"Kỳ phùng địch thủ"
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích việc tổng thống Barack Obama kẻ ra "những lằn ranh đỏ" nhưng không bao giờ thực hiện, và một nước Mỹ ngày càng yếu đuối giữa bối cảnh Nga can thiệp vào Syria mà không chịu bất kì áp lực nào từ Washington.
Ông Trump khi ấy cho rằng chuyện như vậy sẽ không thể xảy ra nếu lãnh đạo nước Nga tôn trọng tổng thống Mỹ.
Nhưng hiện tại, ở Venezuela, tổng thống Trump đang phải đối diện với chính "lằn ranh đỏ" của ông - và đối thủ, không ai khác vẫn là tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong tuần qua, chính quyền của ông Trump đã gia tăng những cảnh báo đối với việc Nga can thiệp vào Venezuela, cho rằng Moskva đang cố gắng hỗ trợ tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và dập tắt những hi vọng của quan chức Mỹ trong việc lật đổ chính quyền của ông Maduro.
Mỹ cũng vận động các quốc gia trên thế giới ủng hộ và công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela.
Syria và Venezuela đều mắc kẹt trong những biến động chính trị lớn ngay trong nội bộ đất nước.
Ngày 1/4, phát biểu tại Đại học Chiến tranh Quân sự ở Carlisle, Pennsylvania, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Nga bắt buộc phải rời khỏi Venezuela".
Phát biểu này được đưa ra sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói sự xuất hiện của khoảng 100 binh sĩ - "cố vấn" người Nga ở Venezuela gây ra "một mối đe dọa trực tiếp tới hòa bình và an ninh khu vực". Ông Bolton cũng cảnh báo rằng không quốc gia nào được phép xâm nhập vào vùng bán cầu phía Tây "với ý định thiết lập hay mở rộng hoạt động quân sự".
Những tuyên bố nói trên đã đặt ra một bài kiểm tra mới: Liệu Venezuela có phải là nơi mà ông Trump - người thường im lặng trước những thách thức từ ông Putin - sẽ vạch ra lằn ranh đỏ hay không? Và nếu có, ông Trump sẽ làm thế nào để thực hiện kế hoạch của mình?
Ông Maduro hiện tại vẫn đang nắm quyền kiểm soát đất nước - mặc cho những cấm vận kinh tế nhằm vào chính phủ nước này và hơn 50 quốc gia (bao gồm Mỹ) đã công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela.
Ông Putin có thể sẽ nghĩ tới việc lặp lại kịch bản Syria ở Venezuela, ủng hộ hết mình cho một lãnh đạo mà chính quyền Mỹ muốn lật đổ - lần này là ông Maduro, thay vì ông Bashar al-Assad ở Syria - và đẩy lùi những mục tiêu của Washington trong khu vực.
Washington hiện đang khá cẩn trọng đối với việc triển khai hành động quân sự ở Venezuela. Mặc dù ông Trump nói "mọi lựa chọn đều đang nằm trên bàn", vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang suy tính một cách nghiêm túc về việc triển khai quân sự tới quốc gia ở Nam Mỹ.
Ông Trump sẽ tránh lặp lại sai lầm của ông Obama?
Trên thực tế, ông Putin có rất nhiều lí do để bảo vệ quyền điều hành của ông Maduro. Nga muốn tập trung thu hồi hàng tỉ USD tiền nợ từ Venezuela, một số khoản phải trả bằng dầu mỏ. Việc Venezuela có thể thanh toán toàn bộ nợ khó có thể xảy ra.
Đối với ông Trump, đây là vấn đề mới nhất trong số hàng loạt rắc rối với Nga - và là ví dụ điển hình nhất cho sự im lặng của ông Trump trước tầm ảnh hưởng lan rộng của Nga trên thế giới. Sự im lặng ngày càng trở nên rõ nét, trong khi ông Bolton, ông Pompeo, Tướng Joseph Dunford, nói về Nga với tần suất rất cao trong suốt những tuần qua.
Những cựu cố vấn của ông Trump nói ông chưa bao giờ đọc toàn bộ chiến lược an ninh quốc gia, nhưng kể cả khi ông Trump có đề cập, ông cũng không bao giờ nhắc tới Nga.
Đây có thể là phản ứng của tổng thống Mỹ sau hàng loạt những chỉ trích gay gắt từ lưỡng đảng sau khi ông có cách ứng xử khác biệt với ông Putin tại Helsinki, Phần Lan vào mùa hè năm ngoái.
Hoặc cũng có thể, đây là cách để ông Trump tránh đi vào "vết xe đổ" của ông Obama.
Tháng 8/2011, ông Obama tuyên bố rằng "đã tới lúc ông Assad phải từ chức, vì quyền lợi của người dân Syria". Và cũng chính ông Obama là người cảnh báo rằng "việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ thay đổi cục diện chiến trường".
Nhưng khi vũ khí hóa học được sử dụng tại Syrira, ông Obama lại giảm hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria. Một năm trước, ông Trump còn nhắc lại trong dòng tweet rằng: "Nếu tổng thống Obama thực thi lằn ranh đỏ của ông ấy, thì khủng hoảng Syria có lẽ đã kết thúc từ lâu".
William J. Burns, Phó Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama, cảnh báo rằng ông Trump có thể sẽ lặp lại một số sai lầm như chính quyền của ông Obama.
"Việc tập trung giải quyết áp lực kinh tế và chính trị là có thể hiểu được," ông Burns nhận định.
Khoảng cách giữa Nga và Venezuela cũng hạn chế năng lực can thiệp của ông Putin đối với các sự kiện cụ thể. "Khoảng cách là vấn đề lớn. Nga không có cách để gia tăng ảnh hưởng ở Venezuela như họ đã làm ở Syria".
Do đó, hầu như mọi chuyện đều phụ thuộc vào năng lực của ông Trump trong việc xây dựng liên minh các quốc gia thân cận.
Tuy nhiên, việc này đã không được đánh giá đúng mức, đặc biệt khi xét tới căng thẳng biên giới với Mexico và lời đe dọa mới đây của ông Trump trong việc đóng cửa biên giới và chấm dứt viện trợ cho El Salvador, Guatemala và Honduras.
Bên cạnh đó, ông Maduro cũng có thể học từ những kinh nghiệm của ông Assad. Theo ông Burns: "Miễn là chính phủ vẫn kiểm soát được quân đội, thì chính quyền các quốc gia vẫn có thể trụ lại lâu hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nghĩ".