Các địa phương Trung Quốc nợ tới 92% GDP?
SCMP cho hay, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang chật vật để xử lý thực trạng tài chính ở các nơi. Những núi nợ khổng lồ u ám - phát sinh từ "công cụ tài chính của chính quyền địa phương" (LGFV) và các thỏa thuận khác - là một trong những rủi ro then chốt đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
LGFV được coi là xương sống của chính quyền các địa phương Trung Quốc trong nỗ lực phát triển hạ tầng. Đây là phương tiện cho phép nhà chức trách huy động tài chính bổ sung, bởi họ bị cấm vay tiền trực tiếp trên các thị trường tài chính.
Khi ra mắt, LGFV có chức năng hỗ trợ các địa phương huy động vốn đầu tư hạ tầng bằng cách phát hành trái phiếu hoặc vay thế chấp bằng bất động sản. Tuy nhiên, LGFV bị nhiều chuyên gia lo ngại vì sự kém rõ ràng, tồn tại khuyết điểm có thể dẫn đến thất thoát tài chính và làm phát sinh "nợ chìm".
Bộ tài chính Trung Quốc đã chính thức xác nhận giá trị nợ địa phương của nước này tính đến cuối năm 2018 đã lên đến 18.4 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 2.74 nghìn tỉ USD), tương đương 20% GDP Trung Quốc.
Theo Bộ này, cộng thêm nợ của chính phủ trung ương, tổng số nợ cũng chỉ tương đương với khoảng 37% GDP Trung Quốc - con số mà Bắc Kinh thường khẳng định là nằm trong khoảng rủi ro cho phép.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng số nợ thực tế của chính quyền các tỉnh thành có thể lớn hơn nhiều lần so với phần được "xác định rõ" - chủ yếu dưới dạng trái phiếu phát hành dưới sự chấp thuận của trung ương. Phần "chìm" này được cho là nằm trong các khoản nợ theo LGFV và các doanh nghiệp nhà nước do chính quyền địa phương quản lý.
Zhang Xiaojing, phó giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) - cơ quan trực thuộc chính phủ, ước tính khoản nợ thực tế của chính quyền tại nước này có thể đạt tới 92% GDP trong năm 2017 nếu tính cả những món "nợ tiềm ẩn".
Theo Zhang, các khoản nợ công - bao gồm chi phí cho chính quyền các cấp, doanh nghiệp nhà nước và LGFV - có thể chiếm đến 40% GDP.
"Mô hình [phát triển kinh tế] do nhà nước dẫn dắt từng là công cụ quan trọng góp phần vào sự cất cánh của kinh tế Trung Quốc, nhưng hiện nay thì nó là nguyên nhân hệ thống cho những gia tăng rủi ro tích lũy," ông Zhang phát biểu hôm 1/4 tại hội nghị thường niên của Viện nghiên cứu quốc gia về Tài chính và Phát triển.
Đối với chi tiêu cho hạ tầng ở Trung Quốc, chỉ 15% nguồn vốn được cấp từ chính phủ và 5% khác từ nguồn thu của chính phủ. 80% số vốn còn lại thường được vay mượn dưới nhiều hình thức và một số trong đó là "nợ tiềm ẩn" - theo đánh giá của Zhang.
Ví dụ gần đây là Dandong Port - một công ty vận hành cảng tư nhân ở biên giới Trung Quốc-Triều Tiên, đã yêu cầu địa phương thanh toán 22.8 tỉ tệ (3.4 tỉ USD) cho các hạng mục cải tạo đất đai và xây dựng hạ tầng mà họ đứng ra thực hiện cho chính quyền. Chính quyền thành phố Đan Đông đã công khai bác bỏ yêu cầu này.
Tại thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, chính quyền bản địa nhận thấy việc trả nợ là hết sức khó khăn, và Ngân hàng phát triển Trung Quốc (do nhà nước điều hành) đã can thiệp để chuyển hóa các khoản nợ thành "vay dài hạn lãi suất thấp" - động thái được ghi nhận là hành động giải cứu từ trung ương.
Trấn Giang không phải trường hợp duy nhất trong số nhiều chính quyền địa phương ở 31 tỉnh, 334 thành phố, 3.000 huyện và khoảng 40.000 thị trấn/làng xã.
Ông He Keng, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban tài chính kinh tế Quốc hội Trung Quốc, nhận xét vào tháng 5/2018 rằng "không có một chính quyền địa phương nào sẵn sàng trả nợ" và "rất nhiều [chính quyền các địa phương ở Trung Quốc] khó có thể trả nổi tiền lãi".
Thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Giải pháp "giật gấu vá vai"
Các nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích đã thử tính toán khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc cũng như các nền tảng kiểm soát của họ, căn cứ trên những số liệu được công khai như nguồn thu tài chính của địa phương cùng nợ xác định được. Kết luận chung là hầu hết chính quyền địa phương nước này đều mắc nợ nghiêm trọng.
SCMP cho hay, Hồ Nam có nợ tới hạn trong năm 2019 tương với 62.6% tổng thu nhập tài chính của tỉnh này trong năm 2018. Các tỉnh Giang Tô, Thiểm Tây, Vân Nam và thành phố Trùng Khánh đều có nợ tới hạn năm 2019 trị giá đến hơn một nửa so với nguồn thu năm 2018.
Báo cáo nghiên cứu công bố tuần trước của Công ty cổ phần tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC) cho thấy dòng tiền lưu động tạo ra bởi các LGFV chỉ có thể giúp địa phương chi trả được 40% nợ gốc và lãi trong năm nay.
"Nếu [các địa phương] tìm được khoản tín dụng mới để xoay vòng nợ đọng thì sẽ dẫn đến rủi ro khủng hoảng thanh khoản," báo cáo của hai nhà kinh tế Liang Hong và Liu Liu thuộc CICC nhận định.
Nhà đầu tư vẫn tranh nhau "bơm" tiền cho chính quyền
Yin Jianfeng, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Zheshang Trung Quốc, chỉ ra một phương án xử lý là chuyển đổi các trái phiếu địa phương thành trái phiếu chính phủ, từ đó đưa các khoản nợ địa phương thành nợ của chính phủ.
Theo ông Yin, các địa phương mắc nợ bởi họ phải cố gắng ổn định tình hình kinh tế quốc gia theo yêu cầu của chính phủ, do đó việc Bắc Kinh gánh vác nợ nần cho các khu vực là điều hợp lý.
"Hệ thống tài chính rõ ràng cần phải được cải tổ trong tương lai. Việc phân cấp tài chính từ trên xuống bất hợp lý đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong thu nhập, chi tiêu và nợ nần của các chính quyền," ông nói.
Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc nằm trong số địa phương có nợ tới hạn năm 2019 vượt quá nửa thu nhập tài chính năm 2018 (Ảnh: Xinhua)
Trong khi đó, trái phiếu do địa phương phát hành cũng như các LGFV liên kết với chúng rất phổ biến trong giới đầu tư trái phiếu Trung Quốc do lợi tức thường niên tương đối cao, cùng niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ "lo liệu" mọi vấn đề nợ công phát sinh từ các địa phương, bởi việc chính quyền địa phương phá sản là điều không thể cho phép trong hệ thống kinh tế-chính trị tập trung của Trung Quốc.
Trong trường hợp Trấn Giang, dù không có cải thiện nào trong tình hình tài chính, sự hỗ trợ từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã khiến trái phiếu của thành phố này nóng lên trong giới đầu tư.
Ngoài ra, 300 triệu tệ trái phiếu do chính quyền thành phố Ninh Ba phát hành và 1.1 tỉ tệ trái phiếu do chính quyền tỉnh Chiết Giang phát hành cũng bán hết trong vòng 10 phút hồi tuần trước khi các nhà đầu tư bán lẻ đổ xô đi mua trái phiếu.