Theo các chuyên gia, tình trạng giảm tốc của nền kinh tế và điều kiện tín dụng quá chặt chẽ đã khiến mức nợ doanh nghiệp của Trung Quốc hồi năm ngoái tăng lên mức cao kỷ lục.
Các khoản vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc - được phát hành bằng cả đồng USD và NDT, đã tăng vọt trong năm ngoái, dựa vào số liệu 2 ngân hàng cung cấp. Theo báo cáo hồi tháng 2 của ngân hàng DBS Singapore, các khoản nợ định danh bằng NDT của Trung Quốc đã leo lên mức cao "chưa từng chứng kiến" là 119,6 tỷ USD (17,8 tỷ USD), gấp 4 lần so với năm 2017.
Dự báo của ngân hàng Nomura Nhật Bản thậm chí còn cao hơn, nâng quy mô vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp trong nước ở mức 159,6 tỷ NDT (23,8 tỷ USD) vào năm ngoái. Con số này cũng gấp khoảng 4 lần so với ước tính hồi năm 2017. Trái phiếu doanh nghiệp định danh bằng USD, hoặc nợ USD do các công ty Trung Quốc phát hành, cũng có xu hướng tương tự. Nomura cho biết khoản nợ này đã tăng thêm 7 tỷ USD trong năm 2018, dù năm trước đó là gần như không có gì.
Các nhà phân tích của DBS cho biết: "Năm ngoái Trung Quốc đã chứng kiến 'làn sóng' vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp khủng khiếp chưa từng thấy, là một dấu hiệu mới cho thấy những bất ổn đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính khi đà tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế ngày càng rõ rệt."
Theo DBS, ngành năng lượng "ôm" khoản nợ tổng cộng là 46,4 tỷ NDT trong năm 2018, chiếm gần 40% trong tổng các khoản vỡ nợ định danh bằng NDT. Theo báo cáo của ngân hàng này, các công ty tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
DBS cho hay: "Làn sóng vỡ nợ đang lan rộng sang năm 2019. Với tình trạng khẩu vị rủi ro giảm và khoản đáo hạn khổng lồ, thì triển vọng là khá ảm đạm", nói thêm rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đối mặt với 3,5 nghìn tỷ NDT khoản nợ sẽ đáo hạn trong năm nay.
Các công ty hiện đang phải đối mặt với điều kiện tiền tệ bị thắt chặt hơn, do chi phí đi vay cao, lãi suất thực cũng đã tăng vọt lên 4,35% trong tháng 1, so với mức thấp là -3,1% hồi đầu năm 2017. DBS cho hay: "Sự sẵn có của các khoản tín dụng tái hỗ trợ vẫn còn quá chặt chẽ, dù PBOC đã nhiều lần nới lỏng.
Các ngân hàng thương mại vẫn cẩn trọng trong việc cho vay đối với các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính."
Ngân hàng Singapore cảnh báo, điều kiện tiền tệ bị thắt chặt như vậy "sẽ khiến tình hình tài chính của các công ty Trung Quốc còn căng thẳng hơn", và điều đó cũng "không hỗ trợ cho khả năng thanh toán nợ của họ."
DBS nói thêm về bất động sản, rằng "một phần lớn các khoản vay đáng lo ngại gần đây xuất hiện dưới dạng trái phiếu ngắn hạn", áp lực gọi vốn mà các nhà phát triển bất động sản vốn phải đối mặt còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi doanh số bán nhà sụt giảm.
Khi đồng NDT mất giá so với đồng bạc xanh, thì các công ty Trung Quốc nhận thấy việc trả nợ bằng USD khó khăn hơn nhiều so với trước đây.
Các nhà phân tích cũng nhận định tỷ lệ vỡ nợ cao kỷ lục là do việc chính phủ nước này xoá sổ hệ thống ngân hàng "ngầm", khiến các công ty đón nhận ít dòng tiền hơn, do đó, không thể trả nợ. Tín dụng "đen" là các hoạt động được thực hiện bởi các công ty tài chính bên ngoài khu vực ngân hàng chính thức, nên phải chịu mức độ giám sát quy định ít gắt gao hơn và có nhiều rủi ro hơn.
"Tình hình còn tồi tệ hơn kể từ khi hệ thống ngân hàng "ngầm" là nhà cung cấp tín dụng chính cho nhiều doanh nghiệp chất lượng thấp ở Trung Quốc", Tiansi Wang, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại công ty quản lý tài sản Robeco, nói.
Các ngân hàng quốc doanh thường có xu hướng cung cấp các khoản vay cho những công ty thuộc sở hữu của chính phủ, được coi là nhà cho vay an toàn hơn so với nhiều công ty tư nhân. Do đó, họ đã phải chuyển hướng sang tín dụng đen. Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ vỡ nợ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay dù với tốc độ dễ kiểm soát hơn.
Tuy nhiên, điều này lại không thuận lợi cho mức độ nợ rất cao ở Trung Quốc, bởi Bắc Kinh dường như sẽ tăng cường các khoản cho vay trong bối cảnh thực hiện một số biện pháp nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Dẫu sao, đây cũng là một "điểm sáng" đối với những công ty đang cần cấp vốn.