Hai chiến hạm Mỹ áp sát phạm vi 12 hải lý Đá Gạc Ma, Đá Ga Ven trên biển Đông

Hải Võ |

Hãng Reuters đưa tin, hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ ngày 6/5 đã thực hiện chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông.

Theo đó, hai khu trục hạm USS Preble và USS Chung Hoon của hải quân Mỹ đã lưu thông vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gạc Ma và Đá Ga Ven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 (Mỹ), ông Clay Doss cho biết việc tàu thuyền Mỹ "di chuyển vô hại" qua các vùng nước quốc tế "tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế về bảo vệ lưu thông đường thủy".

Động thái ngày 6/5 là hành động mới nhất của Washington nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông.

Trong thời gian qua, hải quân Mỹ đã nhiều lần thực thi các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trên biển Đông. Hôm 11/2, các tàu USS Spruance và USS Preble cũng tiếp cận vùng nước xung quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh tuyên bố phản đối hành động của Mỹ và khẳng định đã điều động chiến hạm, máy bay của Quân giải phóng để "xác định, cảnh cáo, trục xuất" tàu chiến Mỹ.

Mới đây, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè kể từ hôm 1/5 trên các vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và khu vực phía trên 12 độ vĩ Bắc ở biển Đông. Nước này ngang nhiên tuyên bố, các tàu đánh cá trong nước lẫn nước ngoài đều sẽ bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc giám sát 24/7 và xử lý nếu vi phạm.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 4/5 khẳng định:

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại