Cựu TT Gruzia: Ông Poroshenko từng định "hiến" Crimea để đổi lấy tấm vé vào EU, NATO từ năm 2014

Hồng Anh |

Chia sẻ của cựu Tổng thống Gruzia được đăng tải ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3 tới.

Vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo Ukraine, cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili - Lãnh đạo của Phong trào Lực lượng Mới và cựu Thống đốc vùng Odessa của Ukraine - đã tiết lộ nội dung của cuộc trao đổi giữa ông này và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hồi năm 2014 về vấn đề bán đảo Crimea, sau sự kiện khu vực này sáp nhập vào Nga.

"Tôi từng trò chuyện với ông Poroshenko, và ông ấy đã nói với tôi rằng: Các ông đã gần như chấp nhận chuyện Nam Ossetia và Abkhazia sẽ không bao giờ trở lại với Gruzia được nữa. Tương tự như vậy, chúng ta cũng phải dần chấp nhận rằng Ukraine sẽ không bao giờ lấy lại được Crimea.

Thay vào đó, chúng ta có thể đổi [Crimea] lấy tấm thẻ thành viên tại Liên minh Châu Âu (EU) và NATO", ông Saakashvili chia sẻ với nhà báo Dmytro Gordon.

Ngoài ra, ông Saakashvili còn nói thêm rằng việc Crimea sáp nhập vào Nga có thể là một lí do khiến Ukraine không thể gia nhập hai khối liên minh trên bởi "một cuộc xung đột lãnh thổ phát sinh thêm".

Những chia sẻ của cựu Tổng thống Gruzia được đăng tải ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3 tới. Nhiều ý kiến nhận định ông Poroshenko sẽ rất khó có khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử lần này.

Thậm chí, một cựu Bộ trưởng Kinh tế của nước này còn quả quyết rằng ông Poroshenko đã tính đến chuyện đào tẩu sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili từng xuất hiện trong một bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại câu lạc bộ kinh tế Valdai hồi tháng 10 năm ngoái như một "ví dụ điển hình" về câu chuyện vết xe đổ có thật - nhằm cảnh báo Tổng thống Poroshenko.

Cụ thể, theo ông Putin, những chính sách của Kiev tại khu vực Đông Ukraine về bản chất giống như chính sách trước đây của ông Saakashvili trong cuộc chiến tranh Nam Ossetia năm 2008. Hậu quả là, do chính sách sai lầm, ông Saakashvili đã khiến Gruzia bại trận trước Nga và thậm chí còn mất quyền kiểm soát một phần lãnh thổ.

Quan hệ giữa hai nước Nga-Ukraine đã bắt đầu chuyển biến xấu đi kể từ đầu năm 2014, do sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và những diễn biến căng thẳng tại khu vực Đông Ukraine.

Tháng 12/2018, Tổng thống Poroshenko đã tuyên bố xé bỏ Hiệp ước Hữu nghị với Nga, được hai nước kí kết vào ngày 31/5/1997. Đây là văn kiện quan trọng đối với quan hệ song phương và hợp tác chiến lược của hai nước Nga-Ukraine.

Sau đó, vào tháng 2/2019, ông Poroshenko đã tiếp tục ban hành một dự luật khác về những sửa đổi trong Hiến pháp Ukraine để tiến tới việc gia nhập NATO và EU. Dự luật này cũng loại bỏ một số điều khoản là cơ sở pháp lý để Hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú tại Crimea.

Phía Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc Kiev vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước Hữu nghị giữa hai nước, mà cụ thể là khi Ukraine lấy việc gia nhập NATO làm mục tiêu chiến lược, thì nước này đã vi phạm Điều 6 trong Hiệp ước.

Ngày 12/3, phía Ukraine đã nhận được công hàm chính thức từ phía Nga về việc chấm dứt hiệp ước Hữu nghị Nga-Ukraine kể từ ngày 1/4 sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại