tối đa lên Bắc Kinh.

"Nếu Trung Quốc hủy chuyến công du [của ông Lưu Hạc], Trump sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc về thất bại của đàm phán thương mại," ông Lu nói. Một cách đáp trả khác mà Bắc Kinh có thể làm, đó là giảm quy mô phái đoàn đến Mỹ.

"Sau các vòng đối thoại căng thẳng, Trung Quốc đã quen thuộc với tác phong của ông Trump và chính quyền của ông. Những phát ngôn xoay chiều của Trump không phải bất ngờ lớn với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cần sẵn sàng cho một kịch bản 'tệ hơn cả tệ nhất'."

Giáo sư Shi Yinhong, thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, chỉ ra sức mạnh của nền kinh tế Mỹ cho phép ông Trump tự tin gây sức ép lên Trung Quốc để đòi hỏi những nhượng bộ lớn hơn, bởi một thỏa thuận hài lòng sẽ giúp ích lớn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của ông.

"Về ngắn hạn vẫn có thể sẽ thấy được một thỏa thuận thương mại, nhưng đối đầu trong quan hệ song phương sẽ còn kéo dài, bao gồm trong thương mại, chính trị và ý thức hệ," ông Shi nói.

Đe dọa tăng thuế được ông Trump đưa ra sau khi có những dấu hiệu cho thấy những vòng đàm phán mới nhất ở Bắc Kinh hồi tuần trước không thu được tiến triển trong một số đòi hỏi then chốt của Mỹ.

Nghi vấn dấy lên sau vòng đàm phán tuần trước khi người đứng đầu văn phòng ngoại vụ của Phòng thương mại Mỹ Myron Brilliant nói rằng Trung Quốc vẫn chần chừ đưa ra bảo đảm rằng sẽ cắt những trợ cấp ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhà nước - điều mà Mỹ cho là tạo nên tình trạng bất công trong cạnh tranh tự do trên thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại