Vì sao hơn 1 thập kỷ tham vọng của Thượng Hải "ngậm trái đắng" dưới thời ông Tập Cận Bình?

Hải Võ |

Thượng Hải đang "hụt hơi" trước tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế toàn diện vào năm 2020 - theo điều tra của Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại thành phố này.

AmCham: Thượng Hải khó có thể thành trung tâm tài chính toàn cầu vào 2020

Kế hoạch của Thượng Hải được công bố vào năm 2009, trong đó giới chức thành phố cam kết sẽ đưa nơi này trở nên ngang hàng với New York, London và Hồng Kông. "Thời hạn" của lời hứa này là năm 2020.

Trong khi hạn chót để thực hiện mục tiêu đang đến gần, Thượng Hải vẫn được biết đến chủ yếu như một trung tâm thương mại và vận tải. Các quy định hạn chế của nhà nước trong việc di chuyển nguồn tiền trong và ngoài Trung Quốc đã cản trở tham vọng trở thành thị trường tiền tệ quốc tế của Thượng Hải. Các nhà băng Mỹ nói rằng phải mất 5-10 năm nữa Thượng Hải mới có thể giành lại ngôi vị kinh đô tài chính phương Đông mà nó đã có vào giai đoạn trước năm 1949.

Hơn một nửa trong 26 nhà điều hành trong lĩnh vực công nghiệp tài chính tham gia cuộc điều tra của AmCham Thượng Hải mới đây đánh giá thành phố này đang chật vật tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa phục vụ chính sách của Bắc Kinh và cung cấp môi trường lý tưởng cho nhà đầu tư toàn cầu.

Vì sao hơn 1 thập kỷ tham vọng của Thượng Hải ngậm trái đắng dưới thời ông Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

Những tòa nhà chọc trời ở quận Phố Đông, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Theo điều tra được công bố hôm thứ Năm (4/4), sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với lưu thông tiền tệ và sự can thiệp nặng nề của chính phủ vào thị trường tài chính, cùng với sự hạn chế của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, đã cản trở Thượng Hải tiến đến vai trò một cửa ngõ tài chính.

Dù thành phố đạt được một vài tiến triển ở các khu vực xác định trong thập niên qua, bao gồm kết nối với thị trường chứng khoán Hồng Kông, thì vẫn còn nhiều rào cản đáng kể cần được dỡ bỏ - theo các chuyên gia tham gia điều tra của AmCham. Ví dụ, các nhà điều hành nói cơ quan quản lý Trung Quốc thường xuyên thông báo cho các nhà băng nước ngoài về những thay đổi chính sách không chính thức chậm trễ hơn so với ngân hàng trong nước, làm dấy lên câu hỏi về việc ứng xử bất công với tổ chức/doanh nghiệp trong và ngoài nước.

"Các ngân hàng Trung Quốc đại diện cho rủi ro hệ thống lớn hơn nhiều so với các ngân hàng ngoại quốc, và do đó họ cần được tương tác nhiều hơn với cơ quan quản lý, mối liên hệ của họ với nhà quản lý có nghĩa là các nhà băng Trung Quốc được hưởng lợi ích cạnh tranh bất công bằng cách nhận được những cảnh báo thay đổi chính sách trước những đơn vị khác," báo cáo điều tra của AmCham nói.

Vì sao hơn 1 thập kỷ tham vọng của Thượng Hải ngậm trái đắng dưới thời ông Tập Cận Bình? - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (CIIE 2018) và Diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều 2018, ngày 5/11/2018 (Ảnh: EyePress)

Chính phủ can thiệp sâu đã chặn bước tiến của Thượng Hải

Theo số liệu từ chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các nhà băng nước ngoài chỉ chiếm 10% tài sản ngân hàng và tổng số lao động trong ngành tài chính của thành phố, tính đến cuối năm 2017.

Sự hiện diện của ngoại tệ trong thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng hết sức nhỏ bé. Chỉ không đến 0.5% lượng cổ phiếu giao dịch công khai được sở hữu bởi nhà đầu tư ngoại quốc tính đến cuối tháng 3/2019 - theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào thị trường chứng khoán được xem là rào cản chủ yếu đối với mục tiêu 2020 của Thượng Hải. Hơn một nửa số người được hỏi đánh giá tiêu cực về cơ hội được tiếp cận với thị trường chứng khoán Thượng Hải, lòng tin vào thị trường, và thời gian thanh toán cổ phiếu.

Một số ý kiến trong điều tra của AmCham nhận xét Thượng Hải thiếu các chuyên gia tài chính chất lượng và kiến nghị chính quyền đầu tư thêm vào giáo dục đạo đức cho nhân sự trong ngành này - với trọng điểm nhằm tránh xung đột lợi ích và ngăn ngừa giao dịch nội gián.

Các thành viên AmCham còn bày tỏ nghi ngờ rằng liệu ngành tài chính Thượng Hải có kiểm soát được số phận của chính mình, trong khi những quyết định quan trọng nhất được đưa ra ở Bắc Kinh.

Martin Lockstrom, chủ tịch QuantCore Capital Management, bình luận: "Mọi người nên hiểu điều gì cấu thành một giao điểm tài chính toàn cầu. Theo tôi, [Thượng Hải] thể hiện nhiều hơn về kiểm soát chính trị. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chúng ta đã chứng kiến sự củng cố quyền lực, thắt chặt quản lý trên mạng, trên truyền thông."

"Tôi cảm thấy [mục tiêu 2020] còn chưa chín muồi. Khi kế hoạch được công bố vào năm 2009 thì đó là trước thời kỳ Tập Cận Bình, còn đến nay mới thấy rõ nó vẫn chưa chín muồi," ông nói.

Brock Silvers, giám đốc điều hành Kaiyuan Capital ở Thượng Hải, cũng đồng tình rằng trung tâm kinh tế hàng đầu Trung Quốc vẫn chưa phải là một trung tâm tài chính toàn cầu.

"Thượng Hải sẽ lập tức trở thành trung tâm tài chính hàng đầu toàn cầu nếu nó có thể ngừng kiểm soát dòng tiền và thả nổi đồng nhân dân tệ, nhưng Bắc Kinh chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy những biện pháp đó đang được cân nhắc," Silvers nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại