Nội chiến Libya: TT Trump đã quyết định "nắm người có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mấy ngày nay, có một động thái làm cho tất cả mọi người bất ngờ, Washington đột ngột thay đổi thái độ đối với Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), tướng Khalifa Haftar.

Mới đây thôi, vào đầu tháng 4/2019, Mỹ cùng với các nước phương Tây, một số quốc gia khác trong khu vực Trung Đông và Liên hợp quốc, đã chỉ trích gay gắt tướng Hafta, đối thủ chính của người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) Fayez Al-Sarraj về việc LNA mở chiến dịch quân sự vào Tripoli.

Trong khi đó Liên hợp quốc đang chuẩn bị một nghị quyết lên án cuộc phiêu lưu quân sự của Haftar, yêu cầu ông phải ngừng bắn ngay lập tức và rút các lực lượng của mình về các nơi đồn trú trước cuộc tấn công, đổ trách nhiệm cho Haftar về tình hình căng thẳng hiện nay.

Điện đàm với tướng Haftar, TT Trump đã nói gì?

Ngày 19/4/2019, Cục Báo chí của Nhà Trắng ra thông cáo cho biết ngày 15/4/2019 Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), tướng Khalifa Haftar.

Hai bên đã thảo luận về sự cần thiết phải lập lại hoà binh ở Libya, khả năng giải quyết chính trị cho cuộc xung đột, cũng như triển vọng của cuộc chiến chống khủng bố.

Trước đó, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói ông ủng hộ "vai trò chống khủng bố" của tướng Haftar và Washington cần "sự hỗ trợ của Haftar trong việc xây dựng sự ổn định dân chủ ở Libya."

Đáng lưu ý, trong cuộc điện đàm này Tổng thống Trump thừa nhận tướng Haftar đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an toàn cho các nguồn tài nguyên dầu mỏ của Libya.

Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo về các biện pháp ổn định tình hình ở Libya và tiến trình dân chủ hóa hệ thống chính trị tại quốc gia này. Đặc biệt, ông Trump khẳng định "hai bên có tầm nhìn chung về tương lai của Libya".

Nội chiến Libya: TT Trump đã quyết định nắm người có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu - Ảnh 1.

Thành viên Quân đội Quốc gia Libya trên đường tấn công vào Tripoli ngày 13/4/2019. Ảnh: Reuters

Đây là sự liên hệ chính thức đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và tướng Haftar kể từ khi Mỹ và NATO tấn công Libya, lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Al-Qaddafi năm 2011 đến nay, đặc biệt từ khi hình thành hai chính phủ tại Libya, một của Fayez Al-Sarraj ở Thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc ủng hộ và một của Abdullah Al-Thani ở Tobruk được Quốc hội Libya bầu và Quân đội quốc gia Libya (LNA) ủng hộ.

Trong những năm qua, một quyền lực kép đã được thiết lập ở Libya: Chính phủ Hoà hợp Dân tộc của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj đóng ở Thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và Chính phủ Tobruk do Abdullah Al-Thani ở phía Đông được Quốc hội bầu và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar ủng hộ.

Đầu tháng 4 năm nay, Haftar đã ra lệnh mở cuộc tấn công đánh chiếm Tripoli. Đáp lại, Sarraj tuyên bố các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang của ông sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Thủ đô

Đáng lưu ý, cuộc điện đàm này được tiến hành sau khi Mỹ và Nga trong một động thái rất hiếm, đã đạt được đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn chặn việc thông qua dự thảo nghị quyết của Anh kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức ở Tripoli.

Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh giao tranh ác liệt lên đến đỉnh cao giữa các lực lượng của tướng Haftar và quân của Fayez Al-Sarraj.

Qua việc làm này có thể hiểu được rằng Washington đã quyết định chuyển sang ủng hộ tướng Haftar và đứng về phía bộ ba Ả Rập Saudi-Ai Cập-Emirates đang công khai ủng hộ cuộc tấn công của tướng Haftar vào Thủ đô Tripoli.

Đây không phải là hành động ngẫu hứng của Tổng thống Trump mà là một quyết định được cất nhắc hết sức kỹ lưỡng sau khi biết chắc ai sẽ là người quyết định cuộc chiến ở Libya. Đây là sự chuyển biến mới hết sức quan trọng trong quan điểm của các nước đối với cuộc khủng hoảng Libya.

Vì sao Mỹ thay đổi thái độ chuyển sang ủng hộ tướng Khalifa Haftar?

Điều gì đã khiến ông chủ nhà Trắng thay đổi thái độ với Haftar, một nhân vật mà chính Mỹ và nhiều nước phương Tây coi là cứng rắn, độc đoán... rất giống tính cách của nhà lãnh đạo Muammar Al-Qaddafi trước đây?

hiều nhà quan sát chính trị cho rằng, mặc dù được quốc tế ủng hộ, nhưng thế và lực của ông Fayez Al-Sarraj quá yếu. Ba năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi trở về Libya trên một tàu chiến của nước ngoài, thành lập chính phủ GNA ở Tripoli, đến nay ông Al-Sarraj vẫn không thành lập được một quân đội của mình.

Ông đã phải tuyển dụng các nhóm dân quân và chiến binh Hồi giáo cực đoan khác nhau. Rất nhiều phẩn tử Hồi giáo đã lọt vào nắm giữ các trọng trách trong Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các cơ quan khác của chính phủ GNA.

Họ buộc phải chiến đấu chống lại cuộc tấn công của LNA, nếu không thì các tổ chức của họ sẽ bị tan rã và mất khả năng tồn tại.

Trên chiến trường, mặc dù chiến sự còn đang diễn ra ác liệt, nhưng với sự giúp đỡ về quân sự của Ai Cập, Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quôc Ả Rập Thống nhất (UAE), các lực lượng LNA của tướng Haftar đang ở thế tiến công và làm chủ tình hình.

Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, người phát ngôn chính thức của LNA, tướng Ahmed Al-Mismari nói chính phủ Tobruk được LNA ủng hộ đang kiểm soát 90% lãnh thổ Libya. Chính phủ GNA của Thủ tướng F. Al-Sarraj chỉ kiểm soát được Thủ đô Tripoli và một số khu vực lân cận.

Về kinh tế, cũng theo Interfax, chính phủ Tobruk đang kiểm soát hầu hết các mỏ dầu và các cảng xuất khẩu dầu ở Libya, trong đó có các cảng quan trọng là Ras-Lanuf, Al-Sider, Khariga ở Tobruk và Buga, Zuitina ở Tây-Nam Bengazi. Libya là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Trước chiến tranh sản lượng dầu thô của Libya đạt mốc 1,750 triệu thùng/ngày. Hiện nay, mặc dù tình hình không ổn định, nhưng sản lượng dầu của Libya vẫn đạt ngưỡng 1,100 triệu thùng/ngày.

Libya có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Nga. Ảnh hưởng của Nga tại Libya vẫn hết sức to lớn. Hiện nay quân đội LNA của tường Haftar trong biên chế khoảng 63 ngàn người và được vũ trang bằng 98% vũ khí của Nga.

Ngày 20/4/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Libya (Chính phủ Tobruk) Abdul Hadi Al-Hweij đã gặp Đại sứ Nga tại Libya Ivan Molotkov khẳng định mối quan hệ lịch sử giữa Libya và Nga, đồng thời bày tỏ nguyện vọng tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước thông qua việc thực hiện các thoả thuận đã ký trước đây và nối lại hoạt động của Uỷ ban hỗn hợp Libya-Nga.

Ông Abdul Hadi Al-Hweij kêu gọi các công ty Nga nối lại các dự án bị đình chỉ, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng và tái thiết các thành phố bị chiến tranh tàn phá. Trong tình hình như vậy, Washington không muốn để Libya rơi vào quỹ đạo của Moskva.

Vai trò của Liên Hợp Quốc mờ nhạt

Mặc dù Liên hợp quốc công nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Al-Sarraj và tiến trình hoà giải tại Libya, nhưng đến nay đã gần 4 năm trôi qua các cố gắng của tổ chức này không đem lại kết quả nào. Ba nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga, Mỹ và có thể cả Trung Quốc đứng về phía tướng Haftar, không ủng hộ dự thảo nghị quyết của Anh.

Ba thành viên châu Phi không thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Nam Phi, Bờ biển Ngà và Guinea Xích đạo mới đây cũng đã thêm tiếng nói của mình phản đối dự thảo nghị quyết của Anh. Một số chuyên gia cho rằng dự thảo nghị quyết này là "vô nghĩa".

Nội chiến Libya: TT Trump đã quyết định nắm người có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu - Ảnh 3.

Trong khi đó, Ai Cập là Chủ tịch đương kim của Liên minh châu Phi (AU), thân hữu với cả Haftar và Trump có vai trò rất lớn trong việc tập hợp số phiếu tại Hội đồng Bảo an về Libya.

Đến nay chưa có thống kê về thiệt hại trong cuộc chiến tranh Libya từ năm 2011 đến nay. Theo các nguồn khác nhau, trong tám năm qua đã có khoảng 50 ngàn người Libya bị chết, 1,3 triệu người, chiếm 10% dân số Libya mất nhà ở phải sống tỵ nạn ở các nơi trên thế giới.

Cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và NATO lật đổ chế độ Qaddafi năm 2011 đã đẩy đất nước Libya vào tình trạng hỗn loạn và nội chiến kéo dài. Mỹ và NATO phải chịu trách nhiệm về tình hình này.

Rất khó có thể dự đoán được chính xác kết cục của trận chiến quyết định ở Tripoli. Nhưng dù lực lượng của tướng Haftar hay của Al-Sarraj giành được thắng lợi thì một điều chắc chắn là người dân Libya sẽ phải trả giá đắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại