Vài tuần qua, phố Wall liên tiếp phát đi tín hiệu cho thấy thị trường toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi. Ngay trước dòng thông điệp bất ngờ của ông Trump, người ta vẫn nghĩ rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến triển tốt, thậm chí các bên sẽ đạt được tiếng nói chung cho một thỏa thuận thương mại vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, hai dòng tweet của ông chủ Nhà Trắng, trong đó đe dọa tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc khi các cuộc đàm phán diễn ra ì ạch và nhiều mâu thuẫn, đã khiến mọi thứ đảo lộn. Chứng khoán tương lai Mỹ liên tục sụt giảm trong khi Shanghai Composite Index có lúc mất tới 5,7% giá trị, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018. Song song với đó, Chỉ số đo lường nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư (VIX) đã tăng tới 15%.
Cho dù là chiến thuật đàm phán hay là thứ gì đó đáng lo ngại hơn, những dòng tweet của ông Trump đã khiến thị trường, vốn bị ru ngủ trong mấy tuần gần đây, trở nên hoảng loạn. Tiến triển tích cực từ đàm phán thương mại, sự thay đổi của FED với lãi suất hay báo cáo thu nhập doanh nghiệp tốt hơn mong đợi đã trở nên "vô nghĩa" trước hai thông điệp của Tổng thống Trump.
Andrew Tilton, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs, nhận định: "Thị trường đang giả định rằng sẽ có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc và không có thêm sự leo thang trong các biện pháp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Với triển vọng đó, mọi thứ đang được cải thiện. Tuy nhiên, dòng thông điệp của ông Trump đang cho thấy sự ngược lại".
Michael McCarthy, chiến lược gia thịt rường trưởng của CMC Markets Asia Pacific Pty , thi lập luận rằng mọi thứ có vẻ không tệ như bề ngoài. Tuy nhiên, nó cũng đủ đập tan mọi động lực tích cực mà chúng ta đã thấy thời gian qua. "Câu hỏi đặt ra là đây có phải một chiến lược đàm phán phút cuối của ông Trump hay là dấu mốc của sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán", McCarthy chia sẻ.
Tài sản toàn cầu hiện đang biến động mạnh mẽ sau hai dòng thông điệp của ông Trump. Đồng nhân dân tệ đang giảm mạnh nhát kể từ năm 2016. Dầu thô WTI giảm 2% xuống còn 60 USD/thùng. Hàng hóa nông nghiệp cũng đang hứng chịu sự sụt giảm. Chứng khoán Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung hứng chịu những cú sụt giảm mạnh mẽ. Chứng khoán tương lai của Mỹ cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
"Có thể mức tăng kỷ lục gần đây của S&P 500 có thể khiến ông Trump đủ tự tin về khả năng hấp thụ của thị trường với một đợt suy giảm cũng như tạo sức ép cho cái mà chính quyền của ông tin là Trung Quốc đang kéo dài thời gian. Chúng có thể nằm trong nỗ lực để đạt được những nhượng bộ lớn từ Trung Quốc vào phút chót", Charlie McElligott của Nomura Holdings Inc. nhận định.
Điều quan trọng nhất cần theo dõi ở thời điểm hiện tại là phản ứng của Trung Quốc. Trước đây, người ta luôn nghiêng về phương án sẽ có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh xem xét hủy cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong tuần này có thể đẩy tình hình đi rất xa và nằm ngoài dự đoán.