Tứ bề thọ địch: Ông Trump "cực kì hoảng sợ" khi bị điều tra, nhưng chẳng ai chịu giúp đỡ

Tất Đạt |

Báo cáo của ông Robert Mueller đã cho thấy những điều ít ai biết về động thái của ông Trump khi bị điều tra.

Cuộc gọi kì lạ

Hai tháng trước khi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller được bổ nhiệm vào đầu năm 2017, tổng thống Donald Trump đã gọi một cuộc điện thoại hiếm hoi cho người đứng đầu cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ.

Ông Trump nói với ông Mike Rogers - giám đốc của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - rằng những câu chuyện cáo buộc đội ngũ tranh cử tổng thống của ông hồi năm 2016 có thông đồng tới Nga đều là chuyện bịa đặt. Ông Trump hỏi liệu ông Rogers có thể làm gì để "giải quyết" những lời cáo buộc như vậy hay không.

Ông Rogers và Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Mỹ Richard Ledgett đều bị sốc khi nhận cuộc gọi này.

Sau đó, ông Ledgett đã viết một ghi chú về cuộc gặp và lời yêu cầu của ông Trump. Ông Ledgett và ông Rogers cùng kí và lưu văn bản đó trong két. Ông Ledgett nhận định rằng "đây là điều kì lạ nhất ông từng gặp trong 40 năm làm việc cho chính phủ".

Việc ông Trump tiếp cận ông Rogers và những sĩ quan tình báo cấp cao của Mỹ đã đi ngược lại hoàn toàn quan điểm vốn có của ông đối với các cơ quan tình báo và cho thấy ông Trump đã thực sự lo ngại cuộc điều tra.

Tứ bề thọ địch: Ông Trump cực kì hoảng sợ khi bị điều tra, nhưng chẳng ai chịu giúp đỡ - Ảnh 1.

Ông Mike Rogers trong phiên điều trần tại Washington. Ảnh: AP Photo/Pablo Martinez Monsivais

Tại thời điểm gọi điện, dù mới chỉ làm tổng thống trong khoảng 60 ngày đầu, nhưng ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các cơ quan tình báo bằng những lời bình luận khó nghe.

Từ lúc đó trở đi, ông Trump liên tục thể hiện sự "khó chịu" với tình báo Mỹ. Tại buổi họp báo ở Helsinki sau cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga, ông Trump tuyên bố ông tin tưởng vào lời phủ nhận của ông Putin rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, mặc cho các cơ quan tình báo Mỹ đã có kết luận chắc chắn về vấn đề này.

"Tôi không thấy có lí do nào để Nga can thiệp bầu cử cả," ông Trump nói. Trước đó, ông Trump còn gọi các nhân viên an ninh quốc gia Mỹ là những người "ngây thơ", và "có lẽ họ nên trở lại trường học thì tốt hơn".

Tuy vậy, theo điều tra của ông Mueller, ông Trump đã tìm tới chính những cơ quan tình báo Mỹ để yêu cầu được giúp đỡ khi đội ngũ của ông Mueller bắt đầu tìm hiểu về can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ.

Ông Trump gọi điện cho ông Rogers vào ngày 26/3/2017, chỉ vài tuần sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions quyết định đứng ngoài cuộc điều tra. Hành động này của ông Sessions đã khiến ông Trump tức giận.

Giám đốc FBI James Comey tuyên bố với Quốc hội rằng FBI sẽ không chỉ điều tra can thiệp của Nga vào bầu cử, mà còn tìm thêm những mối liên hệ hoặc quan hệ tiềm năng giữa Moskva và đội ngũ tranh cử của ông Trump.

Cuộc gọi tới ông Rogers và những người khác đã được ông Mueller ghi chép tỉ mỉ trong cuộc điều tra về hành vi cản trở công lý của tổng thống Mỹ.

Tứ bề thọ địch: Ông Trump cực kì hoảng sợ khi bị điều tra, nhưng chẳng ai chịu giúp đỡ - Ảnh 2.

Cuộc điều tra của ông Mueller đã khiến ông Trump lo ngại. Ảnh: AP

Không ai giúp ông Trump

Trong báo cáo dài 448 trang được công bố vào tuần trước, ông Mueller kết luận rằng mặc dù ông Trump đã cố gắng kiểm soát và chấm dứt cuộc điều tra về Nga nhưng hầu hết những người xung quanh đều không muốn giúp đỡ tổng thống Mỹ.

Ông Mueller cho biết các bằng chứng không chỉ ra rằng ông Trump yêu cầu hoặc ra lệnh cho các cơ quan tình báo "chặn đứng hoặc can thiệp vào cuộc điều tra Nga của FBI".

Cụ thể, trong cuộc gọi tới cho ông Rogers, ông Trump "bày tỏ sự phiền hà với cuộc điều tra Nga, cho rằng vụ việc sẽ khiến quan hệ Mỹ - Nga trở nên khó khăn, căng thẳng hơn".

Ông Trump nói những cáo buộc liên hệ ông với Nga đều không phải sự thật và đề nghị ông Rogers "xem xem có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó không".

Ông Trump cũng có lời đề nghị tương tự với các quan chức tình báo cấp cao khác.Ngày 22/3/2017, ông Trump nhờ ông Mike Pompeo và Giám đốc tình báo Dan Coats đứng phía sau ông trong cuộc họp tại Nhà Trắng và đề nghị 2 ông này "nói một cách công khai rằng không có bất kì mối liên hệ nào giữa ông Trump và Nga".

Theo báo cáo, Giám đốc tình báo Dan Coats tỏ ra không đồng ý với đề nghị và "nhiệm vụ của ông Coats chỉ là cung cấp thông tin tình báo và sẽ không can thiệp gì vào cuộc điều tra của FBI".

Ông Pompeo thừa nhận ông Trump thường xuyên thúc giục các quan chức nói rằng ông Trump không làm điều gì sai liên quan tới Nga. Nhưng ông Pompeo nói ông không nhớ gì về việc được ông Trump yêu cầu đứng phía sau trong cuộc họp ngày 22/3.

Trong 2 lần khác, khi bắt đầu cuộc họp để thảo luận những vấn đề tình báo quan trọng, ông Trump nói ông hi vọng truyền thông có thể đưa tin rằng ông không thông đồng với Nga.

Có thể thấy, ông Trump dường như đã cố gắng rất nhiều để tránh khỏi cáo buộc có liên quan tới Nga trong suốt thời gian tranh cử và thời gian cầm quyền. Tuy báo cáo của FBI không đủ bằng chứng để luận tội ông Trump, nhưng theo như ông Mueller, điều này cũng không đủ để khẳng định ông Trump "hoàn toàn vô tội".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại