Quang Trung lên ngôi, có quyết định quan trọng, thoát li chữ Hán

B.T sưu tầm, SGK Sử 10 |

Sự phát triển của ngoại thương, kinh tế hàng hóa và giao lưu với thế giới bên ngoài cũng tác động lớn đến đời sống văn hóa ở cả hai Đàng.

Về tư tưởng, tôn giáo

Nho giáo từng bước suy thoái, tôn ti trật tự phong kiến không còn được tôn trọng như trước mặc dù các chính quyền Lê – Trịnh, Nguyễn tìm mọi cách củng cố. Phật giáo, Đạo giáo có điều kiện khôi phục vị trí của mình nhưng không được như dưới thời Lý, Trần. Chùa quán được xây dựng thêm.

Nhiều vị chúa quan tâm xây dựng, sửa sang các ngôi chùa lớn. Nhân dân, quan chức cũng đóng góp tiền của, ruộng đất, sửa sang chùa chiền, đúc chuông, tô tượng.

Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, nhiều giáo sĩ đạo Thiên Chúa phương Tây theo các thuyền buôn nước ngoài vào Việt Nam truyền đạo. Nhà thờ Thiên Chúa giáo mọc lên ở nhiều nơi. Đạo Thiên Chúa trở thành một tôn giáo lan truyền trong cả nước. Tuy nhiên, về sau do nhiều điểm khác biệt, hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ bị nhà nước phong kiến cấm đoán.

Quang Trung lên ngôi, có quyết định quan trọng, thoát li chữ Hán - Ảnh 1.

Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes góp công lớn sáng tạo ra chữ Quốc ngữ

Thế kỉ XVII, cùng với sự truyền bá của Thiên Chúa giáo, chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh cũng được sáng tạo. Tuy nhiên, bấy giờ chữ Quốc ngữ chỉ được dùng chủ yếu trong phạm vi hoạt động truyền giáo, mà không được phổ cập rộng rãi trong xã hội.

Tiếp nhận ảnh hưởng của các tư tưởng và tôn giáo, người dân Việt Nam đã tạo nên một nếp sống văn hoá riêng trên cơ sở hoà nhập với nền văn hoá cổ truyền thể hiện trong quan hệ gia đình, người già người trẻ, phân biệt phải trái, đúng sai, chân thực, khoan dung trong cuộc sống.

Đồng thời, các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được phát huy, tôn trọng như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công với làng với nước, nhất là những người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh chùa chiền, các nhà thờ đạo, những đền thờ, lăng miếu được xây dựng ở nhiều nơi.

Phát triển giáo dục và văn học

Giáo dục

Nhà Mạc được thành lập, tiếp tục phát triển giáo dục, tổ chức đều đặn các kì thi Hương, thi Hội để tuyển chọn nhân tài. Khi đất nước bị chia cắt, ở Đàng Ngoài, nhà nước Lê – Trịnh cũng cố gắng tiếp tục mở rộng giáo dục Nho học theo chế độ thời Lê sơ.

Nhiều khoa thi được tổ chức nhưng số người đi thi và số người đỗ đạt không nhiều. Ở Đàng Trong, mãi đến năm 1646, chúa Nguyễn mới mở khoa thi đầu tiên theo cách riêng. Nội dung Nho học sơ lược. Vua Quang Trung lên ngôi, lo chấn chỉnh lại giáo dục, cho dịch các sách kinh từ chữ Hán ra chữ Nôm để học sinh học, đưa văn thơ Nôm vào nội dung thi cử.

Quang Trung lên ngôi, có quyết định quan trọng, thoát li chữ Hán - Ảnh 2.

Chiếu chỉ của Quang Trung về dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm

Tuy nhiên, nội dung giáo dục chủ yếu vẫn là kinh, sử. Các bộ môn khoa học tự nhiên không được chú ý, không được đưa vào khoa cử.

Văn học

Từ thế kỉ XVI – XVII, cùng với sự suy thoái của Nho giáo, văn học chữ Hán đã mất dần vị thế vốn có của nó trong thời Lê sơ. Tuy vậy, ở Đàng Trong cũng xuất hiện một số nhà thơ và hội thơ. Bên cạnh đó, xuất hiện một số nhà nghiên cứu biên soạn các sưu tập thơ văn, một số người viết truyện kí... góp phần làm cho văn học thêm phong phú.

Chữ Nôm bắt đầu xuất hiện ở các thế kỉ XI – XII; dần dần được dùng nhiều để sáng tác văn học. Từ thế kỉ XVI – XVII, xuất hiện nhiều nhà thơ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ v.v...

Tuy nhiên, trong lúc văn học chính thống có phần suy thoái thì trong nhân dân hình thành và phát triển một trào lưu văn học dân gian khá rầm rộ.

Với tài năng của mình, nhân dân đã sáng tác hàng loạt ca dao, tục ngữ, truyện cười, truyện dân gian v.v... vừa nói lên tâm tư nguyện vọng của mình về một cuộc sống tự do, thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, ca ngợi quê hương, vừa phản ánh những phong tục tập quán hay đặc điểm của quê hương.

Văn học dân gian cũng phát triển ở các vùng dân tộc ít người làm cho kho tàng văn học thêm đa dạng, phong phú, phản ánh cuộc sống tinh thần và tâm linh của người dân Việt Nam đương thời. Chính trên cơ sở đó, thơ ca chữ Nôm ngày càng được trau chuốt, để rồi hình thành những áng thơ Nôm bất hủ như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc...

Nghệ thuật và khoa học – kĩ thuật

Ở các thế kỉ XVI – XVIII, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tiếp tục phát triển với các công trình có giá trị như chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế), tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), các tượng La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Tây)...; xuất hiện một số tượng nhân vật (vua, chúa...), tranh vẽ chân dung.

Quang Trung lên ngôi, có quyết định quan trọng, thoát li chữ Hán - Ảnh 3.

Các vị La hán chùa Tây Phương (Hà Nội)

Cùng với văn học dân gian, một trào lưu nghệ thuật dân gian được hình thành. Trên các vì, kèo ở những ngôi đình làng, các nghệ nhân đã khác lên những cảnh sinh hoạt thường ngày của nhân dân như đi cày, đi bừa, đấu vật, nô dùa, hát xướng v.v... Trình độ nghệ thuật tuy đơn giản nhưng phản ánh được cuộc sống của người dân thường.

Nghệ thuật sân khấu phát triển cả ở Đàng Ngoài, Đàng Trong. Nhiều làng có phường tuồng, phường chèo. Bên cạnh đó, phổ biến hàng loạt làn điệu dân ca mang tính địa phương đậm nét như quan họ, hát giặm, hò, vè, lí, si, lượn v.v...

Số công trình nghiên cứu khoa học tăng lên. Về sử học, bên cạnh các bộ lịch sử của nhà nước, có nhiều bộ lịch sử của tư nhân như Ô châu cận lục, Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử kí tiền biên...

Và đặc biệt là bộ sử thi bằng chữ Nôm Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh); về địa lí có tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư; về quân sự có tập Hổ trướng khu cơ (của Đào Duy Từ); về triết học có một số bài thơ, tập sách của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn; về y học có bộ sách y dược của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác v.v... Ngoài ra còn nhiều tác phẩm về nông học, văn hoá Việt Nam...

Do những hạn chế về quan niệm và giáo dục đương thời, khoa học tự nhiên không có điều kiện phát triển.

Quang Trung lên ngôi, có quyết định quan trọng, thoát li chữ Hán - Ảnh 5.

Một số đạn dược sử dụng thời Tây Sơn

Về kĩ thuật: Nhu cầu quốc phòng đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo một số thành tựu kĩ thuật như đúc súng đại bác theo kiểu phương Tây, đóng thuyền chiến, xây thành luỹ...

Sử cũ viết: "Người thợ kính là Nguyễn Văn Tú... trước được sang Hà Lan học nghề 2 năm, về nước có thể chế các hạng đồng hồ và kính thiên lí rất khéo. Ông đã từng chế tạo một chiếc đồng hồ hạng trung, phía trong bớt đi 5 bánh xe và 6 quả chuông nhỏ. Đo bóng mặt trời mà nghiệm thì rất đúng." (Phủ biên tạp lục)

Ngoài ra, vào các thế kỉ XVII – XVIII, một số thành tựu kĩ thuật phương Tây đã du nhập vào nước ta thông qua con đường ngoại thương và truyền đạo, nhưng do nhiều hạn chế nên không có điều kiện để phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại