Phí ùn tắc - giải pháp chống kẹt xe cho các thành phố lớn ở Mỹ

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York, Mỹ) |

Sau hơn 10 năm thai nghén ý tưởng, New York đã trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ áp dụng phí ùn tắc (congestion fee) đối với các khu vực sầm uất, nhộn nhịp khác.

Cách làm này nhiều khả năng sẽ được nhân rộng ra nhiều thành phố đông dân khác, nơi mà hạ tầng giao thông đang quá tải do thói quen và những phát triển mới về cách thức đi lại ở thời kỳ bùng nổ các ứng dụng mới.

Khi lái xe ở New York không còn như trước nữa

Sau nhiều tranh cãi kể từ khi thị trưởng New York Michael Bloomberg đưa ra đề xuất vào tháng 7/2007, kế hoạch thu phí ùn tắc đối với các khu vực trung tâm của thành phố New York đã chính thức được chấp thuận.

Sau khi Hội đồng thành phố gửi đề xuất và được đương kim thị trưởng New York Andrew Cuomo tán đồng, Thượng viện và Hạ viện bang New York đã thảo luận xuyên đêm, kịp thông qua dự luật ngân sách trị giá 175,5 tỉ USD cho năm tài khóa 2019-2020 vào rạng sáng ngày 1/4, trong đó có quy định về phí ùn tắc.

New York là thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ áp dụng loại phí này, nhằm vào phương tiện đi vào khu vực sầm uất nhất.

Phí ùn tắc - giải pháp chống kẹt xe cho các thành phố lớn ở Mỹ - Ảnh 1.

Dự kiến khu vực sẽ áp dụng mức thu phí ùn tắc ở Trung tâm quận Manhattan. Ảnh: Sở Giao thông Đô thị New York.

Với quyết định mới này, lái xe ở Manhattan sẽ khác trước, khi các tài xế sẽ mất thêm khoản chi phí khi tham gia giao thông ở khu vực đông đúc nhất ở Manhattan. Theo kế hoạch, tài xế sẽ phải trả phí khi đi vào khu trung tâm của quận Manhattan. Khu vực dự kiến được áp phí là từ phố 60 ở khu vực Midtown xuôi xuống hết Hạ Manhattan.

Theo tính toán nhóm chuyên gia được ông Andrew Cuomo chỉ định đưa ra vào năm ngoái, mức phí sẽ được tính với giá 11,52 USD cho xe con và 25,34 USD cho xe tải. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa chưa nhận được sự thống nhất, do có ý kiến cho rằng mức phí cần được linh hoạt, áp dụng dựa trên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ở từng thời điểm.

Về lộ trình, mức phí cụ thể sẽ do một nhóm 6 chuyên gia thuộc Ban Giám sát giao thông trực thuộc Sở Giao thông Đô thị New York (MTA) - đầu mối vận hành, quản lý hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và tàu hỏa của thành phố nghiên cứu và công bố vào đầu năm 2020. Việc áp dụng dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2020.

Người sở hữu xe sống trong vùng áp phí và những người có mức thu nhập dưới 60.000 USD/năm sẽ được xem xét giảm phí, không mất phí khi di chuyển trong và ra ngoài khu vực, như sẽ bị tính phí khi đi từ ngoài vào. Một số trường hợp khác cũng sẽ được xem xét miễn giảm, như xe chở bệnh nhân, chở người khuyết tật và mọi lái xe sẽ chỉ bị đánh thuế 1 lần/ngày.

Việc thu phí cũng không gặp nhiều trở ngại. Phí sẽ được thu qua mở rộng, nâng cấp công nghệ thu phí E-Zpass vốn rất hiện hành tại New York và nhiều bang khác tại Mỹ. Xe có gắn thẻ E-Zpass sẽ được khấu trừ tự động, còn với xe chưa lắp đặt thẻ E-Zpass, hệ thống camera dày đặc trong thành phố sẽ chụp hình biển số và sau đó gửi hóa đơn qua đường bưu điện tới chủ phương tiện, đương nhiên mức phí sẽ cao hơn.

Đề án áp phí ùn tắc được thông qua tại thời điểm vấn nạn tắc đường tại thành phố New York ngày một trầm trọng, khi giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống tàu điện ngầm huyết mạch, đang ở thời điểm khủng hoảng. Ở trung tâm quận Manhattan, chuyện đi bộ nhanh hơn bắt xe buýt hay tự lái xe là thường tình.

Đường phố bị thu hẹp bởi các hoạt động xây dựng, dịch vụ đỗ xe trái phép cùng với đó là hoạt động nhộn nhịp của các xe tải chở đồ. Sự phát triển bùng nổ của các ứng dụng gọi xe chia sẻ, chủ yếu là Uber và Lyft trong 5 năm trở lại đây, cũng gây ra áp lực lớn, khi có đến hơn 80.000 xe con tham gia vào loại hình này.

Theo nghiên cứu của Nhóm Đối tác vì thành phố New York (Partnership for New York City) và Văn phòng ngân sách độc lập thành phố, ùn tắc giao thông khiến kinh tế New York thiệt hại 20 tỉ USD/năm; trong khi thiệt hại kinh tế từ việc trễ giờ, lệch chuyến, chậm chuyến của hệ thống tàu điện ngầm là 1,2 tỉ USD/ngày.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở khu vực này, chuyển hàng tỉ USD từ việc thu phí này để chuyển sang đầu tư, khôi phục hệ thống giao thông công cộng, nhất là hệ thống tàu điện ngầm, đang xuống cấp nhanh chóng.

Theo Samuel I. Schwartz, chuyên gia giao thông tại New York, ngân sách thành phố dự kiến sẽ thu về hơn 1 tỉ USD/năm, cùng với thuế bất động sản đủ sức tạo ra nguồn thu 15 tỉ USD từ đến năm 2024 dùng cho việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Thị trưởng Andrew Cuomo ca ngợi bước tiến này.

Ông nói rằng cần xem xét tính chính đáng của việc áp phí tắc đường dựa trên khía cạnh “hai M” - Điều tiết (Management) và “Tiền bạc” (Money), vừa cải thiện tình hình giao thông, đồng thời thúc đẩy giao thông công cộng.

Phát biểu trước báo giới, ông Cuomo tuyên bố sẽ không yêu cầu người dân New York đóng thêm phí cho MTA vì chính quyền đã có được cách thức, hệ thống quản trị tốt hơn ở MTA. Tàu điện ngầm cần nhiều thành tiền đầu tư hơn, còn thành phố cần ít phương tiện hơn. Phí ùn tắc có thể sẽ giúp giải quyết cả hai vấn nạn này.

Sẽ là xu thế phổ biến ở cách thành phố lớn tại Mỹ?

Ngoài New York, kẹt xe, tắc đường đang là vấn nạn kinh niên của nhiều thành phố lớn tại Mỹ. Theo một số công trình nghiên cứu, bùng nổ kinh tế kết hợp với giá dầu xuống thấp, thị trường việc làm được cải thiện rõ rệt đã làm tăng nhu cầu sở hữu xe cá nhân cũng như hoạt động vận tải hàng hóa, dịch vụ.

Doanh số bán xe tại Mỹ tăng liên tục trong bảy năm (2009-2016), giảm nhẹ trong năm 2017, sau đó tăng trở lại trong năm 2018, với doanh số bán xe đạt 17,27 triệu chiếc. Giá xăng dầu giảm khiến người tiêu dùng Mỹ có xu hướng chuyển sang các dòng xe cá nhân cỡ lớn, như xe van, xe đa dụng SUV. Hệ quả là tắc đường giảm sau khủng hoảng 2008 nhưng sau đó tăng trở lạ.

Kể tử 2014 đến nay, thời gian tắc đường ở các thành phố đã tăng mạnh so với mức tiền khủng hoảng 2008. Boston và Washington, D.C. là hai thành phố có nạn tắc đường tệ nhất, khi tài xế phải chịu quãng thời gian mắc kẹt trên đường là 164 và 155 giờ/năm. Còn New York là thành phố có khu trung tâm mà ở đó tốc độ di chuyển của xe là chậm nhất, chỉ khoảng 14,5km/giờ, kế đến là San Francisco and Philadelphia với 16km/giờ.

Một số biện pháp có tính tạm thời đã được đưa ra áp dụng. Thành phố Philadelphia bang Pennsylvania nỗ lực chống tắc đường bằng các chiến dịch kiểm tra đột xuất vi phạm đỗ xe.

Nhưng bang khác như Florida, Texas và Virginia cho triển khai hệ thống thu phí dựa trên nhu cầu, mở rộng đối tượng được chạy vào làn ưu tiên, nhưng tăng phí cầu đường đối với xe ô tô chạy một người trên một số tuyến cao tốc. Mục đích là khuyến khích việc dùng xe chung, chở từ 2 người trở lên tại những giờ cao điểm.

Tuy nhiên, chưa có một thành phố nào có được giải pháp triệt để như New York. Theo bà Corinne Kisner, Giám đốc điều hành Hiệp hội giới chức ngành vận tải các thành phố ở Bắc Mỹ (National Association of City Transportation Officials), phí tắc đường từ kinh nghiệm của New York sẽ là tiền lệ để cách thành phố lớn tại Mỹ tham khảo, làm theo.

Nhiều bang và thành phố lớn ở Mỹ đang cất nhắc lựa chọn áp đặt mô hình này. Nhiều nhóm hoạt động tại California đang nghiên cứu các biện pháp thu phí ùn tắc để chống nạn kẹt xe, tắc đường ở hai thành phố Los Angeles và San Francisco.

Hiệp hội các cơ quan chính quyền vùng Nam California (SCAG), một tổ chức hoạch định đô thị, mới đây đã đề xuất áp phí 4 USD đối với mỗi lượt ra vào khu vực Tây Los Angeles trong giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối.

Thị trưởng Seattle Jenny Durkan cuối năm 2018 cũng từng tuyên bố chính quyền thành phố đã bắt tay nghiên cứu áp dụng phí tắc đường và sẽ cố gắng áp dụng từ năm 2021. Những đề xuất tương tự khác cũng đang được thành hình ở Boston, dù chưa có điều luật chính thức nào được đưa ra.

Còn tại bang Massachusetts, đầu năm 2019, một nhóm các nhà hoạt động môi trường do Thị trưởng thành phố Boston Martin Walsh chỉ định đã đề xuất mức thu phí 5 USD đối với mỗi hành trình đến-đi tính từ khu vực vòng cung trung tâm của thành phố.

Giới chuyên gia Mỹ nhận định, việc áp dụng phí ùn tắc sẽ dần trở nên phổ biến. Michael Manville, chuyên giao nghiên cứu về quy hoạch đô thị tại Trường các vấn đề công Luskin thuộc Đại học California (UCLA) cho rằng ý tưởng áp phí ùn tắc từ chỗ chỉ có trong lý thuyết giảng dạy tại nhà trường giờ đã được hiện thực hóa.

Nguyên do là tình thế đã thay đổi, chính quyền nhiều bang, thành phố lớn nhận thấy cần phải có thêm nguồn thu để đầu tư cho hạ tầng trong khi các nguồn thu truyền thống đang dần cạn kiệt.

Các dịch vụ ứng dụng gọi xe cũng khiến người dân thoải mái hơn trong việc đi lại, khiến đầu xe tham gia chạy Uber hay Lyft tăng mạnh, gây áp lực lên giao thông.

Giới chức nhận ra rằng việc mở rộng, xây mới các tuyến đường cao tốc không giảm tải giao thông, trái lại nó chỉ khuyến khích người dân di chuyển nhiều hơn, do tiện lợi và giá xăng dầu đứng ở mức thấp.

Việc áp phí ùn tắc liệu có thực sự đem lại hiệu quả?

Kinh nghiệm của nhiều nước sẽ đưa đến câu trả lời là “có”. Mỹ đã đi sau nhiều nước về phí tắc đường. Hình thức thu phí này đã được London, Stockholm, Singapore, Milan… áp dụng từ hơn một thập kỉ trước đây.

Những thành phố này sử dụng phí ùn tắc để giảm thiểu mật độ giao thông, đồng thời gây quỹ tài chính đầu tư cho hệ thống vận tải công cộng, làn đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp, nâng cấp mặt đường.

Vùng áp phí ở trung tâm London được đưa vào áp dụng từ năm 2003 đã tạo ra hiệu quả đáng kể, giảm ùn tắc hơn 30%, khi có hơn 11% tài xế bỏ xe ô tô cá nhân để xử dụng phương tiện công cộng, đạp xe hoặc đi bộ. Ô nhiễm không khí cũng giảm đáng kể, với lượng khí thải ôxít ni-tơ giảm 12%.

Việc áp dụng phí tắc đường ở New York phải mất hơn 10 năm mới đi từ ý tưởng thành hiện thực. Các thành phố khác cũng sẽ gặp khó khăn tương tự, bởi cách làm này đánh vào người sở hữu xe vì một thứ mà họ đã quá quen với việc sử dụng miễn phí.

Đánh phí ùn tắc, New York và chính quyền nhiều thành phố lớn tại Mỹ quay trở lại với đặc trưng “thực dụng” trong quản lý xã hội – đó là điều tiết hành vi của người dân thông qua khả năng chi trả tài chính.

Đường phố sẽ được coi là thị trường. Người quản lý (MTA và các Sở giao thông vận tải) sẽ áp mức phí lớn hơn khi nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cao (các khu vực trung tâm, giờ cao điểm) và giảm mức phí, không thu phí khi nguồn cung dồi dào, nhu cầu không đột biến (các khu vực ngoại ô, thời điểm đêm tối ngoài khung giờ cao điểm).

Nhưng trước khi làm được điều đó, cơ quan quản lý sẽ bảo đảm yếu tố công bằng qua việc cung cấp “thị trường thay thế”. Đó là lý do New York sẽ chỉ thực hiện việc áp phí ùn tắc sớm nhất là vào năm 2021, khi dự án cải tạo hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt công cộng cơ bản hoàn tất, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất về khả năng an toàn và vận hành.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại